A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả bước đầu trong việc xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu tại huyện Yên Minh

CTTBTG Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính  quyền, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị huyện Yên Minh, việc thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã đạt được kết quả tích cực, tạo sức lan tỏa, đi vào cuộc sống của nhân dân.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và ép hôn. Qua thống kê, từ khi thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU và Nghị quyết số 27-NQ/TU, toàn huyện có 1.147 cặp đăng ký kết hôn theo quy định; kịp thời phát hiện và ngăn chặn được 18 trường hợp học sinh bị cha mẹ ép kết hôn khi chưa đủ tuổi quay lại trường để tiếp tục học tập. Các thủ tục rườm rà, tốn kém trong cưới hỏi đã giảm rõ rệt như giảm thách cưới, giảm mâm cỗ mời, giảm thời gian tổ chức…. Đồng thời, huyện đã chủ động phối hợp với Sở Tư pháp mở được 02 lớp truyền thông chuyên đề phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín, học sinh lớp 09...

Mô hình “Chi hội phụ nữ gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh” tại thôn Làng Khác B, xã Du Già (ảnh Hà Hường)

Trong việc tang có sự chuyển biến tốt, qua tổng hợp trên địa huyện có 334/556 đám tang tổ chức không quá 48 tiếng; tình trạng giết mổ trâu, bò đã giảm nhiều so với trước đây, đến nay chỉ mổ từ 1 con đến 2 con trâu hoặc bò, so với trước đây phổ biến là mổ từ 3 con đến 5 con thậm chí có đám mổ từ 8 con đến 10 con; các thủ tục rườm rà trong các mâm lễ của con cháu đã giảm đáng kể. Đặc biệt, việc đưa người chết vào áo quan trong một số dòng họ dân tộc Mông đã được thực hiện, tiêu biểu như dòng họ Sùng, Giàng, Mua tại xã Đường Thượng, dòng họ Thào xã Du Già, dòng họ Sùng và họ Chảo tại xã Lũng Hồ. Xã Bạch Đích đã vận động xóa bỏ được hủ tục không chôn cất người chết trong tháng 9 âm lịch đối với dân tộc Nùng. Cùng với đó, các xã, thị trấn tổ chức các Hội nghị tham vấn, mạn đàm xác định các giải pháp thực hiện chủ trương bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, tiêu biểu như xã Đường Thượng lựa chọn điểm vận động đưa người chết vào áo quan đối với dòng họ Sùng; xã Ngam La vận động, thống nhất đối với đồng bào dân tộc Mông mỗi đám tang chỉ sử dụng 1 đến 2 tổ kèn, trống và tiền công quá 500.000 đồng/l ngày đêm, tổng chi phí tiền công không quá 4 triệu đồng/đám tang và đối với dân tộc Dao tiền công thầy cúng không quá 500.000 đồng/đám tang...

Các hoạt động lễ hội được trên địa bàn huyện tổ chức đảm bảo đúng quy định, trang trọng và phát huy được những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Huyện duy trì tổ chức hiệu quả Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, Lễ hội xuống đồng của dân tộc Tày, Nùng, Lễ hội Tết cá của dân tộc Tày. Đồng thời, khôi phục, phát huy hiệu quả các nghề truyền thống, như nghề đan lát của dân tộc Mông tại xã Đường Thượng, Thắng Mố; nghề thêu trang phục dân tộc Mông tại xã Phú Lũng; nghề chế tác khèn Mông tại xã Lao Và Chải; truyền dạy chữ nôm của dân tộc Dao tại xã Ngam La, thị trấn Yên Minh. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động từng bước giảm dần những phong tục rườm rà trong sinh hoạt tín ngưỡng mang yếu tố tinh thần. Tích cực vận động đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn tiếng nói, trang phục truyền thống của dân tộc mình; tiến hành sưu tầm, giữ gìn các sản phẩm văn hóa vật thể trong đồng bào dân tộc thiểu số gắn với tham gia bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, căn cứ cách mạng và đề xuất khôi phục các sản phẩm văn hóa phi vật thể…

Xã Mậu Duệ tổ chức Lễ hội Tết cá năm 2022 (ảnh Thanh Hưng)

Đồng thời, tích cực tuyên truyền vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong đời sống, sinh hoạt, như làm tốt công tác vận động nhân dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh tế trong nông nghiệp. Thực hiện cải tạo vườn tạp được 272 hộ, tổng diện tích thực hiện cải tạo là 126.697m2 để trồng các loại rau, củ, quả, dược liệu, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Kết quả đánh giá theo tiêu chí có 184 vườn đạt 4/4 tiêu chí; 61 vườn đạt 3/4 tiêu chí; có 25 vườn đạt 2/4 tiêu chí. Vận động thực hiện xây dựng các công trình vệ sinh như có 318 hộ láng và bó nền nhà; xây dựng nhà tắm 391 công trình; xây dựng nhà vệ sinh 465 công trình; di dời, xây dựng chuồng trại 547 công trình; xây dựng bể nước 176 bể. Huy động nhân dân hiến được 15.740m2 đất và 12.557 ngày công lao động; mở được 5,6km đường giao thông nông thôn, đổ được 25.399m đường bê tông các loại…

Việc xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào các dân tộc thiểu số là việc làm rất khó, nhất là Yên Minh là huyện vùng cao, biên giới, nhiều thành dân tộc, trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Do vậy, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân; đặc biệt là phải được duy trì thực hiện thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ, linh hoạt, sáng tạo… thì chắc chắn huyện Yên Minh sẽ đạt được kết quả, mục tiêu đề ra.


Tác giả: Phạm Hải
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 583
Hôm qua : 2.936
Tháng 09 : 37.582
Năm 2024 : 770.990