Kiến nghị đầu tư 9.800 tỷ đồng làm thêm 59km cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang
UBND tỉnh Hà Giang vừa có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị tiếp tục đầu tư xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn Tân Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang.
Tờ trình do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn ký cho biết, được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đã được đưa vào thực hiện trong Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH (Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.
"Khi dự án hoàn thành sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế từ trung tâm Thủ đô Hà Nội theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, Hà Giang đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên kết vùng, nội vùng giữa hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, đặc biệt quan trọng trong việc phát triển KT-XH gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh và hướng tới hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc", tờ trình nêu rõ.
Theo UBND tỉnh Hà Giang, giai đoạn 1 của dự án mới đầu tư tuyến cao tốc với chiều dài 118km, quy mô 2 làn xe và đoạn trên địa bàn tỉnh Hà Giang có chiều dài 27,48km (điểm cuối của dự án tại địa bàn xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang).
Dự án nhằm phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn, với mong muốn tạo động lực phát triển toàn diện và bền vững cho tỉnh Hà Giang và hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh trong khu vực, đồng thời phát huy hiệu quả tối đa của tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, tăng khả năng lưu thông vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực giao thông trên QL2, rút ngắn thời gian di chuyển từ Thủ đô Hà Nội đến Hà Giang từ khoảng 6 giờ xuống còn khoảng 3,5 giờ,…
Dự án cũng sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang đến năm 2030 theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt là cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu mối giao thông, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh quan trọng; đồng thời tăng cường khả năng giao lưu, tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hà Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương tiếp tục đầu tư dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn Tân Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo kiến nghị của UBND tỉnh Hà Giang, dự án tuân thủ Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1454, với tổng chiều dài tuyến khoảng 59km.
Điểm đầu dự án kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), xã Tân Quang, huyện Bắc Quang; điểm cuối tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang, thiết kế với tiêu chuẩn cao tốc cấp 100, vận tốc thiết kế 100km/h, có châm trước một số đoạn qua địa hình đặc biệt khó khăn thiết kế cấp 80, vận tốc thiết kế 80km/h.
Trước mắt, đầu tư giai đoạn 1 gồm 2 làn xe và có đường gom; quản lý khai thác trên tuyến theo yêu cầu của đường cao tốc; thực hiện giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe theo quy hoạch.
Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến là 9.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, GPMB, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.475 tỷ đồng; chi phí xây dựng khoảng 8.325 tỷ đồng.
Dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ phần chi phí xây dựng 8.325 tỷ đồng; ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí công tác bồi thường, GPMB, hỗ trợ, tái định cư là 1.475 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 đén 2028. Từ năm 2023 thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Tổ quốc có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, có đường biên giới dài 277,556km tiếp giáp với 2 tỉnh của Trng Quốc là Vân Nam và Quảng Tây với 19 dân tộc cùng sinh sống.
Vượt qua khó khăn, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đang ra sức nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra: "Xây dựng Hà Giang trở thành tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có KT-XH phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có KT-XH trung bình khá của cả nước", góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng.
Theo baogiaothong