Lăng kính văn hóa: Ước vọng cao nguyên đá nở hoa
CTTBTG- Hà Giang, mảnh đất cực Bắc của Tổ quốc, luôn là tiếng gọi hấp dẫn với biết bao du khách muốn được đặt chân đến để khám phá, thưởng thức.
Mảnh đất này lưu giữ rất nhiều di sản mang giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa không chỉ trong nước mà còn tầm cỡ quốc tế. Đó là Công viên địa chất toàn cầu với niên đại khoảng 540 triệu năm, có những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng, nơi gốc tích đã từng là biển! Đó là Mã Pì Lèng-một trong tứ đại đỉnh đèo (cao 1.200m so với mực nước biển) của Việt Nam với những khúc cua gấp như đầu rồng bay, tạo thành Con đường Hạnh phúc từ bàn tay cuốc đá, xẻ núi của cán bộ, công nhân, thanh niên xung phong. Đó là dòng Nho Quế duyên dáng, mịn màng sánh duyên cùng hẻm Tu Sản lưu lại triệu triệu bức hình có một không hai.
Đó là Dinh thự họ Vương được xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Đó là Cột cờ Lũng Cú vô cùng thiêng liêng, tung bay cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 mà “chưa đến cột cờ là chưa thỏa ước nguyện”. Là Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên và Đài hương 468 linh thiêng khắc ghi một thời “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Là sắc hồng, đỏ, trắng ngất ngây lòng người mỗi mùa hoa tam giác mạch. Là mùa hoa mận trắng rung rinh khắp các bản làng với những ngôi nhà trình tường của người Mông dung dị. Là sắc màu lễ hội văn hóa người Lô Lô cuốn hút lạ kỳ; là tiếng khèn Mông réo rắt... Còn nữa, là những miếng thắng cố, mèn mén, cải mèo... ăn một lần, nhớ cả đời!...
Cột cờ Lũng Cú tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) nơi khẳng định chủ quyền cực Bắc Tổ quốc được nhiều người ưa thích tìm đến. Ảnh: laodong.vn |
Hà Giang hấp dẫn, Hà Giang vẫy gọi, du khách đang tìm đường để đến với Hà Giang. Năm nay, tỉnh phấn đấu đón 3,2 triệu lượt khách (khoảng 300 nghìn lượt khách quốc tế) dù bão số 3 ảnh hưởng nặng đến giao thông nhưng những con số thống kê cho thấy, mục tiêu rất khả thi. Cuối năm, đang mùa cao điểm nên những ngày cuối tuần vừa rồi, chúng tôi đã cùng được trải nghiệm trên khắp các vùng Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ... Điều dễ nhận thấy, từ TP Hà Giang, hàng đoàn xe máy chở khách nước ngoài nối đuôi nhau ngược các cung đường. Tại các điểm tham quan, du khách hoàn toàn thấy yên tâm, dễ chịu bởi sự kỹ lưỡng của hướng dẫn viên chuyên nghiệp và hệ thống dịch vụ lưu trú, nhà hàng ăn uống không chèo kéo, không tăng giá và thái độ phục vụ chu đáo. Ở các lễ hội như Ngày hội văn hóa các dân tộc Lô Lô (huyện Mèo Vạc) có Lễ rửa làng, Lễ cầu mưa khiến du khách háo hức khám phá nét đặc sắc trong trang phục, những nghi thức văn hóa độc đáo, những làn điệu dân ca truyền đời...
Nét nổi bật ở Hà Giang là sự gần gũi, thân thiện, là những tấm lòng, nụ cười chân chất, chan chứa tình, ở đó, chúng tôi không thấy hiện tượng đeo bám, xin tiền... Vào Nhà của Pao, có các cháu nhỏ trong buổi được nghỉ học thổi khèn, thổi sáo, vô tư múa hát tập thể bên vách tường đá, cho tiền cũng không lấy; người mua hàng trả thừa tiền, dân bản theo ra đường tìm để trả lại; khách quên đồ trên thuyền ở sông Nho Quế hai ngày sau đã nhận lại tại nhà, ai cũng thấy ấm lòng.
Trải lòng những điều mắt thấy tai nghe với đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang, người con của dân tộc Mông huyện Đồng Văn, ông khẳng định đó là những kết quả đáng mừng, nhưng cần phải được duy trì vững chắc và vươn lên. Hà Giang làm du lịch sau nhiều tỉnh, thành phố, phải khắc phục triệt để các điểm yếu và tích cực học theo những cách làm hay mới mong cho miền đất cao nguyên đá này phát triển. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội đã đưa nhiệm vụ này thành đề án, kế hoạch phát triển đồng bộ kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Hà Giang có nhiều điểm đến để khám phá, trải nghiệm. Hà Giang có các cơ sở lưu trú đặc sắc ở phố cổ Đồng Văn và cũng đã có nhiều cơ sở kết hợp giữa nét truyền thống với hiện đại như H'mong Village Resort ở Quản Bạ-một điểm đến “chữa lành” đang như bông hoa dã quỳ đến kỳ khoe sắc.
Tín hiệu đó là rất mừng, nhưng để cao nguyên đá thật sự “nở hoa”, trở thành miền đất thật sự hấp dẫn thì còn nhiều việc cần phải được tính toán, thay đổi. Trước hết, ngoài những cung đường trải nghiệm thì giao thông thuận tiện để rút ngắn thời gian là rất quan trọng, để đường đến với Hà Giang được gần lại. Tiếp đến là củng cố, hỗ trợ người dân các điểm đến, bản làng văn hóa, phát triển thêm du lịch sinh thái, tổ chức những sự kiện thể thao, gắn kết các tuyến du lịch cũ, mới... Nhưng trước mắt, cần phải tính ngay đến những việc cụ thể, ví như có thêm nhiều bản làng đủ điều kiện lưu trú hơn; có thêm nhiều sản phẩm OCOP hơn; có thêm các hoạt động trải nghiệm tạo hứng thú cho người dân và du khách bởi niềm tự hào sẽ trọn vẹn hơn khi đến để chiêm ngưỡng kỳ đài...
Chuẩn đô đốc NGÔ VĂN THUÂN