Đồng Văn phát triển sản phẩm OCOP thực chất, bền vững
Thời gian qua, huyện Đồng Văn đã nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản phẩm OCOP. Nhờ đó, đã làm thay đổi tư duy trong sản xuất của người dân, hợp tác xã (HTX), từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín và tạo sức bật phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, huyện Đồng Văn hiện có 19 sản phẩm OCOP đã được cấp chứng nhận gồm: 6 sản phẩm mật ong hoa Bạc hà, 1 sản phẩm ớt gió; 2 sản phẩm dệt từ vải lanh; 3 sản phẩm đậu xị; 2 sản phẩm trà; 1 sản phẩm du lịch, 3 sản phẩm bánh Tam giác mạch, 1 sản phẩm rượu ngô Thiên Hương, bánh Tam giác mạch. Trong đó có 1 sản phẩm 4 sao, 18 sản phẩm 3 sao. Vừa qua, huyện đã phối hợp đăng ký nhãn hiệu tập thể sản phẩm “Chè xanh Lũng Phìn” và “Sâm khoai Cao nguyên đá Đồng Văn”, duy trì quản lý khai thác hiệu quả các sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể như: Quả lê Đồng Văn, bộ sản phẩm Tam giác mạch, bộ sản phẩm đậu xị, bộ sản phẩm thịt bò, bộ sản phẩm thổ cẩm, hoa hồng...
Sản phẩm mật ong Bạc hà Ngọc Trang tham gia phiên giao dịch giới thiệu, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại Hà Nội
Để phát triển sản phẩm OCOP, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện thông tin truyền thông, đại chúng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong triển khai, thực hiện. Tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ các địa phương, chủ thể thực hiện chu trình, chuyển đổi số trong chương trình OCOP, hướng dẫn livestream bán sản phẩm OCOP trên mạng xã hội… Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm được đẩy mạnh với một số hoạt động như: Trưng bày sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại các sự kiện lớn của tỉnh, huyện; các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP trên hệ thống truyền thông đa phương tiện, sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay, hầu hết các sản phẩm OCOP của huyện đã được hỗ trợ và đưa lên 2 sàn thương mại điện tử là Postmart.vn và Voso.vn.
HTX Nông, lâm nghiệp hoa Bạc hà Đồng Văn có cơ sở sản xuất tại tổ 6, thị trấn Đồng Văn, được thành lập từ năm 2021. HTX có sản phẩm Mật ong Bạc hà Ngọc Trang đã được UBND tỉnh cấp Chứng nhận OCOP 3 sao năm 2022; được cấp Quyết định bảo hộ chỉ dẫn địa lý Mật ong Bạc hà Mèo Vạc năm 2023 và được Thương hiệu Việt Nam chứng nhận Thương hiệu Vàng năm 2023. HTX chuyên cung cấp sản phẩm mật ong Bạc hà Đồng Văn ra thị trường cả nước, với nhiều mẫu mã khác nhau. Mỗi năm HTX nuôi 500 - 700 đàn ong nội, thu về trên 5.000 lít mật được đưa ra thị trường góp phần tiêu thụ sản phẩm và giúp bà con giải quyết việc làm. Đến nay, sản phẩm bước đầu đã xây dựng được hệ thống tổ chức phân phối gồm: Công ty OCOP Việt Nam; gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại Phố Cổ Đồng Văn; gian hàng giới thiệu sản phẩm Liên minh Hợp tác xã tỉnh…
Sản phẩm dệt từ vải lanh là sản phẩm OCOP của huyện Đồng Văn được giới thiệu tại các điểm du lịch.
Bà Nguyễn Thị Trang, Phó Giám đốc HTX Nông, lâm nghiệp hoa Bạc hà Đồng Văn cho biết: Những năm qua, HTX luôn quan tâm, giữ vững các tiêu chí, tập trung vào chất lượng của sản phẩm. Đồng thời, để tạo dựng điểm khác biệt, HTX đã quan tâm xây dựng thương hiệu một cách bài bản; cùng với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, HTX đã hoàn thành việc đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để giới thiệu sản phẩm mật ong hoa Bạc hà ra thị trường... HTX cũng đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm và liên kết đưa sản phẩm tiêu thụ ra thị trường cả nước. Từng bước góp phần khẳng định chất lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.
Theo đồng chí Phạm Đức Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn: Đến nay, triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP, số sản phẩm tham gia và được công nhận của huyện dần tăng lên, phong phú về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng. Ngày càng có nhiều sản phẩm tốt với chất lượng cải thiện, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chỉ dẫn địa lý gắn với xuất xứ sản phẩm và chủ thể sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và thuận tiện cho cơ quan quản lý trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát sản phẩm. Hiện, huyện đã và đang chỉ đạo phòng chuyên môn tiếp tục hỗ trợ các chủ thể, HTX duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận; tăng cường phối hợp quảng bá, giới thiệu kết nối tiêu thụ hàng hoá nông sản, sản phẩm OCOP; khảo sát, đăng ký, xây dựng phát triển mới các sản phẩm OCOP. Đến nay, các sản phẩm OCOP của huyện đã bước đầu khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch nông thôn, từ đó phát triển sản phẩm OCOP Đồng Văn thực chất, bền vững.
Bài, ảnh: MY LY