A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam - Hoa Kỳ: Điểm sáng trong hợp tác thương mại

Năm 2013, Việt Nam - Hoa Kỳ trở thành đối tác toàn diện và nâng cấp thành đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 09/10/2023. Trong khung khổ hợp tác giữa hai nước, cùng với quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế, đặc biệt là thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ - đứng thứ hai chỉ sau quan hệ chính trị và ngoại giao trong danh sách 9 lĩnh vực hợp tác - được coi là lĩnh vực hợp tác thành công nhất, đã trở thành trọng tâm, nền tảng, động lực phát triển cho quan hệ chung giữa hai nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo nhân dịp tới Hoa Kỳ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao tại Khóa họp 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN.

1. Sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và chừng 20 năm sau BTA, quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian qua thực sự là một điểm sáng; tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đã nhanh chóng vượt mốc 100 tỷ USD/năm vào năm 2021 với 111,55 tỷ USD, gấp 247,3 lần, và 123,91 tỷ USD vào năm 2022, gấp khoảng 275 lần so với con số khởi đầu 451 triệu USD vào năm 1995. Năm 2022 - 2023, Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam; còn Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ vào năm 2022. Những điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa hai nước, đó là:

Thứ nhất, về cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ

Kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết vào năm 2000, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã thay đổi đáng kể. Nếu trước đây, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Hoa Kỳ nhóm các mặt hàng công nghiệp nhẹ gia công theo đơn hàng từ các công ty nước ngoài, như: dệt may, da giày…, thì đến nay, trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu quan trọng vào thị trường này đã có thêm nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo , các mặt hàng nông,lâm, thủy hải sản thuần Việt, nhưngcó mức độ chế biến và giá trị gia tăng ngày càng cao. Năm 2023, có 12 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên . Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Hoa Kỳ trong năm 2023 đạt 13,82 tỷ USD, giảm gần 700 triệu USD so với năm 2022.

Ở chiều ngược lại, trong tổng kim ngạch 8,05 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ năm 2023, những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất gồm: chủ yếu các mặt hàng công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao và nhóm các mặt hàng nguyên liệu được dùng làm đầu vào cho sản xuất: nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất và duy nhất đạt tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,82 tỷ USD. Ngoài ra, nhiều nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch hàng trăm triệu USD .

Bên cạnh đó, một trong những lĩnh vực hợp tác thương mại sôi động khác của hai nước trong những năm qua là hàng không với hàng loạt hợp đồng mua máy bay Boeing của các hãng hàng không: Vietnam Airlines, VietJet Air và Bamboo Airways .

Cơ cấu xuất, nhập khẩu giữa hai nước cho thấy một đặc điểm rất quan trọng của quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đó là tính chất bổ trợ lẫn nhau của hai nền kinh tế. Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện tự nhiên thuận lợi , lợi thế về nhân công trong nhiều lĩnh vực, như: dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử… Trong khi đó, Hoa Kỳ được coi là một trong những nguồn nhập khẩu quan trọng các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, cung cấp các sản phẩm nguồn như bông, thức ăn gia súc, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc, công nghệ… để đáp ứng nhu cầu đang mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao. Việc nhập khẩu các sản phẩm nguồn này từ Hoa Kỳ tạo ưu thế giúp Việt Nam làm "sạch hóa" chuỗi cung ứng donguồn lực đầu vào phục vụ sản xuất có nguồn gốc và chứng nhận xuất xứ rõ ràng .

Khác hẳn so với quan hệ thương mại với các đối tác lớn khác của Việt Nam, một đặc điểm quan trọng nữa trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ suốt gần 30 năm qua là, Việt Nam luôn duy trì được thặng dư thương mại ngày càng lớn với Hoa Kỳ. Đáng chú ý là, trong 3 đối tác thương mại lớn nhất, Hoa Kỳ là nước duy nhất mà Việt Nam có thặng dư thương mại ngày càng lớn .

Thứ hai, Việt Nam đã trở thành và giữ vững vị thế là nước xuất khẩu lớn nhất trong khối ASEAN vào Hoa Kỳ từ năm 2014

Việt Nam đã trở thành và giữ vững vị thế là nước xuất khẩu lớn nhất trong khối ASEAN vào Hoa Kỳ từ năm 2014. Ảnh: Tạp chí Tài chính điện tử.

Trong các nước thuộc khối ASEAN, từ một nước có kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ thuộc loại thấp nhất trong khối, nhưng từ năm 2014, Việt Nam đã trở thành và giữ vững vị thế là nước xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 22,0% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn khối vào Hoa Kỳ năm 2022, vượt qua cả nước đứng thứ hai là Malaysia (xấp xỉ 20,0%); Thái Lan (chừng 15,0%); Indonesia (12,0%); Singapore (hơn 9,0%); đồng thời, không chỉ tăng về khối lượng xuất khẩu, mà cơ cấu mặt hàng ngày càng thiên về nhóm những mặt hàng có chất lượng và giá trị gia tăng cao.

Thứ ba, tốc độ gia tăng mạnh mẽ và gần như liên tục của quan hệ thương mại giữa 2 nước

Trong vòng 5 năm đầu tiên tính từ sau khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995, kim ngạch thương mại Việt - Hoa Kỳ chỉ tăng có 2,42 lần từ 451 triệu USD năm 1995 lên 1,09 tỷ USD năm 2000. Tuy vậy, từ khi có BTA (năm 2000) đến năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa 2 quốc gia đã tăng trung bình 20%/năm .

Trung bình trong 10 năm, từ năm 2013 (năm thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện”) đến năm 2023 (nâng cấp quan hệ ngoại giao hai nước lên hàng “đối tác chiến lược toàn diện”) kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ tăng với tốc độ 16,0%/năm . Hoa Kỳ đã nhanh chóng vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất trong số hơn 100 đối tác thương mại toàn cầu của Việt Nam, chiếm chừng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu nói chung của Việt Nam năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ tiến triển như: Đã tăng từ mức 0,733 tỷ USD năm 2000 lên 5,93 tỷ USD năm 2005; 14,24 tỷ USD năm 2010; 33,48 tỷ USD năm 2015; 77,08 tỷ USD năm 2020; vượt mốc 100 tỷ USD vào năm 2022 khi đạt 109,44 tỷ USD, tăng 25,2% so với năm 2021, gấp 149,3 lần năm 2000 và chiếm xấp xỉ 3,9% tổng kim ngạch nhập khẩu chung của Hoa Kỳ; năm 2023 đạt 97 tỷ USD, giảm 12,4 tỷ USD so với năm 2022, nhưng vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam đã tăng từ 0,363 tỷ USD năm 2000 lên 0,862 tỷ USD năm 2005; 3,77 tỷ USD năm 2010;7,8 tỷ USD năm 2015; và 13,71 tỷ USD năm 2020. Năm 2022, mặc dù chỉ đạt 14,47 tỷ USD, giảm 5,3% so với 15,28 tỷ USD năm 2021, nhưng vẫn gấp gần 40 lần năm 2000.Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Hoa Kỳ trong năm 2023 đạt 13,82 tỷ USD, giảm gần 700 triệu USD so với năm 2022.

2. Sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và chừng 20 năm sau Hiệp định thương mại song phương (BTA), quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được những thành tựu và chính thức nâng cấp thành đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 09/10/2023. Trên cơ sở phân tích thực trạng hợp tác về thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong 28 năm qua (1995 - 2023), khẳng định quan hệ thương mại này, dù còn có một số vấn đề cần khắc phục, song đây là điểm sáng nhất trong tổng thể các quan hệ nhiều mặt Việt Nam - Hoa Kỳ, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp chính sách chủ yếu nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ thương mại giữa 2 nước sau khi quan hệ ngoại giao được nâng cấp lên hàng đối tác chiến lược toàn diện. Nhằm thúc đẩy mối quan hệ thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhưng hài hòa và bền vững, góp phần củng cố và đẩy mạnh quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” vừa được thiết lập, cần làm tốt một số giải pháp sau:

Một là, thị trường của hai nước hiện nay đang xuất hiện nhiều xu hướng mới, liên quan đến giá cả, tiêu chuẩn vệ sinh, y tế, tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tiêu chuẩn sản xuất xanh, chuỗi cung ứng sạch và bền vững cũng được đề cao hơn bao giờ hết. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi đó, cần từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các tiêu chuẩn sản xuất xanh.

Hai là, nhằm giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam là cực kỳ quan trọng. Theo đó, Chính phủ cần xây dựng các chương trình và định hướng chung về tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc xây dựng thương hiệu, dỡ bỏ thuế, tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản phẩm của các ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến.

Các doanh nghiệp cần chủ động nắm vững các cam kết từ các FTA của Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ và các quy định có liên quan để không vi phạm gây tổn hại cho quan hệ thương mại giữa 2 nước. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chủ động phát triển thị trường để nâng cao năng lực sản xuất trong nước và gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả để thâm nhập sâu hơn vào thị trường này và góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới. Chẳng hạn, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với các cơ quan liên quan cả của Hoa Kỳ (như Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam - AmCham) lẫn Việt Nam như Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhằm tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ. Đồng thời, ngoài việc hợp tác với nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn tại Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt cũng cần áp dụng chiến lược đa dạng hóa khách hàng và tích cực tìm kiếm thị trường ngách giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động xuất khẩu.

Thị trường Hoa Kỳ đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải luôn sẵn sàng cho sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả, mẫu mã và dịch vụ. Ảnh: Báo Đầu tư.

Ba là, Hoa Kỳ là một thị trường nhập khẩu lớn, đa dạng và cũng là một thị trường siêu cạnh tranh. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải luôn sẵn sàng cho sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả, mẫu mã và dịch vụ, không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu, cũng như phát triển thị trường, đầu tư cho việc nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hóa, để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng như các quy định về phát triển bền vững ngày càng cao của thị trường này. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải đảm bảo quản lý và chăm sóc khách hàng một cách chu đáo, tận tình và thực hiện chính sách hậu mãi một cách hiệu quả.

Bốn là, cùng với những cơ hội đem lại, thị trường Hoa Kỳ luôn nổi tiếng với các vụ điều tra, phòng vệ thương mại và hàng nhập khẩu từ Việt Nam cũng bị vướng khá nhiều rắc rối pháp lý liên quan đến chống phá giá, trợ cấp hàng xuất khẩu, và chất lượng sản phẩm tại thị trường này. Vì thế, Bộ Công Thương Việt Nam cần theo dõi sát sao, tìm hiểu và nghiên cứu kỹ để phổ biến thông tin kịp thời cho các ngành và doanh nghiệp; đồng thời, phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp xuất khẩu để chuẩn bị cho các phản ứng chính sách phù hợp.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần luôn giữ tâm thế thượng tôn pháp luật khi buôn bán với Hoa Kỳ,nhất là những rào cản từ các biện pháp phòng vệ thương mại; cụ thể, cần tìm hiểu kỹ pháp luật và tuân thủ nghiêm các luật và các hiệp định thương mại về phòng vệ thương mại… Mặt khác, doanh nghiệp cần cân nhắc khi nhận trợ cấp trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước trong các lĩnh vực cạnh tranh xuất khẩu giá thấp, nhất là khi muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước trong những giai đoạn khó khăn.Đồng thời, các doanh nghiệp cần tỉnh táo không tiếp tay xuất nhập khẩu cho các hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ mờ ám, đội lốt, không rõ ràng. Mặt khác, thực hiện quyền phòng vệ, thu thập chứng cứ, tham vấn và đề nghị cơ quan chức năng xử lý các vụ việc liên quan đến doanh nghiệp trong và ngoài nước trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm dẫn đến việc mình bị thiệt hại hoặc đe doạ bị thiệt hại nghiêm trọng.

Cùng với đó, khi làm ăn với nước ngoài, đặc biệt là với Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam còn một vấn đề cần hết sức quan tâm đó là tuân thủ các quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhất là nhãn hiệu hàng hóa; bản quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; bản quyền phần mềm; chỉ dẫn địa lý; sử dụng nguyên vật liệu cho sản xuất có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; các quy định về sử dụng lao động….

Ngọc Trâm

(Bài đăng trên Bản tin Thông tin Báo cáo viên số tháng 3/2024)


Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.093
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 6.877
Năm 2024 : 512.223