A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động

Sáng ngày 24/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị tỉnh Hà Giang.

Chủ trì Hội nghị có các đại biểu Quốc hội: Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang; Hoàng Ngọc Định, Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Dự Hội nghị có lãnh đạo HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, cùng đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Đại biểu Quốc hội Hoàng Ngọc Định thông báo dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV được tổ chức theo hình thức họp tập trung tại nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội. Dự kiến khai mạc vào ngày 05/5/2025 và bế mạc vào sáng ngày 28/6/2025.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Ngọc Định thông báo dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp này sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét, thông qua 30 luật và 07 nghị quyết; cho ý kiến đối với 06 dự án Luật.

Tại buổi tiếp xúc, trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm đã có 13 lượt cử tri có ý kiến đề xuất, kiến nghị với Đại biểu Quốc hội các nội dung liên quan đến chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy; phương án, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc diện phải di dời đến làm việc tại trụ sở mới, địa bàn mới; có lộ trình sáp nhập để đảm bảo cơ sở vật chất và điều kiện sinh hoạt cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sáp nhập yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao…

Cử tri Triệu Thị Tình kiến nghị

Cũng tại Hội nghị, các cử tri cũng tham gia ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013; sửa đổi, bổ sung nhiều dự án luật quan trọng khác. Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có quy định cụ thể các đối tượng được hưởng chính sách và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Theo ý kiến cử tri đề nghị tại Điều 7 Nghị định quy định về chính sách đối với nghỉ hưu trước tuổi trường hợp có tuổi đời còn từ đủ 05 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu có đủ 15 năm trở làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động ban hành bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021, không được hưởng chính sách, chế độ theo nghị định nên rất thiệt thòi cho đội ngũ cán bộ, công chức có thời gian công tác đủ 15 năm tại đó khi có nguyện vọng nghỉ để thực hiện chủ trương sáp nhập, sắp xếp tinh gọn bộ máy vì vậy đề nghị Chính phủ có giải pháp để những cán bộ, công chức thuộc trường hợp trên được hưởng chính sách như những cán bộ, công chức đã được nghỉ theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 và nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025.

Đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH XV tỉnh Hà Giang trả lời tại buổi tiếp xúc cử tri.

Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các sở, ngành cũng đã trả lời, làm rõ những kiến nghị thuộc lĩnh vực ngành. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH XV tỉnh Hà Giang trả lời và tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để báo cáo đầy đủ với Quốc hội và các cơ quan chức năng để nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật. Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh cũng đề nghị cán bộ, công chức, viên chức cần nêu cao tinh thần gương mẫu, tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ; chủ động thích nghi với sự thay đổi; không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực, đạo đức công vụ; tuyên truyền, vận động hướng dẫn người thân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước; tham gia giám sát, phản biện chính sách; góp phần củng cố niềm tin vào bộ máy chính quyền.

Trong quá trình sắp xếp và sáp nhập, việc đảm bảo quyền lợi và chế độ chính sách cho cán bộ là ưu tiên hàng đầu... Cần có các giải pháp để tránh gây thiệt thòi cho cán bộ, đặc biệt là những người thuộc diện nghỉ hưu hoặc thôi việc; công khai và minh bạch các thông tin liên quan đến chế độ chính sách, đặc biệt là các quy trình thủ tục và quyền lợi được hưởng, là rất quan trọng để tạo sự tin tưởng và đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cần có hình thức công bố và tri ân phù hợp đối với những cán bộ nghỉ hưu để ghi nhận quá trình công tác và cống hiến của họ; các thủ tục hành chính liên quan đến giải quyết chế độ chính sách cần được rà soát, điều chỉnh để đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả; cần tránh tình trạng cán bộ phải làm đi làm lại nhiều lần các thủ tục; việc xử lý tài sản công của các đơn vị khi thực hiện sáp nhập cũng cần phải chú ý đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; thường xuyên cập nhật, triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch của tỉnh; các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện đảm bảo theo đúng lộ trình thời gian quy định.

Đối với ý kiến kiến nghị của cử tri về cơ chế, chính sách về nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức di chuyển về công tác tại trung tâm hành chính cấp tỉnh mới sau khi sáp nhập tỉnh: Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giao Chính phủ rà soát, có hướng điều chỉnh phù hợp các vướng mắc. Đồng thời kiến nghị Uỷ ban Thường vụ xem xét, sớm trình Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu về nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức do sáp nhập tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hà Giang


Nguồn: Quochoi.vn
Thống kê truy cập
Hôm nay : 273
Hôm qua : 2.675
Tháng 04 : 70.306
Năm 2025 : 240.880