Trao sinh kế để đồng bào vươn lên
CTTBTG - Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, các xã khó khăn ở huyện Mèo Vạc đã triển khai nhiều mô hình nuôi lợn đen bản địa, bước đầu tạo sinh kế cho bà con đồng bào nơi đây.
Cán Chu Phìn là xã núi đá, với 100% dân số là đồng bào Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống bà còn gặp rất nhiều khó khăn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, địa phương đã sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được phân bổ để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Là hộ nghèo còn gặp nhiều khó khăn, cuối năm 2022, anh Vừ Mí Cáy thôn Ha Ía xã Cán Chu Phìn được chính quyền địa phương hỗ trợ nguồn vốn 15 triệu đồng mua lợn sinh sản về nuôi. Sau gần 2 năm nuôi lợn đen bản địa, gia đình anh Cáy đã xuất bán được 4 lứa lợn thu nhập từ 25-30 triệu đồng. Quá trình thực hiện dự án anh Cáy cũng đã được tham tập huấn kỹ thuật nuôi, chăm sóc lợn sinh sản. Anh Cáy, phấn khởi nói: Gia đình tôi vui lắm, bây giờ đàn lợn đã phát triển rất ổn định. Từ đó có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống sinh hoạt. Từ nuôi lợn mà mình đã sửa lại được nhà mới, mua xe máy, xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh sạch sẽ.
Số lợn đen sinh sản được hỗ trợ tại thôn Ha Ía, xã Cán Chu Phìn sinh trưởng và phát triển tốt
Triển khai Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 với mục tiêu phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Xã Cán Chu Phìn đã triển khai dự án hỗ trợ nuôi lợn tại 8 thôn với 128 hộ thụ hưởng, mỗi hộ sẽ nhận được 15 triệu đồng tiền vốn để mua lợn sinh sản, sau khi dự án kết thúc các hộ phải trả lại nhà nước 30% tiền vốn được hỗ trợ. Quá trình thực hiện chính quyền địa phương luôn sát sao trong công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ.
Theo ông Vừ Mí Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Chu Phìn cho biết: Qua kiểm tra tại các thôn, bản, các hộ chăn nuôi được thụ hưởng dự án đã lựa chọn con giống đặc trưng của địa phương để chăm sóc. Hầu hết số lợn được mua về đều sinh trưởng phát triển tốt, cùng với sự hướng dẫn của UBND xã cũng như kinh nghiệm chăn nuôi lâu đời nên chất lượng con giống và thịt lợn tại Cán Chu Phìn luôn được đánh giá cao ngoài thị trưởng. Cũng như vào chăn nuôi lợn mà nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã vươn lên thoát nghèo.
Số lợn đen sinh sản được hỗ trợ tại thôn Ha Ía, xã Cán Chu Phìn sinh trưởng và phát triển tốt
Để nâng cao đời sống của người dân, thời gian qua huyện Mèo Vạc luôn ưu tiên quan tâm về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Huyện đã phân bổ cho các xã, thị trấn trên 15,3 tỷ đồng để mua, hỗ trợ người dân mu gia súc, gia cầm, cây ăn quả... Từ đó, các địa phương đã triển khai 58 dự án, mô hình cộng đồng, hỗ trợ sinh kế cho nghìn hộ có điều kiện phát triển sản xuất, tiến tới thoát nghèo. Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện huyện chỉ đạo các địa phương tăng cường giải ngân vốn; phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình giảm nghèo hiệu quả, phê phán các trường hợp không muốn thoát nghèo. Đặc biệt là phân công cán bộ, đảng viên đồng hành cùng hộ nghèo để vận động, hướng dẫn họ triển khai hiệu quả nguồn sinh kế hỗ trợ… Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc chia sẻ thêm.
Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hiện nay huyện Mèo Vạc đang tiếp tục xây dựng và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với giảm nghèo bền vững. Các chính sách được thực hiện đồng bộ từng bước nâng cao đời sống của người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS đã có sự đổi thay.
Bài, ảnh: Minh Đức