A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 18-4-1954, cứ điểm 105 bảo vệ phía Bắc sân bay bị quân ta tiêu diệt

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 18-4-1954, sau 4 ngày vây ép địch, Trung đoàn 141 bắt đầu tiến công cứ điểm 105. Địch vội vã rút chạy khỏi cứ điểm. Cứ điểm 105 bảo vệ phía Bắc sân bay hoàn toàn bị tiêu diệt.

Về phía địch: Ngày 18-4, Phó chỉ huy khu trung tâm Bigeard vét được một đại đội thuộc Tiểu đoàn dù 6 và một đại đội thuộc Tiểu đoàn Maroc số 1 mở một cuộc hành binh về cứ điểm 105, hy vọng cùng với Đại đội lê dương tại đây tổ chức một cuộc rút lui về Mường Thanh.

Đúng 2 giờ, cuộc hành binh bắt đầu. Nhưng khi chạm vào trận địa sân bay, toán quân này đã bị thiệt hại nặng vì lưới lửa của tuyến phòng thủ phía trước đã được bố trí hoàn thiện tới mức nếu liều lĩnh tiến lên chỉ là sự hy sinh vô ích. Cuộc hành binh đã hoàn toàn sa lầy.

Mờ sáng, một bộ phận quân Pháp đã phải rút lui về một điểm tựa công binh vừa bố trí tại khu hào thoát nước ở mép sân bay. Khu hào này có thể che chắn phần nào đạn pháo của Việt Minh nhưng nó đang bị ngập nước. Vào lúc 7 giờ 30 phút, Bigeard hiểu rằng không phải ở Điện Biên Phủ này cứ dám làm liều rồi sẽ có lối thoát, kế hoạch rút lui về Mường Thanh đã thất bại và cứ kiên trì thì lợi bất cập hại ngay cả khi cứu được một vài người trong cái số khốn khổ này.

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 18-4-1954, cứ điểm 105 bảo vệ phía Bắc sân bay bị quân ta tiêu diệt

Bị tấn công, địch ở các vị trí khu đồi C chạy tán loạn, chiến sĩ xung kích của ta ở dưới các giao thông hào dùng súng trường bắn tỉa địch. Ảnh tư liệu: TTXVN

Sương mù buổi sáng che chở cho họ một phần trước đối phương sau một loạt lựu đạn và sự trợ lực của một khẩu trung liên duy nhất của một viên hạ sĩ bị thương tình nguyện ở lại bắn yểm trợ, toán quân nhảy qua hào của ta, có những tên lính đang ngơ ngác, rồi lao đầu chạy về cứ điểm của Pháp. Đến lúc đó, các chiến sĩ của ta mới kịp thời nổ súng. Khi Bigeard, chỉ huy cứ điểm, tập hợp quân tại Huguette 2 vào lúc 10 giờ thì đại đội này đã bị chết 106 người, 49 người bị thương và 79 người mất tích. Trong số 16 sĩ quan của Huguette 6 chỉ còn 5 người sống sót.

Đêm 18-4, sau bốn ngày vây ép địch, Trung đoàn 141 bắt đầu tiến công cứ điểm 105. Địch vội vã bỏ cứ điểm rút chạy. Cứ điểm 105 bảo vệ phía Bắc sân bay hoàn toàn bị tiêu diệt.

Trong lúc này, Trung đoàn 88 thuộc Đại đoàn 308 đã đào được tuyến đường hào cắt ngang sân bay Mường Thanh và bắt liên lạc được với Trung đoàn 141 của Đại đoàn 312 ở phía Đông sân bay. Trung đoàn 36 cũng đang củng cố trận địa vây ép cứ điểm 206. Cứ điểm 206 trở thành vị trí đột xuất ở phía Bắc khu trung tâm. Bảo vệ vị trí là Đại đội 4 của Bán lữ đoàn lê dương 13. Những tên lính lê dương ở đây chống cự khá quyết liệt. Các chiến sĩ thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã có kinh nghiệm tiêu diệt vị trí 106, kiên trì chiến thuật vây lấn, quyết tâm giành thắng lợi với tổn thất ít nhất về người và vũ khí.

Nếu kinh nghiệm "đánh lấn" của Trung đoàn 36 được phổ biến toàn mặt trận thì lần này đến lượt kinh nghiệm "ép vây" và "bắn tỉa" của Trung đoàn 141 cũng được nhanh chóng phổ biến rộng rãi tới tất cả các đơn vị. Toàn mặt trận dấy lên phong trào "Thi đua bắn tỉa". Bộ binh áp sát, bắn tỉa từng tên lính địch. Pháo và cối cùng bố trí nhích dần, bắn tỉa từng ụ súng địch.

Lúc này cũng có nhiều tân binh từ hậu phương tới mặt trận bổ sung cho các đơn vị đang thiếu quân số. Trong số tân binh này có nhiều thanh niên xung phong và dân công gánh hàng tiếp tế lên mặt trận rồi xin gia nhập bộ đội, tình nguyện đến khi độc lập mới trở về quê. Cũng có nhiều học sinh xin được làm "lính Cụ Hồ" chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Quá trình vây ép và bắn tỉa địch cũng là quá trình huấn luyện tân binh ngay tại thực địa. Trong vòng 4 ngày, bốn tổ bắn tỉa hạ được 110 tên địch, có chiến sĩ "thiện xạ" diệt 13 tên địch bằng 15 viên đạn.

THÀNH VINH (lược trích)

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.

2. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.

3. Chiến dịch Điện Biên Phủ - Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.

4. Điện Biên Phủ-nhìn từ hai phía, Nxb Thanh Niên, 2004.

5. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.


Nguồn: Báo Quân đội nhân dân
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.723
Hôm qua : 1.836
Tháng 11 : 39.566
Năm 2024 : 917.226