Thanh niên Đồng Văn phát huy vai trò nòng cốt trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống
Là địa bàn có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với vai trò xung kích, đi đầu trong các hoạt động, phong trào, những năm qua Huyện đoàn Đồng Văn luôn đề cao nhiệm vụ giáo dục ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Với lòng tự hào và sự tiếp nối giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, tuổi trẻ Đồng Văn đã luôn nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình. Từ đó trở thành lực lượng nòng cốt trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch của huyện nhà.
Các lớp dạy văn hóa truyền thống giúp thể hệ trẻ hiểu, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình |
Thời gian qua, đoàn thanh niên huyện Đồng Văn đã có nhiều mô hình, hoạt động định hướng cho thanh niên tham gia vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Qua đó, thanh niên vừa có điều kiện để tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về văn hóa dân tộc, vừa có cơ hội để thể hiện trình độ, vốn hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Công tác giáo dục truyền thống cho thanh thiếu nhi được các cấp bộ Đoàn trong huyện đẩy mạnh, gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao,… được đông đảo ĐVTN hưởng ứng tham gia. Huyện đoàn đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền cho ĐVTN về truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc; vận động ĐVTN tích cực tham gia các lớp truyền dạy bản sắc văn hóa dân tộc do xã, huyện tổ chức. Trong các buổi sinh hoạt Đoàn, đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Cùng với đó, các cơ sở đoàn trong huyện còn chú trọng phát triển, duy trì đội văn nghệ tại các thôn, bản với nòng cốt là ĐVTN thường xuyên tham gia tập luyện, sẵn sàng phục vụ vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm của địa phương; khuyến khích ĐVTN đưa các loại hình trò chơi dân gian, điệu múa, âm nhạc dân tộc... đi biểu diễn, giao lưu. Hàng năm, phối hợp tổ chức mở các lớp sinh hoạt Hè dạy văn hóa dân gian như múa khèn, thổi khèn cho các em thiếu nhi. Đặc biệt, việc đưa văn hóa truyền thống vào truyền dạy tại các trường học đã góp phần nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc cho các em học sinh; là động lực giúp các em nỗ lực học tập tốt, đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Đoàn viên thanh niên thôn Séo Lủng, xã Vần Chải tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào xây dựng quê hương |
Bên cạnh việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nhiệm vụ bài trừ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu cũng được các cấp bộ Đoàn triển khai có hiệu quả. Theo đó, thường xuyên phối hợp với nhà trường tổ chức các buổi tuyên truyền về Chỉ thị 09 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh cho học sinh. Phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy tổ chức hội thảo Thanh niên Đồng Văn với công tác bài trừ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, thu hút được trên 200 đoàn viên tham gia. BCH Đoàn các xã, thị trấn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác tuyên truyền về phòng chống tảo hôn và kết hôn cận huyết thống được gần 40 buổi bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền loa không dây và tuyên truyền miệng qua các cuộc họp thôn, bản.
Đồng chí Ly Việt Hùng, Bí thư Huyện đoàn Đồng Văn cho biết: Bản sắc văn hóa được coi “linh hồn” của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá, nó phản ánh quá trình hình thành, phong tục, tập quán của bà con nơi đây. Đặc biệt, đối với huyện Đồng Văn, là địa phương được định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Bởi vậy, là những chủ nhân tương lai của đất nước, thế hệ trẻ huyện Đồng Văn đã và đang cố gắng giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình bằng những việc làm tích cực, hành động cụ thể. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền tới ĐVTN về những giá trị, nét đẹp văn hóa của các dân tộc để thế hệ trẻ hiểu, quý trọng những giá trị truyền thống. Khuyến khích ĐVTN thành lập các nhóm văn nghệ hát, múa, mặc trang phục truyền thống, chơi các trò chơi dân gian của dân tộc mình biểu diễn tại các điểm du lịch để tăng cường quảng bá văn hóa rộng khắp... Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về văn hóa truyền thống cho thanh niên. Giúp thanh niên thấy được những cái hay, cái đẹp, những giá trị nhân văn sâu sắc của văn hóa truyền thống; từ đó có ý thức trách nhiệm, quyết tâm hành động của tuổi trẻ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đó. Đồng thời, có sự định hướng đúng đắn cho thế hệ trẻ tiếp thu giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống gắn với các giá trị văn hóa hiện đại để làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Từ việc giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch sẽ góp phần phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.