A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Kiên định thực tiễn để tiến lên

Là Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ Đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh có công lao to lớn khi cùng tập thể lãnh đạo của Đảng thiết kế và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đường lối đổi mới, xuất phát từ tổng kết thực tiễn sinh động trên nhiều lĩnh vực. Trong suốt 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn cho thấy hình ảnh của một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, luôn trăn trở tìm tòi trước những diễn biến mới của thực tiễn với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật” để tìm phương hướng tiến lên.

 

Tổng Bí thư đổi mới

Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên khai sinh là Nguyễn Văn Cúc (còn gọi là Mười Cúc), quê gốc tại làng Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Xuất thân trong một gia đình công chức, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sớm giác ngộ cách mạng, khi mới 14 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động cách mạng. Sinh ra và lớn lên ở miền bắc, theo cách mạng từ sớm, nhưng gần trọn cuộc đời, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chủ yếu hoạt động cách mạng và gắn bó với miền nam.

Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Bộ Chính trị cử làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, rồi được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tham gia Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đến tháng 12/1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, giữ trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới.

Đồng chí đã cùng với Trung ương có những đóng góp to lớn và quan trọng trong công cuộc đổi mới. Ngay từ khi giữ cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nắm bắt thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm của một số cơ sở có cách làm sáng tạo để đề xuất với Trung ương nhiều chủ trương mới trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh của thành phố; từng bước nâng cao đời sống nhân dân, tập trung lãnh đạo, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng quan hệ sản xuất mới, tạo điều kiện và mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất.


Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm xí nghiệp Công ty Hợp doanh Cao su Phạm Hiệp (thuộc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh), cơ sở thí điểm thực hiện Nghị quyết 306 của Bộ Chính trị về phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, ngày 6/2/1987.

Thực tế, trong những năm đầu tiến hành công cuộc đổi mới, sự hạn chế về năng lực, trình độ, cộng với sức ỳ tư duy là nguyên nhân chủ yếu làm cho tình hình đất nước vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, đồng chí luôn lưu ý: “Phải nhìn thẳng vào sự thật, phải thấy rằng thiếu sót chủ quan của chúng ta là nghiêm trọng và kéo dài. Phải có tinh thần dũng cảm tự phê phán mạnh mẽ và triệt để để đổi mới. Không như thế, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài với những tai họa thật sự - những tai hoạ không phải do bản chất chế độ chúng ta gây ra mà là do khuyết điểm của chúng ta gây ra”. [Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1988]

Khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, với niềm tin vững chắc vào tiền đồ chủ nghĩa xã hội, kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chỉ đạo soạn thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định, phát triển kinh tế đến năm 2000, được Đại hội lần thứ VII của Đảng năm 1991 thông qua.

Chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tháng 1/1989. (Ảnh: TTXVN)

"Những việc cần làm ngay"

Ngay từ những bước đầu tiên của sự nghiệp đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã sớm thấy những “căn bệnh” tham nhũng, lãng phí, quan liêu cản trở công cuộc đổi mới và ẩn chứa nhiều nguy cơ, có thể trở thành “quốc nạn” nên kịp thời đề xuất "Những việc cần làm ngay". Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật”, sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, với bút danh N.V.L., đã có các bài viết ngắn gọn đăng trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân.

Từ ngày 25/5/1987 đến 28/9/1990, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết 31 bài báo cùng với đầu đề “Những việc cần làm ngay”. Từ những việc cụ thể, các bài viết trong chuyên mục đã phê phán và yêu cầu xử lý kịp thời những vấn đề vừa cấp bách, vừa cơ bản, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Các bài trong chuyên mục đã nêu những vấn đề nóng hổi trong đời sống kinh tế-xã hội; trực diện chỉ ra những hiện tượng, hành vi tiêu cực của một số tập thể, cá nhân; phê phán thói quan liêu, vô trách nhiệm, lãng phí, đồng thời yêu cầu phải xử lý kịp thời và trả lời trước công luận.

Bài viết đầu tiên của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong chuyên mục "Những việc cần làm ngay" trên Báo Nhân Dân, đăng ngày 25/5/1987.

Trên tinh thần “lấy dân làm gốc”, lời nói đi đôi với việc làm, tác giả N.V.L. đề nghị các cấp, ngành, địa phương phải thực hiện công khai, tôn trọng những vấn đề, hiện tượng báo chí nêu, quần chúng kêu ca oán trách lâu ngày, mà lãnh đạo vẫn giữ thái độ “im lặng đáng sợ”, yêu cầu các cấp, các ngành nhìn thẳng vào sự thật, thực hiện công khai dân chủ, tập trung giải quyết những vấn đề do công luận lên tiếng một cách nhanh chóng, chính xác, triệt để; đồng thời cũng lưu ý trách nhiệm chính trị-xã hội rất lớn của các cơ quan truyền thông đại chúng, của người viết báo, phải có “động cơ trong sáng, tấm lòng chân thành và ý thức trách nhiệm cao” trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực và “phải có tấm lòng cương trực: Yêu người làm đúng, làm tốt để ca ngợi; ghét bọn làm xấu, làm sai, làm ác để lên án. Vai trò của nhà báo là đem ánh sáng trong lành tỏa rộng ra, đẩy lùi, thu hẹp và xóa dần bóng tối”. [Báo Nhân Dân: Sức sống “Những việc cần làm ngay”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, trang 8]

“Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L. đã tạo nên một phong trào hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo cán bộ và quân chúng nhân dân trong cả nước. Những phát hiện, kiến nghị mới đã được làm sáng tỏ và xử lý nghiêm minh. Một số vụ, việc thường giải quyết chậm trễ đã được sớm kết luận, xử lý và công bố công khai... Hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” trở thành nội dung quan trọng trong chương trình hành động của nhiều địa phương, nhiều ngành và trong phong trào cách mạng quần chúng; thể hiện rõ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra” trong công cuộc ngăn chặn, đẩy lùi, xóa bỏ tiêu cực và biểu dương, phát huy những mặt tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại Báo Nhân Dân, ngày 11/3/1991.

Đánh giá về sức sống “Những việc cần làm ngay”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, do mục tiêu, định hướng của “Những việc cần làm ngay” rõ ràng, gắn liền biểu dương với phê phán, hướng tới việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, “Những việc cần làm ngay” phải trở thành chương trình hành động của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị; thực hiện “Những việc cần làm ngay” với phong cách mới, giải quyết những vấn đề đặt ra một cách dứt điểm theo tinh thần nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, mở rộng tính công khai, dân chủ. [Báo Nhân Dân: Sức sống “Những việc cần làm ngay”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, trang 8-9]

"Do mục tiêu, định hướng của “Những việc cần làm ngay” rõ ràng, gắn liền biểu dương với phê phán, hướng tới việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, “Những việc cần làm ngay” phải trở thành chương trình hành động của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị; thực hiện “Những việc cần làm ngay” với phong cách mới, giải quyết những vấn đề đặt ra một cách dứt điểm theo tinh thần nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, mở rộng tính công khai, dân chủ."
                            Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG 

Với trọng trách là Tổng Bí thư nhiệm kỳ đầu đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã lãnh đạo triển khai thực hiện hiệu quả đường lối đổi mới mà Đại hội VI đã đề ra. Đặc biệt, trong bối cảnh các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên xô tan rã, Việt Nam bị bao vây cấm vận, cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội diễn ra nghiêm trọng, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo vượt qua khó khăn, kiên trì đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa với những bước đi và cách làm phù hợp hoàn cảnh của Việt Nam. Công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được thành tựu quan trọng, kinh tế xã hội phát triển, quốc phòng an ninh được tăng cường, củng cố, đời sống của nhân dân được cải thiện, quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Kết thúc thắng lợi nhiệm kỳ Đại hội VI, do tuổi đã cao, đồng chí Nguyễn Văn Linh xin không tiếp tục tham gia Ban Chấp hành khóa mới với lời hứa: “Dù không còn ở trong Trung ương nữa, nhưng với trách nhiệm là người đảng viên, tôi xin cố gắng cống hiến sự hiểu biết và kinh nghiệm nhỏ bé của mình cho cách mạng, cho Đảng cho đến hơi thở cuối cùng”. [Báo Nhân Dân, số ra ngày 30/4/1998]

Dù không còn ở trong Trung ương nữa, nhưng với trách nhiệm là
 người đảng viên, tôi xin cố gắng cống hiến sự hiểu biết và kinh 
nghiệm nhỏ bé của mình cho cách mạng, cho Đảng cho đến hơi
 thở cuối cùng.

                Tổng Bí thư NGUYỄN VĂN LINH

Đồng chí được Đại hội VII (1991), và Đại hội VIII (1996) cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cương vị mới, đồng chí tiếp tục nghiên cứu và có nhiều ý tưởng sáng tạo, đóng góp với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỏ rõ tinh thần, trách nhiệm của một người cộng sản, nêu cao tấm gương mẫu mực về đạo đức: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tinh thần lao động tận tụy hết mình vì cách mạng, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc.

Gần 70 năm hoạt động ở nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, trải rộng trên cả ba miền đất nước và được Đảng tin cậy giao phó nhiều trọng trách, dù ở đâu, làm công việc gì, ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng luôn hết lòng vì Đảng, vì dân, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và đã có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng. [Diễn văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh (1/7/1915-1/7/2015)]

Qua hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu đó đã khẳng định đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử và nguyện vọng của nhân dân, trong đó có vai trò và sự đóng góp hết sức quan trọng của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Công lao và cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã được Đảng và Nhà nước ta ghi nhận: “Từ tổng kết thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, đồng chí đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc thiết kế đường lối, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước… Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo nhạy bén, chủ động, sáng tạo khôn khéo, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới; đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, cải thiện đời sống nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”. [Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Khả Phiêu đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Văn Linh, ngày 29/4/1998]

 

Nội dung và trình bày: Trung Hưng
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN


Nguồn: Báo Nhân dân điện tử
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.068
Hôm qua : 1.586
Tháng 12 : 41.238
Năm 2024 : 977.936