A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo hiểm xã hội - của để dành cho người trẻ, chỗ dựa vững chắc của tuổi già

Trong “cơn bão” của đại dịch Covid-19, người lao động gặp rất nhiều khó khăn trong tái tìm kiếm việc làm để tạo nguồn thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, nhiều người thực sự gặp bế tắc trong cuộc sống khi thu nhập hàng ngày không đủ, thậm chí không có để duy trì các sinh hoạt tối thiểu hằng ngày. Đối với một số bộ phận người lao động đã nghỉ việc có quá trình tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc dù ít, dù nhiều nhưng trước mắt cũng nghĩ đến việc “thanh toán” sổ BHXH, lựa chọn hưởng BHXH một lần để có tiền trang trải sinh hoạt hoặc có chút vốn xoay sở làm ăn, chưa dám nghĩ đến việc tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu trong tương lai.
Trong thực tế, đó chỉ là khó khăn tạm thời, người lao động hoàn toàn có thể vượt qua khi mà hiện nay dịch Covid-19 đang được kiểm soát, toàn xã hội đang dần thích ứng để phát triển, các nhà máy và cơ sở sản xuất đang tuyển dụng lại công nhân làm việc rất nhiều, thậm chí nhiều nơi còn khan hiếm công nhân làm việc. Vẫn biết những khó khăn thực tế người lao động đang trải qua khi mất việc làm, không có thu nhập để trang trải sinh hoạt hàng ngày thì sổ BHXH có quá trình đóng BHXH là một cứu cánh, nhưng đây chỉ là khó khăn nhất thời mà họ hoàn toàn có thể nỗ lực vượt qua nếu có cái nhìn xa về tương lai khi tuổi già trước mắt và không còn khả năng lao động.
Với nhiều người trẻ từ 20 đến 30 tuổi hiện nay, khi được hỏi vì sao lựa chọn “thanh toán sổ BHXH một lần” thay vì chờ đợi thêm một thời gian tìm được công việc mới và tiếp tục đóng nối BHXH thì câu trả lời là họ còn quá trẻ và chờ đến khi đủ 60 tuổi để hưởng lương hưu thì quá dài. Đây là một thực tế mà các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu và sửa đổi chính sách cho phù hợp để có thể “giữ chân” được những đối tượng này ở lại mạng lưới an sinh BHXH.
Có nhiều người đến với cơ quan BHXH cầm cuốn sổ BHXH trên tay nhưng vẫn lưỡng lự nên hay không nên làm thủ tục giải quyết hưởng BHXH một lần. Bởi lẽ, một mặt họ cần một khoản tiền để tháo gỡ khó khăn cuộc sống và mặt khác lại có chút suy nghĩ tiếc nuối quãng thời gian đóng BHXH đã tích lũy được. Đối với những trường hợp này, cán bộ BHXH tiếp nhận thủ tục sẽ phân tích tuyên truyền cho người lao động hiểu được cái thiệt - hơn, được - mất khi lựa chọn giải quyết BHXH một lần. Nếu người lao động có độ tuổi còn trẻ từ 20 đến dưới 40 thì thuyết phục người lao động ngay sau khi nhận tiền BHXH một lần nên quay trở lại đăng ký tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng thấp, phù hợp với khả năng để tích lũy thời gian; còn đối tượng từ 40 tuổi trở lên thì phân tích, vận động họ không giải quyết BHXH một lần, quyết tâm giữ người lao động ở lại hoặc ngay lập tức quay trở lại tham gia vào “mạng lưới an sinh xã hội”, để họ không tuột mất cơ hội được hưởng lương hưu và quyền lợi thẻ BHYT khi hết tuổi lao động, già yếu .
Trái với suy nghĩ của một số người thì anh Nông Ngọc Kiên, cư trú tại Tổ 6, phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang lại rất lo lắng cho tương lai về già của mình. Anh có thời gian làm Bảo vệ tại Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong và được đóng BHXH bắt buộc. Do Nhà trường giảm bớt lao động hợp đồng nên dự kiến sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với anh từ tháng 4/2022. Ngay từ khi chưa chấm dứt hợp đồng lao động, tháng 02/2022 anh Kiên đã chủ động đến cơ quan BHXH tỉnh để hỏi tư vấn thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp và mong muốn được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để nối tiếp thời gian anh đã đóng BHXH bắt buộc được hơn 10 năm. Anh Kiên tâm sự: Khi mất việc làm, cuộc sống sẽ gặp khó khăn khi không còn nguồn thu nhập từ lương hàng tháng, nhưng với suy nghĩ mình còn có sức khỏe, còn có cơ hội kiếm việc làm và có thu nhập, anh không muốn “thanh toán” thời gian hơn 10 năm đã đóng BHXH bắt buộc vì rất tiếc, anh nói “tiền có thể làm ra nhưng thời gian không thể dùng tiền mua lại được”, chỉ cần cố gắng vượt qua khó khăn hiện tại thì tuổi già trong tương lai của anh sẽ không phải lo lắng vì anh chắc chắn mình sẽ có lương hưu hàng tháng và không phải dựa vào các con; trước mắt anh sẽ trích một phần tiền hưởng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng để đóng BHXH tự nguyện, dứt khoát không để gián đoạn thời gian tham gia BHXH trong Sổ BHXH.
Còn đối với chú Nguyễn Tiến Đợ, trú tại thôn Hạ Thành, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang thì nỗi canh cánh khi mình có lương hưu hàng tháng trong khi vợ không có lương hưu và hằng năm phải mua thẻ BHYT đã thôi thúc chú tìm đến cơ quan BHXH. Chú kể rằng: Lúc còn trẻ vợ đã chịu nhiều thiệt thòi để ở nhà chăm sóc các con, bố mẹ già để chú an tâm công tác trong quân đội. Giờ đây vợ đã 51 tuổi và bản thân chú đã về hưu với lương hằng tháng gần 12 triệu đồng, mặc dù đã có thời gian để cùng vợ chăm sóc bố mẹ già, nhà cửa, ruộng vườn và các con đã trưởng thành, nhưng chú vẫn muốn vợ cũng có “đồng ra đồng vào” từ lương hưu hằng tháng và thẻ BHYT miễn phí như mình. Sau khi được cán bộ BHXH tư vấn về mức đóng, phương thức đóng và quyền lợi được hưởng, chú đã vui vẻ trích ra từ lương hưu của mình số tiền 01 triệu đồng/tháng để đóng BHXH tự nguyện cho vợ và xem đây là một “món quà tặng” để cảm ơn người vợ tần tảo của mình.
Người dân hãy tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình để đảm bảo cho tương lai và sức khỏe của chính bản thân mình. Người lao động hãy cân nhắc khi lựa chọn giải quyết BHXH một lần, đừng tự loại mình rời khỏi lưới an sinh xã hội, rời khỏi con đường đi đến chỗ dựa vững chắc trong tương lai đó là chế độ hưu trí, mà để đến được đích an toàn đó đòi hỏi tự bản thân họ phải đóng góp tích lũy hàng tháng khi còn đang có sức khỏe và tiền bạc dù ít, dù nhiều.
Ma Thị Oanh-BHXH tỉnh

Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.089
Hôm qua : 2.611
Tháng 07 : 64.964
Năm 2024 : 570.310