A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Giúp bệnh viện tuyến dưới nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

CTTBTG - Thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đón nhiều lượt cán bộ từ một số bệnh viện tuyến Trung ương như: Hữu nghị Việt Đức, Nhi Trung ương, Đại học Y Hà Nội, Bạch Mai... đến chuyển giao các kỹ thuật cao. Nhờ vậy, công tác khám, chữa bệnh (KCB) của nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã từng bước được nâng lên, mang lại hiệu quả rõ nét trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân

Nhằm bảo đảm cho mọi người dân đều có khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe có chất lượng ngay tại cơ sở, những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Giang được củng cố, hoàn thiện. Qua đó, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trước kia, khi chưa có các kỹ thuật mới, hiện đại, việc chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân còn thiếu chính xác, gặp nhiều khó khăn, nhưng sau khi được các chuyên gia y tế đầu ngành của các bệnh viện tuyến Trung ương chia sẻ nhiều kỹ thuật mới, được đầu tư các thiết bị y tế hiện đại hơn thì việc chẩn đoán bệnh đã dễ dàng hơn trước, giảm thời gian điều trị cho người bệnh, giảm chi phí KCB... “Dù cơ sở vật chất và nguồn nhân lực còn khó khăn nhưng đội ngũ y, bác sĩ thuộc các cơ sở y tế của tỉnh Hà Giang đã cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức từ chuyên gia đến từ các bệnh viện đầu ngành để thực hiện thành thạo kỹ thuật, mang lại nhiều hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân”, bác sĩ Nguyễn Văn Giao, Quyền giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang thông tin.

 

Tiến hành ca chụp đầu tiên với máy chụp cắt lớp vi tính CT-Scanner 32 dãy tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn (Hà Giang).

Theo đó, hàng loạt kỹ thuật mới đã được triển khai ứng dụng tại các bệnh viện của tỉnh Hà Giang trên nhiều lĩnh vực như: Nội soi niệu quản ngược dòng bằng ống soi mềm tán sỏi thận bằng laser; nội soi cầm máu bằng clip trong chảy máu đường tiêu hóa; cắt lớp vi tính 128 dãy; chụp động mạch các loại kim chọc trực tiếp số hóa xóa nền; mở thông dạ dày qua số xóa nền; chụp và nút mạch điều trị u gan số hóa xóa nền; đặt Longline (một trong những kỹ thuật khó trong hồi sức sơ sinh) cho trẻ sinh non tháng... Các bác sĩ có điều kiện được nâng cao chuyên môn kỹ thuật, cập nhật những kiến thức mới, góp phần cải thiện chất lượng KCB, nâng cao uy tín của bác sĩ; giảm sai sót chuyên môn trong điều trị người bệnh, đặc biệt là những ca bệnh khó, ca bệnh cấp cứu. Nhờ vậy, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã giảm số lượng người bệnh chấn thương sọ não, áp xe não, dị tật đường tiêu hóa, tiết niệu nhi, tán sỏi nội soi, cắt gan do chấn thương... phải chuyển tuyến. Đây là bước tiến quan trọng để các bệnh viện trên địa bàn tỉnh tiếp tục được chuyển giao những kỹ thuật mới trong thời gian tới. 

Mới đây, nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng thực hành, thái độ xử trí trong cấp cứu chấn thương ban đầu cho các y, bác sĩ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh Hà Giang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang tổ chức khóa tập huấn “Cấp cứu chấn thương ban đầu” cho 35 bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên đang công tác tại khoa ngoại, khoa khám bệnh thuộc 11 bệnh viện tuyến huyện và tương đương của tỉnh Hà Giang để bảo đảm yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực làm việc tại các cơ sở y tế cấp cứu bệnh nhân. Khóa học đã trang bị cho học viên những kiến thức liên quan đến các chủ đề cấp cứu: Ban đầu, tuần hoàn, hô hấp; chấn thương chi, cột sống; chấn thương lồng ngực; chấn thương sọ não...

Kết thúc khóa tập huấn, tất cả học viên đã hoàn thành nội dung học tập, được cấp chứng nhận và được trang bị, hệ thống lại những kiến thức về cấp cứu chấn thương ban đầu, giúp giảm thiểu tai biến, biến chứng chấn thương cho người bệnh. Các y, bác sĩ sau khi được đào tạo, hướng dẫn chuyên môn từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện rất tốt kỹ thuật chuyên môn được đào tạo, được bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đánh giá cao qua khảo sát sự hài lòng người bệnh hằng tháng. 

PGS, TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: "Tỉnh Hà Giang có đặc điểm địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, quãng đường liên tỉnh về bệnh viện tuyến trên dài hơn 150km, gây khó khăn cho công tác điều trị cấp cứu, chấn thương của người dân, khách du lịch. Do vậy, với vai trò là bệnh viện ngoại khoa đầu ngành, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã hỗ trợ, phát triển kỹ thuật chuyên môn, triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến tại tỉnh Hà Giang như: Phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật chấn thương vết thương sọ não, tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng, nội soi cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa trên... nhằm đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân, hạn chế thấp nhất tỷ lệ chuyển tuyến, giảm chi phí đi lại và các chi phí khác cho người bệnh. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức luôn sẵn sàng tham gia hỗ trợ đào tạo, chỉ đạo từ xa, hội chẩn trực tuyến và chuyển giao kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng KCB, mang lại nhiều hiệu quả trong công tác khám, chăm sóc sức khỏe cho người dân và khách du lịch của tỉnh". 

Cũng trong quá trình tập huấn, các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tham dự lễ khánh thành hệ thống chụp cắt lớp vi tính CT-Scanner 32 dãy của Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn (Hà Giang). Việc ứng dụng những kỹ thuật cao, hiện đại vào KCB tại tuyến y tế cơ sở đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân vùng sâu, vùng xa; dần xóa rào cản về địa lý, tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến, hỗ trợ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người.

 

 


Nguồn: Báo Quân đội nhân dân Việt Nam
Thống kê truy cập
Hôm nay : 983
Hôm qua : 1.586
Tháng 12 : 41.153
Năm 2024 : 977.851