Ảnh hưởng của rượu đến phổi
Lạm dụng rượu có thể làm giảm khả năng thở, tăng nguy cơ nhiễm trùng và mắc các bệnh phổi nghiêm trọng.
Thường xuyên uống nhiều rượu có thể gây viêm, làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng. Đồ uống này cũng gây ra sự thiếu hụt chất chống oxy hóa như glutathione, khiến cơ thể dễ bị stress oxy hóa hơn, tăng nguy cơ mắc bệnh phổi nghiêm trọng khi tiếp xúc với khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, hóa chất nguy hiểm hoặc chất kích thích đường thở khác.
Nhiều nghiên cứu phản ánh tiêu thụ nhiều rượu làm tăng tỷ lệ mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính, tăng khả năng tử vong liên quan đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Ngoài ra, uống rượu thường xuyên sẽ khiến các lông mao trong phổi giúp làm sạch chất nhầy và các sinh vật truyền nhiễm bị tổn hại. Từ đó, khả năng làm sạch chất nhầy bị suy giảm, ngăn phổi duy trì đường thở khỏe mạnh.
Tiêu thụ nhiều rượu có thể gây chứng ngưng thở khi ngủ. Lạm dụng rượu trong thời gian dài cũng làm thay đổi đường dẫn khí trong phổi, gây ức chế tiết nước bọt và tăng vi khuẩn trong miệng.
Rượu cản trở tác dụng của một số loại thuốc như glucocorticoid thường sử dụng để kiểm soát các bệnh phổi mạn tính, thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng phổi do vi khuẩn. Người bệnh có thể không cảm nhận được tác dụng điều trị của những loại thuốc này khi uống rượu trong vòng vài ngày sau khi uống thuốc.
Bên cạnh đó, tác dụng gây say của rượu cũng có thể làm giảm phản xạ ho và nôn của một người, điều này cũng làm tăng nguy cơ tổn thương phổi. Các triệu chứng hen suyễn trở nên trầm trọng hơn khi người bệnh uống khoảng 3 ly rượu vang.
Thông thường, tổn thương phổi liên quan đến rượu phổ biến nhất ở những người nghiện rượu nặng hoặc lạm dụng đồ uống này trong một thời gian dài.
Để bảo vệ sức khỏe phổi, hàng ngày mỗi người nên thực hiện các bài tập thở để tăng cường lượng không khí vào phổi, làm giảm các triệu chứng khó thở, nâng cao sức khỏe. Bài tập thở mím môi giúp người tập thư giãn đầu óc, giảm căng thẳng, muộn phiền, cải thiện chức năng hô hấp. Thở bằng bụng có thể giúp sử dụng cơ hoành đúng cách.
Nếu hút thuốc thì nên tìm cách từ bỏ thuốc lá. Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Khói thuốc lá có thể thu hẹp đường thở; theo thời gian, khói thuốc lá phá hủy mô phổi, có thể phát triển thành ung thư.
Mỗi người nên duy trì một lối sống khoa học để bảo vệ sức khỏe và kiểm tra sức khỏe thường xuyên để ngăn ngừa bệnh tật. Ngoài ra, uống đủ nước giúp tăng cường lưu thông máu, loại bỏ các độc tố ra khỏi lá phổi, giúp cơ quan này hoạt động tốt hơn.
Lê Nguyễn (Theo Healthline, Verywellhealth)