A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo nguy cơ tái nhiễm biến chủng XBB.1.5

Các chuyên gia cho biết biến chủng XBB.1.5 của Omicron rất dễ lây lan, có khả năng khiến 80% người dân nước này tái nhiễm.

Theo Paula Cannon, nhà virus học tại Đại học Nam California, hiện nay tất cả người Mỹ đều có nguy cơ nhiễm bệnh, ngay cả khi đã cẩn trọng, tiêm vaccine hoặc từng mắc bệnh trước đó.

"Thật là một căn bệnh truyền nhiễm điên rồ. Tất cả những thứ đã bảo vệ bạn trong vài năm qua có lẽ không còn hiệu quả trước loạt biến chủng mới này", bà Cannon cho biết. Dù vậy, thống kê chính thức cho thấy số ca nhiễm nặng và tử vong vẫn tương đối thấp.

Biến chủng XBB.1.5 hiện tăng theo cấp số nhân, từ 22% lên 40% trong vòng một tuần, thủ phạm của khoảng 75% ca nhiễm ở vùng Đông Bắc nước này, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

XBB.1.5 phát triển mạnh do dễ dàng liên kết với các thụ thể hơn so với phiên bản trước của virus. Bên cạnh đó, việc loại bỏ các hạn chế thời dịch bệnh cũng khiến Covid-19 phát triển nhanh chóng hơn.

Tiến sĩ Ziyad Al-Aly, Giám đốc nghiên cứu và phát triển tại Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe VA St. Louis, cho biết người dân vẫn nên cẩn thận phòng ngừa virus. Theo ông, còn quá sớm để khẳng định về độc lực và độ nguy hiểm thực sự của XBB.1.5. Nghiên cứu sơ bộ của Al-Aly cho thấy virus vẫn có thể khiến những người yếu thế (người già, có bệnh nền) chuyển nặng, diễn biến xấu hoặc gặp phải các triệu chứng hậu Covid.

"Tình trạng tái nhiễm khiến bạn chịu nhiều rủi ro hơn", ông nói.

Minh họa nCoV với phần gai protein bên ngoài. Ảnh: Public Health

Minh họa nCoV với phần gai protein bên ngoài. Ảnh: Public Health

Việc mắc Covid-19 trước đó cung cấp một lượng kháng thể nhất định, song nó giảm dần theo thời gian, không còn hiệu quả khi virus tiếp tục tiến hóa. Một số người có triệu chứng nhẹ trong lần đầu, nhưng biểu hiện nặng hơn ở lần nhiễm bệnh thứ hai, thứ ba, trong khi số khác thì ngược lại.

Theo tiến sĩ Cannon, yếu tố ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân Covid-19 là khả năng miễn dịch, bản chất biến chủng và khoảng thời gian kể giữa các lần dương tính.

Bản thân bà Cannon tái nhiễm nCoV hồi tháng 11/2022, song triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với chồng vì bà mới bị cảm vài ngày trước đó. Bà cho biết virus đường hô hấp thông thường cũng có thể đặt hệ miễn dịch vào tình trạng cảnh giác cao, vô tình khiến nó trở nên rất nhạy bén với Covid-19.

Các triệu chứng XBB.1.5 tương đối giống biến chủng trước đó, song tỷ lệ bệnh nhân khó thở, viêm phổi, cần chăm sóc chuyên sâu thấp hơn. Người bệnh cũng ít bị mất vị giác và khứu giác. Điều này có thể do vaccine hoặc các lần nhiễm bệnh trước đó, không phải do sự thay đổi của bản thân virus, tiến sĩ Peter Hotez, Giám đốc của Trung tâm Phát triển Vaccine, Bệnh viện Nhi đồng Texas, cho biết.

Các chuyên gia nhấn mạnh, đến nay, các phương pháp phòng tránh lây nhiễm nCoV không đổi, gồm tiêm phòng, đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc đông người.

Ngày 5/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại XBB.1.5 có thể là phiên bản Omicron lây lan nhanh nhất. Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật về Covid-19 của WHO, cho biết tổ chức đang lo ngại về lợi thế tăng trưởng của biến chủng này. Bà lưu ý XBB.1.5 đã lan sang ít nhất 29 quốc gia sau lần đầu xuất hiện ở Mỹ. Tuy nhiên, WHO chưa có bất kỳ dữ liệu nào về mức độ nghiêm trọng hoặc bức tranh lâm sàng về tác động của XBB.1.5.

Ngày 4/1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM công bố kết quả tầm soát biến chủng nCoV ở 526 bệnh nhân Covid, cũng ghi nhận xuất hiện XBB của Omicron. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận biến chủng này. Các chuyên gia nhận định nhiều khả năng thời gian tới XBB.1.5 cũng có thể xâm nhập Việt Nam.

Theo Vnexpress


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.345
Hôm qua : 3.304
Tháng 10 : 32.869
Năm 2024 : 835.846