A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai Nghị quyết 06/NQ-TW: Bịt 'lỗ hổng' trong quy hoạch đô thị

CTTBTG - Việc hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị nhanh, bền vững đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra.

Các quận 2, 9 và Thủ Đức được gộp thành TP Thủ Đức để tạo bệ phóng cho phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Mạnh Linh
Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”  là cơ sở cho sự ra đời các cơ chế chính sách mới, phát triển đô thị toàn diện và bền vững. Chính vì vậy, việc hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị nhanh, bền vững đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Để tìm hiểu thêm về nội dung này, TTXVN trích dẫn bài viết của ông Lê Anh Tuấn, Trưởng ban, Ban Chiến lược phát triển hạ tầng và đô thị, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 
Nhiều “lỗ hổng” tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng nguồn lực
Sau hơn 35 năm đổi mới, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở Việt Nam đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao... Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần phải khắc phục. Cụ thể:
Thứ nhất, đô thị hóa không đồng đều giữa các vùng, miền; tỷ lệ đô thị hóa còn thấp so với mức trung bình các nước trong khu vực và thế giới, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thứ hai, đô thị hóa chịu ảnh hưởng nhiều của yếu tố hành chính, phát triển theo chiều rộng là chủ yếu với mật độ thấp và phân tán, gây lãng phí về đất đai, hạn chế tích tụ kinh tế. Trong những năm gần đây, đô thị hoá đất đai diễn ra nhanh hơn đô thị hoá dân số nhưng không kéo theo các hoạt động kinh tế thực chất. Tình trạng mật độ thấp, nhất là tại các đô thị đặc biệt và những hạn chế về kết cấu hạ tầng ở Việt Nam hiện nay đang cản trở lợi thế kinh tế theo kết tụ và gây lãng phí về đất đai do việc chuyển đổi đất nông thôn sang đô thị quá mức trong khi đất xây dựng đô thị tập trung chiếm tỷ lệ thấp so với tổng đất đô thị; nhiều sai phạm về đất đai diễn ra trong quá trình đô thị hóa.
Thứ ba, đô thị hóa chưa đồng bộ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Việc thu hồi đất nông nghiệp cho phát triển công nghiệp trong quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh và quy mô lớn, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người nông dân. Việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhưng tỷ lệ lấp đầy thấp, giảm hiệu quả đầu tư hạ tầng và có tác động lớn trong phân bổ nguồn lực. Sự phát triển các khu đô thị chưa đồng bộ và gắn kết với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Thứ tư, hệ thống đô thị phân bố và phát triển không cân đối, thiếu sự liên kết, chưa có sự phân định và chia sẻ chức năng trong từng vùng và giữa các vùng; liên kết đô thị - nông thôn còn yếu. Phân bố mạng lưới đô thị thiếu sự liên kết chia sẻ chức năng trong từng vùng kinh tế và giữa các vùng với nhau; đô thị trung tâm vùng chưa rõ vai trò động lực, kết nối, lan tỏa tác động vai trò phát triển vùng; kết nối kinh tế đô thị - nông thôn còn yếu.
Thứ năm, kết quả chỉnh trang, cải tạo, tái thiết đô thị còn nhiều hạn chế. Phát triển các đô thị mới theo mô hình đô thị bền vững, đô thị xanh, đô thị thông minh phát triển còn ít, chưa được nghiên cứu phù hợp với từng vùng, miền và loại, cấp đô thị.
Thứ sáu, hệ thống hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, tính liên kết còn yếu, chưa bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và có dấu hiệu quá tải tại các đô thị lớn.
Thể chế, chính sách cho đô thị hóa phát triển đô thị và kinh tế đô thị nhanh và bền vững mặc dù đã có nhiều cải thiện tích cực, song vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là về quy hoạch, đất đai, tài chính đô thị, mô hình chính quyền đô thị. Quy hoạch đô thị vẫn còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, còn nhiều hạn chế; chưa đủ khả năng điều chỉnh toàn diện thực tiễn phát triển đô thị về một số mặt cơ bản như kiểm soát đầu tư, kiểm soát dân số, kiểm soát mở rộng diện tích, đất đai, nhà ở. Một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đã lạc hậu hoặc chưa theo kịp xu hướng, nhu cầu phát triển mới. Quản lý đô thị còn nhiều bất cập, năng lực, trình độ quản lý đô thị tại địa phương còn thấp, chậm đổi mới… Nhìn chung, cơ chế, chính sách về quản lý phát triển đô thị, nhất là về đất đai, quy hoạch đô thị còn nhiều “lỗ hổng”, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng nguồn lực...; chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, cộng đồng, người dân tham gia đầu tư xây dựng và quản lý phát triển đô thị, đảm bảo lợi ích chính đáng của các bên liên quan một cách công bằng, toàn diện và bền vững.
Nâng cao chất lượng quy hoạch
Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về vấn đề đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị nhằm triển khai thực hiện các chủ trương lớn về đô thị hóa và phát triển đô thị nêu tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Do đó, việc hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị nhanh, bền vững và công tác xây dựng quy hoạch đô thị được triển khai thực hiện tốt sẽ đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững, kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả, chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc…, đảm bảo thực hiện mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đồng bộ các luật đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở,... quy hoạch phát triển đô thị đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới tư duy, lý luận, phương pháp quy hoạch có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm tầm nhìn dài hạn, cụ thể như sau:
Trước hết, quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị phải bảo đảm tái cấu trúc các vùng đô thị hóa, xây dựng cơ chế phát triển vùng đô thị, đổi mới mô hình phát triển đô thị, xây dựng hệ thống đô thị quốc gia đồng bộ về mạng lưới và chất lượng đô thị.
Quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị bảo đảm hệ thống hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển các hạ tầng kỹ thuật khung tại các đô thị gắn kết đồng bộ với hạ tầng xã hội, chú trọng kiến trúc cảnh quan. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật liên kết vùng, kết nối giữa các khu vực đô thị và nông thôn, giao thông công cộng sức chở lớn để khai thác hiệu quả chùm đô thị ở vùng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng đô thị khác.
Quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị bảo đảm thị trường bất động sản và nhà ở phát triển ổn định, công khai, minh bạch. Tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân đô thị, nhất là nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người có thu nhập thấp, công nhân lao động có khó khăn về nhà ở theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Bên cạnh đó, quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị phải bảo đảm phát triển kinh tế đô thị nhanh và bền vững. Phát triển kinh tế đô thị dựa trên việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất tổng hợp và khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo ngành nghề, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đặc trưng của đô thị.
Ngoài ra, quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị phải đổi mới mô hình chính quyền đô thị, nâng cao hiệu quả quản lý đô thị. Xây dựng bộ máy chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, thông minh, phân định rõ trách nhiệm, giảm tầng nấc trung gian. Phân cấp mạnh mẽ và triệt để trong quản lý đô thị, nâng cao năng lực quản lý, quản trị đô thị, tăng cường hiệu quả năng lực khu vực công đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chính quyền đô thị các cấp. Thực hiện chuyển đổi số trong đô thị, xây dựng chính quyền số gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh.
TTXVN

Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.168
Hôm qua : 2.346
Tháng 11 : 25.596
Năm 2024 : 903.256