Một số giải pháp giúp cải thiện tuần hoàn máu
CTTBTG - Với sự gia tăng của lối sống ít vận động, chúng ta phải đối mặt với các vấn đề có liên quan đến tuần hoàn máu nhiều hơn. Tuần hoàn máu không tốt sẽ gây ra nhiều bất lợi cho cơ thể...
Hệ tuần hoàn là hệ cơ quan có chức năng tuần hoàn máu trong cơ thể: Vận chuyển chất dinh dưỡng, oxy, carbon dioxide, hormone, tế bào máu ra và vào các tế bào, để nuôi dưỡng nó và giúp chống lại bệnh tật, ổn định nhiệt độ cơ thể và độ pH, duy trì cân bằng nội môi. Đồng thời, hệ tuần hoàn tiếp nhận sản phẩm phân hủy (chất thải, CO2...) do tế bào thải ra qua nước mô rồi theo máu đến các cơ quan bài tiết để thải ra ngoài.
1. Lối sống ít vận động ảnh hưởng đến lưu thông máu như thế nào?
Cơ thể con người cần vận động để giúp máu lưu thông. Khi vận động, mạch máu giãn nở, tim co bóp mạnh, khiến máu lưu thông tốt. Còn ngược lại, lười vận động, tuần hoàn máu sẽ giảm đi, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp tăng lên đáng kể. Khi tuần hoàn máu kém, lượng máu lên não không đủ, là nguyên nhân gây chóng mặt.
Sự lưu thông máu trong cơ thể phụ thuộc vào các hoạt động hằng ngày. Vận động càng ít, tuần hoàn máu càng chậm, điều này đồng nghĩa với nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe càng cao.
Khi con người tập luyện thể chất thì hoạt động của các cơ tăng lên, cơ thể yêu cầu phải cung cấp thêm chất dinh dưỡng và oxy nhiều hơn lúc bình thường để duy trì hoạt động, vì vậy bộ máy tuần hoàn tăng cường hoạt động để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Người thường xuyên tập luyện cơ tim dày và chắc hơn, sức co bóp của tim mạnh hơn và nhịp đập của tim trong mỗi phút ít hơn. Ngược lại, người ít tập luyện khi lao động tim sẽ đập nhanh, người mau mệt, dễ xỉu…
Tập luyện thể chất làm tăng tính đàn hồi của máu, toàn bộ mạch máu đều co giãn tốt. Cho nên người tập luyện thể chất thường xuyên khi về già ít bị chứng căng mạch máu, là nguyên nhân sinh ra bệnh tăng huyết áp.
2. Rối loạn tuần hoàn máu gây hệ lụy gì?
Máu lưu thông kém gây ra các triệu chứng bệnh ở nhiều mức độ khác nhau:
- Thiếu máu đến não gây các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, mất ngủ kinh niên, suy giảm trí nhớ, suy nhược thần kinh, làm việc trí óc không hiệu quả, sa sút trí tuệ, lú lẫn, thậm chí tai biến mạch máu não.
- Thiếu máu cơ tim gây ra các triệu chứng như đau thắt ngực, đau khi gắng sức, đau ngay sau xương ức, đau nhói, đau thắt chặt, lan ra vai trái, cánh tay và bàn tay trái, làm giảm chức năng co bóp cơ tim, gây ra bệnh lý thiếu máu cơ tim cục bộ dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp tim, nguy cơ nhồi máu cơ tim và hoại tử cơ tim (nhồi máu cơ tim cấp tính).
- Thiếu máu tới gan làm gan được nuôi dưỡng kém, suy giảm chức năng mạn tính, từ đó gây ra các triệu chứng như gầy, sút cân, chán ăn, giảm tiêu hóa do giảm tiết mật, mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
- Thiếu máu tới thận do nguyên nhân thiếu máu toàn cơ thể hoặc do hẹp động mạch thận thường biểu hiện bằng tình trạng tăng huyết áp, tăng ure, creatinin dẫn đến nhiễm độc tế bào, gây mệt mỏi và hôn mê do nhiễm độc tế bào não. Thiếu máu thận mạn tính làm tăng nguy cơ bị teo thận, suy giảm chức năng thận.
- Thiếu máu đến khớp tay, chân, xương sống làm giảm các chất nuôi dưỡng để tạo dịch khớp, làm các khớp khô, lâu dài dẫn tới dính khớp và thoái hóa khớp. Thiếu máu mạn tính làm hệ xương giòn, dễ gãy đồng thời xuất hiện các ổ tạo máu trong xương làm giảm mật độ xương có thể gây lún, xẹp đốt sống.
- Thiếu máu đến các cơ, chân tay làm cơ bắp không được cung cấp đủ máu sẽ nhanh chóng bị mệt mỏi khi hoạt động thể lực, làm tích tụ acid lactic gây chuột rút, tê mỏi, bì, lâu ngày có thể bị nhão, teo cơ, hoại tử cơ.
- Thiếu máu tới vùng vai gáy gây ra các triệu chứng như đau mỏi vai gáy, đau cứng cổ, vận động khó khăn, đau tăng lên khi quay, nghiêng đầu, giơ cao cánh tay.
Rối loạn tuần hoàn máu được phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng dễ dàng. Có những dấu hiệu cần cảnh giác như: Thường lạnh và tê tay hoặc chân, nặng hoặc ngứa chân, đau hoặc chuột rút quá thường xuyên, trên làn da xuất hiện các đốm xanh...
3. Một số giải pháp giúp cải thiện tuần hoàn máu
Để cải thiện tuần hoàn máu, cần có lối sống lành mạnh:
- Về tư thế ngồi: Không ngồi bắt chéo chân, vì giữ chân bắt chéo trong khi làm việc làm cản trở lưu thông máu bằng cách tạo áp lực lên chân.
-Quản lý cân nặng: Càng tích lũy nhiều cân thừa, quá trình tuần hoàn máu càng trở nên phức tạp hơn. Mỡ cục bộ (đặc biệt là ở chân) ngăn máu chảy ngược về tim. Bằng cách giảm một vài cân, bạn sẽ hạn chế được nguy cơ mắc phải chứng rối loạn tuần hoàn máu.
- Bổ sung các vi chất dinh dưỡng
+ Vitamin C: Cam, kiwi, ớt… cung cấp vitamin C. Điều này kích thích lưu thông máu và làm săn chắc thành tĩnh mạch.
+ Kẽm: Kẽm giúp tĩnh mạch hoạt động tốt. Kẽm chủ yếu được tìm thấy trong hàu, thịt bò, thịt bê hoặc thịt lợn.
+ Vitamin E: Dầu mầm lúa mì, ngũ cốc nguyên hạt hoặc hạt có dầu nên thường xuyên được đưa vào bữa ăn. Chúng chứa vitamin E, một chất giúp thúc đẩy tuần hoàn máu và ngăn ngừa sự xuất hiện của chứng giãn tĩnh mạch.
+ Selen: Bổ sung thêm các loại quả hạch Brazil, hàu, tôm, cua... Chúng giàu selen giúp tổng hợp collagen, củng cố thành tĩnh mạch, ngăn ngừa rối loạn tuần hoàn.
- Về sinh hoạt
+ Xây dựng một lối sống năng động: Rèn luyện thể chất và suy nghĩ tích cực.
+ Có chế độ ăn lành mạnh: Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết từ nhiều loại thực phẩm khác nhau, hạn chế đường, muối, thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm chế biến sẵn. Ăn nhiều rau, quả tươi, cá các loại, thịt gia cầm bỏ da…
+ Uống đủ nước.
+ Tránh căng thẳng.
+ Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, phù hợp với sức khỏe…
- Sử dụng thảo dược: Một số loại cây như lá nho đỏ, nhựa ruồi hoặc ginkgo biloba... đã được chứng minh có hiệu quả trong việc chống co mạch, giảm tính thẩm thấu của mao mạch, tăng sức bền mạch máu và làm săn chắc tĩnh mạch. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến dược sĩ, bác sĩ để được tư vấn về liều lượng cần thiết khi dùng các thảo dược này./.