A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Vị quan tài năng, thanh liêm

Hoàng Kim Sán (1774 - 1832) sinh ra trong một gia đình có truyền thống học hành, gốc ở huyện Đồng Xuân (nay thuộc tỉnh Phú Yên); sau dời đến huyện Phong Lộc (tỉnh Quảng Bình). Kim Sán từ bé bộc lộ tư chất thông minh. Năm Gia Long thứ ba (Giáp Tý, 1804), do các quan địa phương tiến cử, ông được bổ làm Thự Tri huyện Lệ Thủy. Sách Đại Nam liệt truyện chép, ông làm quan thanh đạm, vẫn như lúc hàn vi, được dân tin yêu, được cất nhắc làm Thiêm sự bộ Lễ, ra làm Cai bạ trấn Bình Hòa, ở đâu cũng có tiếng là có chính sự tốt”. Sau đó, ông dần thăng tiến, làm đến Thượng thư bộ Hình vào đầu thời Minh Mạng (1820 - 1841).

Năm Đinh Hợi (1827), tại vùng Nam Định, các quan lại địa phương lộng hành, tham nhũng, hà hiếp dân; trộm cướp nhân cớ đó hoành hành, gây nhiều đau khổ cho dân chúng. Hoàng Kim Sán được cử làm Phó Kinh lược đại sứ cùng Trấn thủ Nghệ An Nguyễn Văn Hiếu là Chánh đến để ổn định tình hình. Trước khi ra Nam Định, Kim Sán đến từ biệt vua và được vua dụ: “Quan lại tham nhũng là sâu mọt của dân, trộm cướp sinh ra là bởi đấy. Chuyến đi này của ngươi có quan hệ đến việc lớn của nước, cất lên tùy phương xếp đặt, không nên khinh thường, cũng không nên câu nệ, hai điều ấy châm chước mà làm là được”.

Kim Sán đến Nam Định, cùng Nguyễn Văn Hiếu đi các huyện, ấp, quan lại địa phương nhiều người kịp mang lễ đến “chào”, nhưng hai ông nhất thiết không nhận một mảy may, chỉ sai họp các phụ lão để hiểu dụ các đức ý của triều đình và xét hỏi sự đau khổ của dân; phàm dân xã nào bị bọn cướp đốt phá đều được cấp gạo, quần áo, thuốc men; những người chống lại cướp bị giết hại đều được làm tờ tâu xin cấp phẩm hàm, thân nhân được cấp gạo, tiền; đi đến đâu là mở xét kiện tụng, trừng trị bọn quan lại gian tham, khiến cho chúng khiếp sợ. Cai án Phạm Thanh, Thư ký Bùi Khắc Kham và nhiều kẻ bỏ ấn tín chạy trốn, bị bắt và bị chém ngay, tịch thu gia sản, chia cấp cho dân cùng. Các viên tri phủ, tri huyện ở Kiến Xương, Đại An tham nhũng đều bị cách chức. Những người không đảm đương được chức vụ đều bị bãi. Thừa tytrong trấn và lại dịch các phủ huyện bị bắt tra xét và trốn tránh đến vài trăm người, Hoàng Kim Sán và Nguyễn Văn Hiếu tâu xin chọn các học trò trong hạt, đã từng đỗ nhất, nhị trường, có hạnh kiểm, đem xét thực trạng để bổ sung vào các vị trí bị khuyết. Sau một thời gian, tình hình các mặt của trấn Nam Định đi vào ổn định. Vua cho là bọn Hoàng Kim Sán đi kinh lược sứ làm được nhiều việc, nên triệu về kinh đô Huế để khen thưởng. Kim Sán được bổ thụ Thượng thư, lại gia một cấp.

Năm Tân Mão - 1831, trấn Nam Định đổi thành tỉnh Nam Định. Hoàng Kim Sán vì đã từng đi kinh lược sứ ở đất đó, có uy tín với quan, dân địa phương nên được bổ làm Tổng đốc Nam Định, kiêm quản tỉnh Hưng Yên. Khi đến lỵ sở, ông xem xét các mặt rồi trình lên tờ sớ về 17 điều khuyến lợi, trừ hại cho địa phương. Tiếc rằng, kế hoạch “khuyến lợi trừ hại” của ông chưa được thực hiện thì mùa Xuân năm Nhâm Thìn (năm 1832), ông bị bệnh, phải xin nghỉ việc. Vua Minh Mạng nghe tin, cho thầy thuốc đến khám, cấp thuốc, lại chuẩn cho con là Thảng đang làm tư vụ chạy ngựa đến thăm và hầu hạ. Được ít ngày, ông qua đời tại công sở khi mới bước vào tuổi 57. Vua Minh Mạng nghe tin rất thương xót, gia tặng hàm Hiệp biện Đại học sĩ, sai cấp vải lụa, gấm vóc để lo tang, lại cho con được ấm thụ chức Viên ngoại lang.  Năm Tự Đức thứ 11 (Mậu Ngọ, 1858), ông được đưa vào thờ ở đền Hiền Lương - nơi thờ những vị quan trung thành, tài năng và có công với triều đình.

Nguồn: Đại Nam liệt truyện, bản dịch, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993, tập 3, tr. 306 - 312.

Lời bàn

Trong buổi đầu gây dựng của triều Nguyễn, có rất nhiều vị quan tài năng, thanh liêm và tận tụy, mà Hoàng Kim Sán là gương điển hình. Sử nhà Nguyễn ghi nhận, Kim Sán là người học hỏi uyên thông, điềm tĩnh, ít nói. Ra làm quan thì chăm phụng chức, tiết tháo ngay thẳng, không ai dám đem của phí lễ đễ cầu cạnh. Khi giữ phép luật của nước thì sớm khuya kính cẩn, rất lo về việc xét xử bị oan uổng, quá lạm. Mỗi khi xét một việc án thì đều nghiên cứu trước sau, tất cầu không cho việc nghi ngờ, hối hận chút nào; hoặc có kẻ nào tình lý chưa rõ ràng thì bất đắc dĩ tất xét mà bác đi, không để cho việc hình có oan uổng, quá lạm. Dụng tâm rất thật, lo nghĩ việc tinh tường. Đương lúc vâng mệnh đi kinh lược ở trấn Nam Định, biết Bắc Thành (các trấn ngoài Bắc) vẫn có tệ thỉnh thác, tức thì làm sớ tâu xin bỏ đi. Nhân viên đi sai phái, người nào dám nhận của đút lót, đem ra chém ngay rồi mới tâu lên; người các trấn khác nghe tiếng thế đều sợ, nơm nớp không dám thi thố ngón gì. Việc kinh lược vì thế dẫu phức tạp, nhưng cũng chỉ khoảng vài tháng, tình hình lại đâu ra đấy. Khi làm Tổng đốc Nam Định - Hưng Yên, đã bày đặt cả chương trình để ổn định tình hình cho địa phương. Tiếc rằng, chưa được bao lâu thì ông lâm bệnh, bèn họp cả bố chính, án sát dặn phải hết lòng vì việc dân, báo đền ơn nước. Khi ông mất, có rất nhiều người làm văn tế, trong đó có bài có câu: “Than ôi, lúc chăng màn trướng ở bờ sông, lại thấy được cây cam đường của Thiệu Bá. Thế mà sớm nay trao giấy tiền nơi đường sá, nào ngờ cắm cành trúc ở Lôi Dương”. Lời văn tế này đã mượn điển tích Trung Quốc để ca ngợi Hoàng Kim Sán là vị quan được dân mến mộ, vì sự liêm khiết, mẫn cán, hết lòng vì dân.

Ước gì trong đội ngũ cán bộ các cấp của ta ngày nay, số người như Hoàng Kim Sán ngày càng đông đảo để gánh vác việc dân, việc nước.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 357
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.507
Năm 2024 : 570.853