Chất lượng dân số - động lực phát triển
Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Đây là quan điểm xuyên suốt của tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, qua đó nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển, hội nhập của tỉnh.
Những năm qua, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) và việc nâng cao chất lượng dân số được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đặc biệt quan tâm, qua đó đạt nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện; tỷ suất sinh có chiều hướng giảm; mô hình gia đình có 2 con được đồng thuận và nhân rộng; cơ cấu dân số theo nhóm tuổi có những chuyển biến tích cực; tốc độ gia tăng về tỷ số giới tính khi sinh được kiềm chế; mật độ dân số được phân bố hợp lý gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển KT – XH, bảo đảm QP – AN.
Cán bộ y tế Bệnh viện Y dược Cổ truyền tỉnh khám tầm soát suy dinh dưỡng cho học sinh tại xã Sủng Trà (Mèo Vạc). Ảnh: Sơn Hà |
Xác định chất lượng dân số là yếu tố quan trọng, là mục tiêu, động lực của sự phát triển, những năm qua, tỉnh tập trung chỉ đạo ngành chuyên môn, các huyện, thành phố tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục dân số. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, nhất là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số trong và ngoài nhà trường, góp phần hình thành kiến thức về dân số một cách đúng đắn, toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần cho thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực dân số, nhất là ở địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Nổi bật trong đó là việc triển khai, thực hiện Nghị định 39 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã dành nguồn kinh phí gần 11 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 5.400 phụ nữ sinh con đúng chính sách. Từ việc thực hiện tốt chính sách này đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về công tác DS-KHHGĐ; giúp giảm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên; tăng tỷ lệ phụ nữ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, từ đó góp phần từng bước nâng cao chất lượng dân số.
Cùng với những giải pháp trên, ngành chuyên môn và các địa phương trong tỉnh đã quan tâm xây dựng, phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số; củng cố, nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân qua hệ thống các Trạm y tế. Ngoài ra, tỉnh chủ động, linh hoạt khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số. Hàng năm, chú trọng công tác đào tạo cán bộ để nâng cao năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Toàn tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu thực hiện chỉ số phát triển con người (HDI) toàn tỉnh đạt mức trung bình so với cả nước; người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe đạt 90%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh ít nhất 4 loại bệnh bẩm sinh phổ biến đạt 65%; giảm tình trạng tảo hôn giảm xuống còn 3,8%; cơ bản không còn tình trạng hôn nhân cận huyết.
Để đạt mục tiêu trên, hiện nay tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, ngành liên quan tích cực tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ công tác dân số phù hợp với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ; rà soát, kiện toàn, sắp xếp lại hệ thống các đơn vị y tế tuyến huyện, hệ thống người làm công tác tuyến xã và cộng tác viên thôn, bản; chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về dân số, trong đó ưu tiên tập trung các chuyên đề nâng cao chất lượng dân số; tăng cường đầu tư các trang thiết bị y tế có kỹ thuật cao phục vụ công tác DS-KHHGĐ.