A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Giang - Chặng đường 132 năm thành lập tỉnh (20/8/1891-20/8/2023), 32 năm tái lập tỉnh (1/10/1991 - 1/10/2023)

CTTBTG - Hà Giang là vùng đất cổ có lịch sử lâu đời. Năm 1705 (thời vua Lê Dụ Tông), lần đầu tiên tên địa danh Hà Giang xuất hiện, được ghi vào Bài minh khắc trên chuông chùa Sùng Khánh (thuộc huyện Vị Xuyên ngày nay). Theo dòng lịch sử, Hà Giang có nhiều tên gọi khác nhau: Bộ, châu, phủ, xứ, hạt... nhưng chưa  phân định là đơn vị hành chính trực thuộc Nhà nước Trung ương. Ngày 20/8/1891, toàn quyền Đông Dương ban hành quyết định chia khu quân sự thứ hai thành 3 tỉnh là: Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang. Sự kiện trên đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của tỉnh; kể từ đây Hà Giang chính thức có tên trên bản đồ theo đơn vị hành chính là một tỉnh của nước Việt Nam.

Trong quá trình dựng nước và giữ nước của Nhà nước Đại Việt, nhân dân tỉnh Hà Giang đã lập nên nhiều chiến công trong công cuộc bảo vệ nền độc lập và được ghi vào những trang sử vàng của dân tộc như: Đánh đuổi quân Tống (năm 1075), chống quân Nguyên (năm 1285), cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân đánh đồn Ninh Biên, Vị Xuyên (năm 1833-1835).... Năm 1884, thực dân Pháp đặt chân xâm lược Hà Giang, nhưng ngay từ những ngày đầu chúng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt, nổ ra ở khắp mọi nơi của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đến năm 1887 chúng mới căn bản chiếm được Hà Giang. Khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, tinh thần yêu nước của nhân dân tỉnh Hà Giang như ngọn lửa được tiếp thêm dầu, bùng lên mạnh mẽ. Cán bộ của Đảng đến với dân, dân tìm đến Đảng để làm cách mạng, nhiều cơ sở cách mạng được hình thành từ Hùng An, khu Trọng Con, khu Gia Tự (huyện Bắc Quang) đến Đường Thượng, Ngam La (huyện Yên Minh), Đường Âm, Yên Phú (huyện Bắc Mê)…

Trong quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Hà Giang vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm (tháng 3/1961)

Ngày 25/12/1945 tỉnh Hà Giang hoàn toàn được giải phóng, đánh dấu một mốc son quan trọng trong chặng đường lịch sử của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tỉnh Hà Giang đã có hàng vạn người con ưu tú đã xung phong lên đường ra mặt trận, đóng góp hàng chục ngàn tấn lương thực, thực phẩm và hàng triệu ngày công... góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, tháng 4/1976, Hà Giang và Tuyên Quang sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Sau 15 năm sáp nhập, đến tháng 8/1991, tỉnh Hà Tuyên được tách thành 2 tỉnh: Hà Giang và Tuyên Quang; tháng 10/1991, Đảng bộ, chính quyền tỉnh chính thức đi vào hoạt động. Trong suốt thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội và sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tỉnh Hà Giang đã giành được những thắng lợi toàn diện trên các lĩnh vực, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của tỉnh trong những năm tới.

Những năm qua, bước vào thực Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước vào điều kiện thực tiễn địa phương; phấn đấu đi lên và giành được những kết quả quan trọng. Năm 2022 vừa qua, tăng trường kinh tế toàn tỉnh đạt 7,8%; tổng sản phẩm (GRDP giá so sánh) đạt 16.286 tỷ đồng. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 34,3 triệu đồng/người; du lịch khởi sắc và tăng trường mạnh với 2,2 triệu lượt du khách. Chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững nhận được sự đồng thuận của người dân.

Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới được tích cực triển khai đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh (ảnh tư liệu)

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được tăng cường; toàn tỉnh có 10,5 bác sĩ/vạn dân, 40 giường bệnh/vạn dân, đạt trên mức bình quân chung cả nước. Chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng cao, quy mô giáo dục tiếp tục phát triển, toàn tỉnh hiện có 259 trường đạt chuẩn Quốc gia. Hoạt động thông tin truyền thông, xây dựng đời sống văn hóa có nhiều tiến bộ. Chương trình xây dựng Nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, toàn tỉnh đã có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bằng các giải pháp đồng bộ, các cấp, ngành địa phương trong tỉnh đã thực hiện chính sách an ninh xã hội, hỗ trợ giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm 5,17%, vượt chỉ tiêu tỉnh đề ra và chỉ tiêu Chính phủ giao; công tác xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới có khó khăn về nhà ở tiếp tục được đẩy mạnh triển khai. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Quan hệ đối ngoại và hợp tác Quốc tế được mở rộng, phát triển có chiều sâu và đi vào thực chất. Hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được xây dựng, củng cố vững mạnh. Niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền được nâng lên.

Hơn một thế kỷ đã trôi qua, từ một vùng đất biên cương nơi cực Bắc còn nhiều khó khăn, đến nay tỉnh Hà Giang đã ngày một phát triển, khẳng định được vị thế, vai trò quan trọng của tỉnh địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Với những thành tựu đã đạt được, tỉnh Hà Giang đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý...


Tác giả: Nguyễn Yến (tổng hợp)
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.676
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.460
Năm 2024 : 512.806