A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhân rộng mô hình nuôi Tôm Càng xanh ở Phú Linh

Sau 1 năm triển khai, mô hình nuôi Tôm Càng xanh ở xã Phú Linh (Vị Xuyên) đang dần chứng minh được hiệu quả kinh tế, từng bước giúp nhiều hộ dân tăng thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đầu năm 2023, xã Phú Linh bắt đầu triển khai mô hình nuôi Tôm Càng xanh, ban đầu có 4 hộ đăng ký tham gia dự án, 2 hộ thanh niên tự phát. Sau thời gian thử nghiệm, kết quả cho thấy loài tôm này thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Mô hình cũng đã mang lại tác động tích cực đối với các hộ nuôi trong vùng, được đông đảo bà con và địa phương đánh giá cao và áp dụng vào sản xuất thực tế. Đây được xem là mô hình chăn nuôi mới có giá trị kinh tế cao, góp phần vào chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi tại địa phương.

Anh Hoàng Công Thịnh, thôn Nà Ác kiểm tra chất lượng Tôm Càng xanh.

Sau nhiều năm nuôi cá với nhiều loại khác nhau, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Gia đình chị Trương Thị Thuận, thôn Chăn 1 đã suy nghĩ tìm hướng chăn nuôi mới. Để khai thác tốt tiềm năng đất đai của gia đình, tháng 4.2023 được sự hỗ trợ của Nhà nước, chị Thuận đã xây dựng mô hình nuôi Tôm Càng xanh nước ngọt. Nhờ áp dụng đúng với quy trình kỹ thuật nên con tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Trong thời gian từ 6 - 7 tháng nuôi, gia đình đã có thể thu hoạch, với giá bán 250 - 300 nghìn đồng/kg, ước tính 1ha thu được 2 – 2,5 tấn tôm đem lại cho gia đình nguồn thu cao so với các loại con khác. Chị Thuận cho biết: “Năm nay là năm thứ hai gia đình tôi triển khai mô hình nuôi Tôm Càng xanh với diện tích mặt nước hơn 1.000 m2. Con Tôm Càng xanh có giá trị dinh dưỡng rất cao và thị trường tiêu thụ ổn định nên cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cá Trắm, Trôi, Rô phi... mà gia đình nuôi trước đây. Loại tôm này nuôi nhanh lớn, chỉ 6 tháng đã cho thu hoạch, giá bán cao, đầu ra tương đối ổn định nên nông dân chúng tôi rất an tâm để tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình này trong những vụ tiếp theo”.

Nhận thấy mô hình nuôi Tôm Càng xanh có nhiều tiềm năng, gia đình anh Hoàng Công Thịnh, thôn Nà Ác đã mạnh dạn nuôi thử. Với số vốn được huyện hỗ trợ 50% chi phí, tương đương hơn 90 triệu đồng để mua con giống, thức ăn, vật tư, thuốc thú y. Gia đình anh đã cải tạo hơn 1.000m2 đất ruộng thành ao để nuôi tôm, ban đầu anh thả 3 vạn giống. Hiện, tôm sinh trưởng và phát triển rất tốt, khoảng đầu tháng 10 là có thể thu hoạch.

Từ mô hình điểm với 6 hộ nuôi ban đầu ở thôn Chăn 1 và Chăn 2, sau 1 năm triển khai, đến đầu năm 2024 đã có thêm 15 hộ ở các thôn khác trên địa bàn xã đăng ký thực hiện mô hình cải tạo vườn tạp gắn với nuôi Tôm Càng xanh. Thành công của mô hình không chỉ đem lại nguồn thu ổn định cho người dân mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi thủy sản.

Đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Bí thư Đảng ủy xã Phú Linh cho biết: “Qua tổng kết có thể thấy, mô hình nuôi Tôm Càng xanh của xã bước đầu đã cho hiệu quả, người dân đã nuôi thành công và xuất bán ra thị trường. Thời gian tới để duy trì và nhân rộng mô hình này chúng tôi tiếp tục tăng cường phổ biến, tuyên truyền cho người dân tận dụng mặt nước sẵn có, thành lập các tổ, nhóm cùng sở thích nuôi tôm, đảm bảo nguồn cung con giống từ đầu vào, thức ăn chăn nuôi và tìm đầu ra ổn định, từ đó dần tạo thương hiệu sản phẩm Tôm Càng xanh của xã Phú Linh”.

Bài, ảnh: Nguyễn Yếm

 

* Mời bạn đọc xem bài viết liên quan: Thành công mô hình nuôi thử nghiệm Tôm càng xanh ở xã Phú Linh


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 26
Hôm qua : 1.974
Tháng 12 : 55.289
Năm 2024 : 991.987