A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh viện Đa khoa tỉnh ứng dụng chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh

Với mục tiêu đến năm 2030, đưa bệnh viện trở thành một trong các bệnh viện tuyến đầu khám, chữa bệnh (KCB) có chỉ số cao nhất về mục tiêu chuyển đổi số, kinh tế số; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, bảo mật và tiện ích phục vụ tối đa nhu cầu KCB cho người dân trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã triển khai quyết liệt Đề án của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh hội chẩn từ xa với tuyến Trung ương về những ca bệnh khó, phức tạp.

Giám đốc BVĐK tỉnh Phạm Anh Văn cho biết: Thực hiện Đề án 06, Bệnh viện đã tổ chức quán triệt đầy đủ, sâu sắc các nội dung, nhiệm vụ của đề án đến từng cán bộ, nhân viên y tế, người lao động, nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ cho công tác chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý, KCB cho nhân dân. Chú trọng đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh công tác khai thác, kết nối, chia sẻ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước của Bệnh viện. Đảm bảo hiệu quả, an ninh, an toàn và bảo mật thông tin của người dân, tuân thủ chặt chẽ, nghiêm túc quy trình nghiệp vụ, bảo đảm thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Hiện tại, BVĐK tỉnh đã thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực như: Tiếp nhận KCB cho nhân dân bằng Căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp, qua ứng dụng VNeID thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đạt gần 90%. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan hướng dẫn người dân khi đến khám bệnh sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp thay thế cho thẻ BHYT; thực hiện cập nhật liên thông dữ liệu, Giấy khám sức khoẻ lái xe, Giấy chứng sinh, Giấy chứng tử. Trong công tác KCB, hiện kết quả xét nghiệm của người bệnh được quản lý trên phần mềm xét nghiệm, đảm bảo kết nối hai chiều, nhận và trả kết quả xét nghiệm tự động, giúp cho việc nhận và trả kết quả của người bệnh được nhanh chóng, chính xác, thông tin tình hình bệnh tật được cập nhật kịp thời, giúp cho việc chẩn đoán của bác sỹ được nhanh chóng và đưa ra các phác đồ điều trị thích hợp. Cùng với đó, BVĐK tỉnh tiến hành nhiều giải pháp trong thanh toán không dùng tiền mặt trên hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện liên thông, liên kết với các ngân hàng thanh toán bằng mã QR, thanh toán viện phí qua thẻ ngân hàng như quẹt thẻ ATM trên đầu POS, chuyển khoản…

Người dân thanh toán tiền viện phí không dùng tiền mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Phát huy tính ưu việt, lợi thế của công nghệ thông tin, BVĐK tỉnh tổ chức hội chẩn KCB từ xa với các bệnh viện tuyến T.Ư và tuyến dưới. Theo đó, hàng tuần Bệnh viện tổ chức 2 buổi hội chẩn theo chuyên đề với các bệnh viện tuyến T.Ư về những ca bệnh khó để đánh giá mức độ phức tạp của ca bệnh và đưa ra các phương pháp điều trị tích cực cho người bệnh. Đối với tuyến dưới, Bệnh viện thường xuyên tổ chức hội chẩn, giúp cho việc chẩn đoán được chính xác, giảm tải điều trị cho tuyến trên; tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian thăm khám.

Không chỉ ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, KCB cho người dân, đến nay BVĐK tỉnh còn ứng dụng trên tất cả các lĩnh vực công tác của đơn vị và đạt được những kết quả khá toàn diện, giúp cho hoạt động của Bệnh viện ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phát huy những kết quả bước đầu đạt được trong chuyển đổi số, thời gian tới, BVĐK tỉnh tăng cường tuyên truyền, quán triệt về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Đề án 06 trong chiến lược phát triển KT - XH trên địa bàn tỉnh, đề cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo Bệnh viện trong công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ với quyết tâm chính trị, hành động quyết liệt, hiệu quả cao nhất; thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Đề án 06 trong toàn đơn vị, từ đó đề ra giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình thực tế và giải quyết những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện.

 Bài, ảnh: NGUYỄN HÙNG


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 924
Hôm qua : 1.836
Tháng 11 : 38.767
Năm 2024 : 916.427