HÀ GIANG: TIỀM NĂNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
Hà Giang, vùng đất địa đầu Tổ quốc, không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, giàu bản sắc văn hóa dân tộc mà còn đang từng bước khẳng định vị thế trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Hà Giang có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh, đồng thời đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Tiềm năng và lợi thế phát triển
Hà Giang sở hữu vị trí chiến lược, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa với Trung Quốc và các tỉnh vùng Đông Bắc. Với hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan thiên nhiên độc đáo như Cao nguyên đá Đồng Văn - Công viên Địa chất Toàn cầu, hệ thống sông suối và rừng nguyên sinh phong phú, Hà Giang có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng.
Ngoài ra, nguồn tài nguyên khoáng sản, đất đai và điều kiện khí hậu thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp, đặc biệt là các cây trồng có giá trị kinh tế cao như chè Shan tuyết, cam sành, dược liệu quý hiếm. Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa của 19 dân tộc anh em là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch văn hóa, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Một góc thành phố Hà Giang hôm nay. Ảnh: Xuân Phúc
Những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội
Trong năm 2024, Hà Giang đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển hạ tầng giao thông, thủy điện và thương mại biên mậu có nhiều chuyển biến rõ nét. Công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân được chú trọng, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới đã được triển khai đồng bộ, góp phần cải thiện đời sống người dân và giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cụ thể: Đã thực hiện 31/36 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Nổi bật là thu ngân sách nhà nước đạt 119,9% kế hoạch Trung ương giao, đạt 2.475 tỷ đồng; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 308 triệu đô la Mỹ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 14.200 tỷ đồng; toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 30.505 lao động, đạt 170% kế hoạch. Đón hơn 3,2 triệu lượt du khách tăng 8,8% so với năm 2023; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 8.100 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh là "Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024"; với hơn 446 di sản văn hóa phi vật thể và 131 di sản văn hóa vật thể, tỉnh Hà Giang tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục giữ vững danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Tình hình đời sống dân cư trên địa bàn tiếp tục ổn định và phát triển tích cực. Thực hiện Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Hà Giang đã khởi công trên 4.200 ngôi nhà, số nhà đã hoàn thành là trên 800 ngôi nhà. Đặc biệt, các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững đã giúp tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh giảm trên 6,26%. Bên cạnh đó, đã thực hiện hỗ trợ 1.139 nhà dân bị ảnh hưởng thiên tai để ổn định cuộc sống, với tổng kinh phí hỗ trợ 66,3 tỷ đồng.
Định hướng phát triển trong giai đoạn tới
Để đưa Hà Giang phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, cần tập trung vào một số định hướng chủ yếu sau:
- Phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững, lấy du lịch sinh thái, nông nghiệp đặc sản, dược liệu và kinh tế biên mậu làm trụ cột.
- Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông kết nối liên vùng.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn.
- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có và những thành tựu đạt được trong thời gian qua, Hà Giang đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển nhanh và bền vững. Việc phát huy sức mạnh đoàn kết, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, kết hợp với việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội sẽ là động lực quan trọng để Hà Giang bứt phá, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước trong giai đoạn mới.
Ngạc Văn Tuấn