A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực cao nhất giải ngân vốn đầu tư công

Giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) là nhiệm vụ quan trọng được tỉnh ta xác định nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đứng trước khó khăn khi tỷ lệ giải ngân thấp, tránh tình trạng đủng đỉnh và nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tỉnh đang tập trung triển khai các giải pháp, bảo đảm tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch.

Từ đầu năm đến nay, có 3 phiên họp được UBND tỉnh tổ chức nghe các chủ đầu tư báo cáo tình hình thực hiện các dự án và tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ĐTC, 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Không những vậy, UBND tỉnh ban hành 16 văn bản, thông báo kết luận về đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện và giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2024. Điều đó cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh nhằm thúc đẩy KT – XH.

Công trình Đập dâng nước tạo cảnh quan trung tâm thành phố Hà Giang đang được đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Tính đến 15.6.2024, tổng số vốn đã giải ngân bao gồm cả kế hoạch vốn kéo dài thời gian thực hiện năm 2023 sang 2024 (chỉ tính vốn ngân sách T.Ư; 3 CTMTQG; cân đối ngân sách địa phương và nguồn thu sử dụng đất), kế hoạch 2024 (không bao gồm nguồn thu sử dụng đất; các nguồn vốn ngân sách tỉnh; dự phòng ngân sách T.Ư khắc phục hậu quả thiên tai), giải ngân 1.330,5 tỷ đồng/4.562 tỷ đồng, đạt 29,16% kế hoạch. Điều đáng nói, chỉ có 18/39 chủ đầu tư giải ngân trên mức trung bình của tỉnh; 11/39 chủ đầu tư giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh và có tới 10/39 chủ đầu tư đến nay chưa thực hiện giải ngân.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân thấp chủ yếu do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, vướng mắc về đất đai, tài nguyên... Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn 11 huyện, thành phố gặp khó khăn trong việc cung cấp nguồn nguyên vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án, thiếu nguồn nhân lực cục bộ tại một số địa bàn; giá cả nguồn vật liệu thông thường cao hơn nhiều so với dự toán dẫn đến một số dự án chậm tiến độ thi công. Từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh diễn biến thời tiết bất thường; mưa to, lũ ống, lũ quét gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án.

Bên cạnh đó, một số dự án chuyển tiếp hiện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn ứng khối lượng năm 2023. Còn 2 dự án ODA chuẩn bị hết thời hạn thực hiện hiệp định. Đối với Tiểu dự án 3, Dự án 4 (Hỗ trợ việc làm bền vững) thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đến nay Bộ Lao động - TBXH chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về xây dựng, thiết kế phần mềm hỗ trợ việc làm bền vững để các địa phương triển khai thực hiện dự án đầu tư. Tiểu dự án 2, Dự án 10 (Ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện chương trình) thuộc CTMTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện Ban Dân tộc tỉnh đang xin ý kiến Ủy ban Dân tộc về dự thảo phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ do Ban Dân tộc tỉnh xây dựng để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Dự án Khu tái định cư xã Tân Quang (Bắc Quang) đang trong quá trình hoàn thành.

Qua tìm hiểu, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn ĐTC, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Huy Sắc chia sẻ: Huyện thành lập tổ công tác để chủ động rà soát, đôn đốc, phối hợp hỗ trợ các nhà đầu tư, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện trong triển khai dự án và quyết liệt, chủ động, kịp thời tháo gỡ nhanh nhất vướng mắc về các thủ tục liên quan. Xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý cho từng nhiệm vụ, từng dự án và theo dõi tiến độ thực hiện để kịp thời đôn đốc.

Tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn ĐTC, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra thực tế tại các địa phương để có chỉ đạo cụ thể, kịp thời. Mặt khác, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, giải quyết vướng mắc về đất đai, tài nguyên. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ. Chủ động rà soát, điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và còn thiếu vốn theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết: Xác định giải ngân vốn ĐTC là nhiệm vụ quan trọng, UBND tỉnh nỗ lực cao nhất tháo gỡ khó khăn liên quan tới việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng; kịp thời công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, đơn giá công nhân xây dựng bảo đảm đầy đủ, phù hợp với giá trị trường, đúng quy định pháp luật; chủ động phối hợp với các địa phương lân cận có nguồn mỏ vật liệu bảo đảm đủ vật liệu theo tiến độ cho nhu cầu thi công của các dự án. Đẩy nhanh quá trình tiếp nhận, đàm phán, ký kết, phê chuẩn hiệp định vay vốn; quản lý, sử dụng vốn ODA; đẩy mạnh kết nối thông tin, báo cáo giải trình; giám sát sự tuân thủ quy định, quy trình, tiến độ, hiệu quả, mục tiêu của dự án, tránh bị động trong triển khai thực hiện dự án sử dụng vốn ODA; giảm thiểu các điều chỉnh dự án, gây thiệt hại về vốn và hiệu quả dự án.

Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt; trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư được nâng cao cùng với những giải pháp hiệu quả, kịp thời để tháo gỡ vướng mắc sẽ là lời giải cho bài toán giải ngân vốn ĐTC, giúp tạo đà thúc đẩy KT – XH nơi vùng đất địa đầu cực Bắc.

Bài, ảnh:  KIM TIẾN


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.524
Hôm qua : 2.914
Tháng 07 : 11.222
Năm 2024 : 516.568