A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển

CTTBTG - Bài viết phân tích làm rõ những luận điệu xuyên tạc, sai trái, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển; đưa ra những luận cứ đấu tranh bảo vệ những giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Bài viết đạt giải B Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai, năm 2022.

Phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển

Nhân dân Thủ đô Warsawa nhiệt liệt chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan (năm 1957) - Ảnh: hochiminh.vn

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tấn công vào tư tưởng Hồ Chí Minh (chiếm tỷ lệ 6,7% các nội dung xuyên tạc, chống phá)(1); chúng đã sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm xuyên tạc, phủ định, bài bác, vu khống, bịa đặt trắng trợn, thậm chí còn phỉ báng, kêu gọi phong trào “No Ho” hoặc khéo ngụy trang để đưa ra những thông tin sai lệch với tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển. Điều này đặt ra vấn đề phải đưa ra những luận cứ đấu tranh nhằm bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo những giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay.

1. Phản bác luận điệu cho rằng “không có tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hoặc là “hiện đại hóa” tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới

Những thành phần “xạo ngôn”, tỏ ý phân rã tư tưởng, ly khai lý luận đã lập luận theo lối ngụy biện nhằm phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hoặc cho rằng đó là “làm mới tư tưởng” để “lòe bịp thiên hạ”. Chúng đã và đang công kích mạnh mẽ vào những người cộng sản Việt Nam “tự huyễn hoặc”, “tự tô vẽ” nên “hình tượng vượt thời gian”, hoặc cho rằng tư tưởng của Người là “di sản nhập ngoại”, “rỗng tuếch” và “cũ rích”, bởi Hồ Chí Minh chỉ nói “vài ba luận điệu cách mạng”, là “yêng hùng một thời” của thế kỷ XX thì không thể có tư duy đổi mới. Có những phần tử cơ hội chính trị với chiêu bài “kiến nghị” để “tư vấn”, “góp ý” cho đất nước cần “thay đổi” chế độ “độc tài” thì mới giàu mạnh, dân chủ. Có những luận điệu tuyệt đối hóa “đánh đồng đổi mới của Việt Nam với cải tổ, cải cách ở Liên Xô”, hoặc “không cần đổi mới thì vẫn tiến bộ”, là “đỏ vỏ xanh lòng”, thực chất là phát triển theo chủ nghĩa tư bản. Có quan điểm cần “cập nhật” tư tưởng hiện đại như: “xã hội siêu công nghiệp”, “ý thức hệ toàn cầu”, “làn sóng thứ tư”... nhằm hướng lái đường lối, quan điểm đổi mới ở Việt Nam ngả theo phương Tây.

Sự thật là, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ít nói đến thuật ngữ “đổi mới” trong sự nghiệp của mình, nhưng chính ý thức trách nhiệm trước vận mệnh đất nước và dân tộc là động lực thôi thúc Người nung nấu tinh thần đổi mới từ rất sớm, nghiên cứu cái mới để đổi mới không ngừng, mà toát lên là tư duy đổi mới, đạo đức đổi mới, phong cách đổi mới và hành động đổi mới. Tư tưởng đổi mới của Người là hệ thống các quan điểm mang tính định hướng sâu sắc về sự thay thế cái cũ bằng cái mới tiến bộ, từ nhận thức mới để đổi mới đường lối, chính sách, phương thức hoạt động và tổ chức lực lượng thực hiện nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tự cường, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Di sản đổi mới của Người là sản phẩm của thời đại, chứ không chỉ giới hạn trong hoạt động tư duy và thực tiễn của Người.

Sự nghiệp của Hồ Chí Minh là sự nghiệp cách mạng, bản chất của cách mạng là đổi mới; đổi mới theo tôn chỉ có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Người khẳng định: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”(2). Thành công của Hồ Chí Minh trong tư duy đổi mới là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa cái phổ biến của thế giới với cái đặc thù của Việt Nam để thực hiện con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH ở một nước nghèo nàn, kém phát triển. Người thấu triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt những giá trị kinh điển phương Đông (bài học về cải cách, canh tân), tư tưởng đổi mới phương Tây (đặc biệt là tư tưởng khai sáng) và kế thừa, tiếp thu trực tiếp chủ nghĩa Mác - Lênin về tư tưởng đổi mới. Tư duy đổi mới của Người luôn bắt mạch từ thực tiễn và làm theo quy luật khách quan, giải quyết hiệu quả những đòi hỏi đặt ra theo nguyên tắc “chân lý là cụ thể nên cách mạng phải sáng tạo”, để kế thừa và phát triển, chứ không phủ nhận sạch trơn, không lý luận tư biện hay thực tiễn mù quáng. Người nói: “Tình hình mới đã đặt ra những nhiệm vụ mới, phương châm mới, sách lược mới... nhiệm vụ của ta do đó cũng có thay đổi, chính sách và khẩu hiệu cũng phải thay đổi, cho hợp với tình hình mới... không thể giữ cương lĩnh cũ”(3). Đó là bài học thực tiễn quý báu cho đảng cầm quyền trong nhận thức mới để đổi mới đường lối cho phù hợp.

Với những ai còn sử dụng luận điệu “bôi nhọ” Hồ Chí Minh thì hãy nhìn nhận một cách thấu đáo rằng: Người đã chỉ ra mục tiêu của cách mạng là: bắt đầu từ nhân dân, vì nhân dân, do nhân dân và trở về với nhân dân. Người đã khẳng định nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là trung tâm, vừa là nhân tố quyết định của đổi mới; có lực lượng dân chúng thì việc to tát mấy, khó khăn đến đâu cũng giải quyết được. “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”(4), phải dựa chắc vào nhân dân vì “dân là gốc”, để học - hỏi - hiểu dân chúng, phát huy tinh thần tự chủ - tự lập - tự quyết của dân tộc. Trong sự nghiệp đổi mới, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải đem tài dân, sức dân, kinh nghiệm và sáng kiến của dân để làm lợi cho dân.

Đúng như Serafin D. Quiason (Philíppin) đánh giá: “Hiếm người châu Á nào lại đóng một vai trò quan trọng như vậy trong việc tạo dựng một dân tộc mới như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cả sự nghiệp của mình, Người luôn luôn xuất phát từ tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân, vừa bằng những kiến thức uyên bác, kinh nghiệm và tài nghệ của mình, vừa bằng sự tận tâm và liêm khiết, để giành được sự kính trọng và biết ơn của nhân dân... Người thực sự là một người châu Á của tất cả các thời đại với ý nghĩa đầy đủ nhất của nó”(5).

Trong quá trình tư duy đổi mới, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến tổ chức và thiết chế của đổi mới, trong đó, Người khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là linh hồn và tiên phong trong công cuộc đổi mới. Trách nhiệm chính trị của Đảng là phải có chỉ thị, nghị quyết đúng, kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để “tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”. Tổ chức Đảng phải thật sự “thanh khiết” và “đoàn kết”; thực hiện tốt những nguyên tắc: Tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình; hoạt động theo đúng pháp luật; có tinh thần đoàn kết, kỷ luật, thống nhất...

Người yêu cầu công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng phải được thực hiện một cách thường xuyên, nghiêm túc trên các mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức trong mọi giai đoạn cách mạng. Tập trung công tác bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên, vì đây là “công việc gốc của Đảng”, đi đôi với việc phòng, chống “chủ nghĩa cá nhân”, vì Đảng “không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”, mà phải vì lợi ích của toàn dân tộc. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là lý luận khoa học và kinh nghiệm thực tiễn của nhiều đảng, nhiều quốc gia. Hiện nay, trên thế giới không có nước nào là không có đảng hoặc tổ chức chính trị tương tự lãnh đạo. Dù một đảng hay đa đảng đều rất chú ý về xây dựng tổ chức, củng cố lực lượng và định hướng phát triển. Trên cơ sở vận dụng những giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã tổng kết bài học “đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”(6).

Tư duy mới của Người về xây dựng Nhà nước phải thực sự của dân, do dân và vì dân, có hệ thống pháp luật dân chủ và điều hành, quản lý xã hội một cách nghiêm minh, công bằng, kỷ cương. Cho nên, những thành kiến về dân chủ ở Việt Nam cần phải nhìn nhận cho đúng rằng: Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (năm 1945), Người đã quyết tâm “diệt” 3 thứ giặc (“đói”, “dốt”, “ngoại xâm”), làm cho dân biết đọc, biết viết, có kiến thức về chính trị và xã hội để phát huy dân chủ; lên án thói “cả vú lấp miệng em” trong việc ngăn cản nhân dân phê bình cán bộ; Người kêu gọi phong trào xây dựng “đời sống mới”, xóa bỏ các tệ nạn xã hội như: mê tín dị đoan, thói ăn bám xã hội.

Quan điểm và thực hành dân chủ của Người cho thấy mục tiêu là đem lại nhu cầu cơ bản cho nhân dân, “có sự cân bằng giữa quyền cá nhân và quyền tập thể, giữa quyền lợi và trách nhiệm... tiến bộ xã hội đòi hỏi sự tham gia tích cực của nhân dân, sự hiểu biết của nhân dân về các lợi ích của việc thực hành dân chủ cho mỗi cá nhân và tập thể, và sự đóng góp vào xã hội để đem lại các sự thay đổi tích cực này”(7).

Trong chế độ mới, Người đặc biệt quan tâm xây dựng chiến lược đại đoàn kết dân tộc thành một khối thống nhất và bền vững. Do vậy, Người đề cao phương pháp đoàn kết “hết thảy” trong Mặt trận dân tộc thống nhất; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục với tinh thần “cầu đồng, tồn dị” và “tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”, cảm hóa, “khoan hồng đại độ”, bảo đảm hài hòa quyền lợi các giai tầng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Đây là chủ trương sáng tạo, thể hiện tư duy mới, nhạy bén và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Những luận điệu chống phá, phủ nhận thành tựu đổi mới hiện nay tập trung vào công kích chế độ, xuyên tạc, phủ nhận sự cống hiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới hiện nay là quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, theo tấm gương và cách làm của Người để dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những thành tựu to lớn của đất nước hơn 35 năm qua là minh chứng việc kiên định tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới và con đường đổi mới ở Việt Nam là đúng đắn, là tất yếu khách quan và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.“Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(8).

Đất nước đang bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, đòi hỏi tiếp tục thấm nhuần sâu sắc di sản đổi mới của Hồ Chí Minh, Đảng và dân tộc nâng tầm đổi mới ở một trình độ mới, nắm vững phương pháp luận và nguyên tắc đổi mới để không ngừng “tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”(9) như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra.

2. Phản bác luận điệu cho rằng không có hoặc có chăng chỉ là “gán ghép” tư tưởng hội nhập cho Hồ Chí Minh

Có một số phần tử có quan điểm phiến diện, cố tình quy chụp, cắt xén không đúng theo nguyên văn, nguyên bản về một số công trình đã công bố của học giả trên thế giới, nhằm khẳng định rằng Hồ Chí Minh đã “nỗ lực xin xỏ” quốc tế ủng hộ Việt Nam, chứ không có quan điểm hội nhập. Đó là “di họa khủng khiếp của Hồ” về một chế độ độc tài toàn trị, không có “tự do” trong quan hệ quốc tế, không có “liêm”, “chính” trong hợp tác quốc tế.

Rõ ràng là, khái niệm “hội nhập quốc tế” được sử dụng nhiều trên thế giới từ giữa thập niên 1990 trở lại đây, trong bối cảnh Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và tích cực tham gia vào các định chế, tổ chức thế giới và khu vực. Nhưng trong các bài nói, viết của Hồ Chí Minh thường sử dụng khái niệm đoàn kết và hợp tác quốc tế. Thực chất đó là hội nhập quốc tế, bởi vì hội nhập quốc tế là hình thức phát triển cao của hợp tác quốc tế, là quá trình chủ động chấp nhận, áp dụng và tham gia xây dựng các luật lệ và chuẩn mực quốc tế nhằm phục vụ tối đa lợi ích dân tộc.

 Trong bối cảnh kháng chiến chống thực dân, đế quốc hùng mạnh, để tạo sức mạnh tổng hợp cho giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ mới, nên chủ trương của Người kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ của nước ngoài là đúng đắn, hợp lý, hợp tình. Người đã sớm đặt vấn đề mở rộng quan hệ quốc tế theo hướng đa phương và đa dạng nhằm phát huy hết tiềm năng nội lực chấn hưng đất nước. Điểm mới trong tư tưởng của Người về hội nhập là: Tầm nhìn mở rộng ra toàn thế giới; quan điểm hội nhập rộng rãi tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam hợp tác quốc tế(10). Vì vậy, ngay từ năm 1946, Người gửi thư cho Đại hội đồng Liên hợp quốc và các nước lớn thể hiện nguyện vọng Việt Nam gia nhập vào tổ chức Liên hợp quốc với trách nhiệm cao là giữ gìn hòa bình, chống áp bức, bất công. Cho đến Di chúc cuối đời, Người vẫn mong muốn các quốc gia và các đảng anh em đoàn kết lại, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Các thế lực thù địch đã tỏ ra không hiểu và cố tình suy diễn tư tưởng và cống hiến vĩ đại của Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế thì họ cần nghiên cứu, tìm hiểu cho thấu đáo quá trình hoạt động cách mạng của Người. Đặc biệt, trong thời gian 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Người đã sớm phát hiện và đấu tranh với những thủ đoạn thâm độc của chủ nghĩa thực dân là chia cắt, ngăn cách, tạo mâu thuẫn khiến các dân tộc không liên kết, hợp tác lẫn nhau.

Người đã “thấy rõ âm mưu đen tối phía sau quan điểm của thuyết hiện đại (modernization theory) đầy sự “vị tha”, giúp đỡ mà phương Tây đưa ra... Nhưng sự hiểu biết này, như quan điểm của thuyết phụ thuộc (dependency theory) đưa ra, chỉ là “những điều cần biết”. Điều quan trọng tiếp theo là “những việc cần làm”(11). Và Người đã “nói đi đôi với làm” giúp cho Việt Nam từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập hoàn toàn, có điều kiện thuận lợi để hội nhập quốc tế. Đó là hội nhập chân thành, không phân biệt màu da, dân tộc, đề cao lương tri và phẩm giá con người.

Quan điểm của Người được xem như bản thông điệp sống động nhắc nhở các đảng chính trị, quốc gia trong chiến lược và mục tiêu gìn giữ cái cao quý nhất là thành quả độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc trước xu thế phát triển của thời đại. Vì thế, bà Katherine Muller-Marin (Costa Rica) đã khẳng định: “Hồ Chí Minh là một vĩ nhân có nhãn quan siêu việt, người đã tiên đoán được sự phát triển vĩ đại của dân tộc này và do đó, đã góp phần xây dựng một phong cách mới của ngoại giao Việt Nam, một phong cách đã giúp Việt Nam xác lập thành công vị trí của mình ở khu vực và trên thế giới, hết sức phù hợp với những khái niệm về hợp tác hòa bình và hiểu biết lẫn nhau trên thế giới được UNESCO quảng bá”(12).

Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giá trị dân tộc - nhân loại - thời đại, là hệ giá trị (lý tưởng và hiện thực) mang tầm vóc toàn cầu. Vì vậy, tư tưởng về hội nhập của Người luôn có sức sống lâu bền, sức sáng tạo và “mang tính chất thời đại chứ không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với riêng Việt Nam”(13) - như đánh giá của giáo sư Furuta Moto (Nhật Bản).

Người đã mở ra cho nhân loại một đường lối hội nhập tự chủ, bình đẳng, đối thoại thay cho đối đầu và hợp tác hài hòa về lợi ích dân tộc và quốc tế, không gây thù oán với một ai. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là phương pháp luận hội nhập cốt lõi của Người để nhận thức và hành động trong thế giới đầy biến động hiện nay. Tư tưởng hội nhập của Người càng có ý nghĩa và trở thành bài học quốc tế khi chủ nghĩa quốc tế còn tồn tại, chủ nghĩa bành trướng bá quyền vẫn hiện hữu; thế giới có nước lớn, nước nhỏ, nước giàu, nước nghèo, nước phát triển và nước kém phát triển, giao lưu và hợp tác, với những tồn tại, mâu thuẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột, tranh chấp, chiến tranh. Như đánh giá của Thủ tướng Indira Gandhi (Ấn Độ), Người “là một nhà lãnh đạo mềm dẻo mà vĩ đại và kiên định”(14).

Những kẻ “có mắt không tròng” cần phải tường minh rằng, đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế là tạo nên nền tảng lý luận cho đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thế giới biết đến Người với đường lối “ngoại giao tâm công” (đánh vào lòng người, thể hiện tính nhân văn, chính nghĩa). Người nêu rõ chính sách đối ngoại đối với tất cả các nước trên thế giới là Việt Nam thiết tha mong muốn duy trì tình hữu nghị, thành thật hợp tác “trên cơ sở bình đẳng và tương trợ để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài” và “sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”(15). Trong suốt sự nghiệp cách mạng, Người đã liên tục gửi thông điệp hòa bình đến toàn thế giới qua con đường thuyết phục, thương lượng và hợp tác.

Trong “một thế giới phẳng” ngày nay, không một quốc gia nào, dù lớn mạnh đến đâu, cũng không thể đứng ngoài hành tinh, mà phải có sự hợp tác để phát triển. Hội nhập quốc tế phải thật sự chân thành, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi là hoàn toàn đúng đắn và trở thành thông điệp cho một thế giới tin tưởng, bình đẳng, hợp tác lẫn nhau, chứ không được lợi dụng danh nghĩa “lợi ích quốc gia, dân tộc” để làm điều kiện “đổi chác” với nước ngoài hoặc “đóng cửa” tự chủ, tự thủ. Trong những tình huống sách lược, chỉ có thể hy sinh “quyền lợi bộ phận” (lợi ích nhóm), chứ không được ngộ nhận và hy sinh quyền lợi quốc gia, dân tộc. Vì vậy, hội nhập quốc tế là vì sự nghiệp của quốc gia - dân tộc.

Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập mà thế giới không thể lãng quên là hợp tác chủ động, toàn diện, tôn trọng lẫn nhau trên nguyên tắc có đi có lại, “giúp bạn tức là tự giúp mình”. Người đã nêu rõ hội nhập của Việt Nam, theo các nguyên tắc quốc tế đã được Hiến chương Liên hợp quốc ghi nhận, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới sau chiến tranh; phù hợp với nguyện vọng của nhân dân các nước.

Người tuyên bố: “nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”(16). Người đặc biệt coi trọng 5 nguyên tắc chung sống hòa bình do Hội nghị đại biểu 29 nước Á - Phi họp ở Băngđung (Inđônêxia) thông qua tháng 4 - 1955. “Chúng tôi tin tưởng rằng báo chí có lương tri trên thế giới sẽ cho công luận thấy rõ sự thật ở Việt Nam...”(17).

Người khẳng định thiện chí của Việt Nam là: “Chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu, đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia”(18). Qua đây, Người chỉ ra một chân lý rằng, hội nhập không chỉ ở những quốc gia có cùng chế độ chính trị, mà còn có thể và cần phải được thực hiện giữa các quốc gia có chế độ chính trị không giống nhau, nhằm mang lại lợi ích cho các bên, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, giữ vững hòa bình, ổn định trên thế giới. Đúng như nhà báo Đêvít Hanbextam đã nhận xét: “Bằng sự lãnh đạo và sáng suốt của mình, Cụ Hồ Chí Minh đã giúp biến đổi cả một thời đại”(19).

Vì thế, đến năm 2020, Việt Nam có 30 đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện, có quan hệ ngoại giao với 189/193 nước, có quan hệ kinh tế với 160 nước và 70 vùng lãnh thổ; Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát triển quan hệ ở nhiều mức độ khác nhau với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, trong đó 96 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 28 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính(20).

Như vậy, những cống hiến to lớn có ý nghĩa bền vững về hội nhập quốc tế của Hồ Chí Minh đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tư tưởng của “một người quốc tế vĩ đại với nhãn quan thế giới”(21), làm cho các dân tộc hiểu biết nhau hơn, tin cậy nhau và hợp tác cùng có lợi.

3. Phản bác luận điệu phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển

Thế lực thù địch đã gán ghép, giật tít câu like rằng, Bác Hồ đã “tạo ra internet”; chỉ có những doanh nghiệp “cá mập” mới phát triển được ở Việt Nam;... và xuyên tạc về đường lối phát triển là sai lầm, chế độ Việt Nam chỉ “dung dưỡng” cho doanh nghiệp nhà nước phát triển; cán bộ thì “ra sức phá hoại thật nhiều”;... Những quan điểm sai trái, thù địch đã lấy hiện tượng làm bản chất, gây nghi kỵ, dùng lời lẽ dung tục để nói về những thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam và xuyên tạc nhiều sự thật Hồ Chí Minh.

Những kẻ phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh không thể xóa nhòa những di sản của Người có tính đột phá về lý luận và kiến giải thực tiễn cho Việt Nam độc lập, tự cường và khát vọng phát triển. Trong toàn bộ di sản của mình, Người sử dụng cụm từ “phát triển” tới hơn 1.500 lần, cho thấy lý tưởng sâu xa của Người là một hệ thống tư tưởng để hướng tới độc lập, phát triển và triết lý phát triển này là một quá trình liên tục nhằm hoàn thiện hạnh phúc con người.

Bởi vì, Người đã ý thức rằng: Độc lập, tự do là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và hạnh phúc con người, nhưng việc “thắng bần cùng và lạc hậu” còn rất nhiều khó khăn. Người nói: “Xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả”(22). Tuy nhiên, trong một số bình luận thiếu thực tế đã khẳng định quan điểm này của Người không phù hợp trong điều kiện hiện nay. Đó là một thiếu sót lớn nếu cho rằng Hồ Chí Minh không nghĩ đến sự biến đổi không ngừng của tình hình thế giới và Việt Nam.

Di sản Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm phát triển hài hòa, toàn diện các mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Trong lãnh đạo, quản lý, Người luôn đặt ra mối quan hệ giữa các yếu tố trong sự phát triển: dân tộc và giai cấp; truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, con người và thiên nhiên.

Người có tầm nhìn “vượt gộp” về phát triển bền vững gắn với “hòa bình thế giới”, bảo vệ môi trường sinh thái, “trồng cây” và “bảo vệ rừng”(23). Theo Người, đất nước muốn phát triển cường thịnh, tất yếu phải hội tụ yếu tố bên trong (nội lực) và bên ngoài (ngoại lực) nhằm phát huy tối đa những động lực, tự cường của dân tộc và sức mạnh của thời đại để phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Người có quan điểm rất sâu sắc về động lực của sự phát triển là động lực con người, là trí tuệ con người, là “mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình”. Người nói: “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ”(24). Cho nên, trách nhiệm của Đảng vừa phải lo việc đổi mới kinh tế và văn hóa tiên tiến, vừa quan tâm đến an sinh, phúc lợi và sự phát triển công bằng cho nhân dân.

Trên thế giới hiện nay, chủ nghĩa tư bản đang chiếm đại đa số các quốc gia và có nhiều thành tựu to lớn, tác động thay đổi kinh tế - xã hội của nhân loại, không thể phủ nhận những giá trị của tư bản mang lại cho thế giới, nhưng cũng không thể cuồng ngôn coi tư bản là “mãi mãi tốt đẹp”, bởi vì chủ nghĩa tư bản vẫn tồn tại những mâu thuẫn không thể điều hòa được.

Nhà khoa học Terry Eagleton (người Anh) đã đánh giá rằng: “Những nước tư bản hiện đại là kết quả của một lịch sử nô dịch, diệt chủng, bạo lực và bóc lột một cách ghê tởm”(25). “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra”(26).

Mặc dù, chủ nghĩa tư bản đã có sự điều chỉnh để thích nghi với điều kiện ngày nay, nhưng với những hạn chế, khuyết tật về sự xung đột, khủng bố, bạo lực và bất ổn xã hội, khủng hoảng kinh tế, bất bình đẳng xã hội... vẫn không thay đổi, mà diễn ra hết sức gay gắt và phức tạp. Thậm chí, như đánh giá của học giả Allen W. Wood cho rằng: “Phần lớn mọi người đều cho rằng Mỹ là quốc gia giàu có nhất trên thế giới, nhưng đó cũng là quốc gia bất bình đẳng nhất trên thế giới: 400 người giàu nhất nước Mỹ sở hữu khối lượng tài sản cao hơn tổng số tài sản của 150 triệu người nghèo nhất”(27), hay như John F. Weeks đã chứng minh nền kinh tế tư bản: “99% trở thành nô lệ cho 1%”(28) là người giàu có.

Với những mâu thuẫn mang tính bản chất như trên, cùng sự vận động của quy luật xã hội, xu hướng diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản vẫn là vấn đề thời sự từ thời Mác tới nay. Trong khi, mục tiêu phát triển của CNXH như Hồ Chí Minh khẳng định là “không có người bóc lột người, mọi người sung sướng, vẻ vang, tự do, bình đẳng, xứng đáng là thế giới của loài người”(29). Chính vì vậy, tiến sĩ Nguyễn Đài Trang (Canađa) viện dẫn quan điểm của học giả Nimi Wariboko (Mỹ) để đánh giá về cống hiến có giá trị vĩnh hằng của Người: “Các tiến bộ xã hội đem lại từ chủ nghĩa hoạt động chính trị của các lãnh tụ như Hồ Chí Minh xứng đáng được công nhận vì tầm nhìn cho tương lai, trong đó lòng quyết tâm đạt đến sự kiệt xuất sẽ đem đến “sự nâng cao khả năng con người, sự hoàn thiện về chất lượng cuộc sống, sự liên hệ ngày càng chặt chẽ giữa các cá nhân và các dân tộc”(30).

Thế lực thù địch phản động đã liên tục phê phán quan điểm phát triển kinh tế của Hồ Chí Minh, chúng xuyên tạc rằng: Kinh tế thị trường và XHCN như “nước với lửa”, khác với kinh tế tư bản; rằng Hồ Chí Minh đã “bóp chẹt” kinh tế tư nhân. Nhưng thực tế thì thế nào?!

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế chứa đựng những tư tưởng mới, khoa học, hiện đại, có ý nghĩa thời sự và giá trị định hướng sâu sắc trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay. Đánh giá cao vai trò của kinh tế tư nhân, Người khẳng định: “Công tư đều lợi... Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên Chính phủ cần giúp họ phát triển”(31).

Kế thừa và vận dụng quan điểm đó, Đảng, Nhà nước ta ban hành nhiều văn bản, như: Nghị quyết số 14-NQ/TW (khóa IX); Nghị quyết số 10 -NQ/TW (khóa XII), Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 11-10-2019;...) coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, lớn mạnh về quy mô, nâng cao về chất lượng”(32) và xóa bỏ mọi rào cản, định kiến cho kinh tế tư nhân phát triển. Những chủ trương, chính sách, pháp luật được ban hành; kinh tế phát triển; đời sống nhân dân được nâng cao, thu nhập tăng lên là minh chứng thuyết phục nhất để đập tan mọi hoài nghi hay phủ nhận của thế lực thù địch. Kinh tế thị trường là thành tựu chung của loài người, chúng ta phát triển kinh tế nhưng gắn với công bằng xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội.

Tính đến tháng 12-2018, Việt Nam có 591.499 doanh nghiệp tư nhân (96,9% tổng số doanh nghiệp cả nước), tạo ra khoảng 42% GDP, đóng góp 30% ngân sách Nhà nước, thu hút số lao động gần 85%(33). Định hướng phát triển kinh tế ở Việt Nam cho phép vừa hợp tác, vừa cạnh tranh bình đẳng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ dạy, không có chuyện hạn chế cạnh tranh trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực.

Kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự tổng kết lý luận rất cơ bản, sáng tạo, đổi mới của Đảng, có kế thừa truyền thống dân tộc và kinh nghiệm của nhân loại. Năm 2020, quy mô GDP Việt Nam đứng thứ 44 thế giới, thứ 4 Đông Nam Á; thương hiệu quốc gia Việt Nam là thương hiệu tăng giá trị nhanh nhất thế giới; là tốp 10/163 nước “đáng sống nhất thế giới; đứng thứ 83/128 nước trong xếp hạng các nước an toàn nhất; xếp thứ 94/156 nước trong Bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc; có 90 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường(34). Qua 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, to lớn và toàn diện. Kinh tế phát triển đi liền với ổn định chính trị - xã hội, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân; uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Những thành tựu đạt được đã tiếp tục khẳng định con đường phát triển lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, là minh chứng không thể chối cãi của việc kiên định vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Như vậy, với tầm nhìn chiến lược và khát vọng của Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển, đã và đang định hướng cho khát vọng Việt Nam hùng cường. Do đó, cần phải tiếp tục nghiên cứu một cách sâu sắc và bảo vệ giá trị bền vững của di sản Hồ Chí Minh, đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, sai trái. Như học giả Rơnêđibet (Mỹ) đánh giá rằng: “Những ai muốn biết thế nào là con người chân chính, đâu là vẻ đẹp của thế giới, đâu là sự thắng lợi của lý tưởng trên trái đất này, đâu là mùa xuân, thì phải tìm hiểu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tìm hiểu cuộc sống mẫu mực của người anh hùng này của thời đại chúng ta”(35).

_________________

 

(1) Đỗ Thị Thu Hằng, Lương Khắc Hiếu (Đồng chủ biên): Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.158.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.284.

(3), (22), (31) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.550-551, 55, 267.

(4), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.232, 311.

(5) Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.106-107.

(6) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.29.

(7), (11), (30) Nguyễn Đài Trang: Hồ Chí Minh - Nhân văn và phát triển, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr.163-164, 236, 171.

(8), (32) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.33, 45.

(9) Ban Tuyên giáo Trung ương: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.28.

(10) Phạm Ngọc Anh, Bùi Đình Phong (Đồng chủ biên):  Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển, Nxb Lao động, Hà Nội, 2018, tr.231.

(12) Mạch Quang Thắng, Bùi Đình Phong, Chu Đức Tính (Đồng chủ biên): UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr.202.

(13), (14) Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia -Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam: Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.29, 175.

(16), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.523, 86.

(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.255.

(19) Viện Quan hệ quốc tế: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990, tr.242.

(20) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Sổ tay công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2022, tr.101.

(21) Đánh giá của W. E. Gollan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Úc, trong sách của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc Việt Nam và bầu bạn quốc tế, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.156.

(23) Phan Ngọc Liên: Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh với thời đại, Nxb Lao Động, Hà Nội, 1993, tr.118-119.

(24), (29) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.402, 70.

(25) Terry Eagleton: Tại sao Mác đúng?, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2012, tr.40.

(26) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.68.

(27) Allyn Fives và Keith Breen (Chủ biên): Triết học và sự tham gia chính trị: Nhìn từ lĩnh vực công, Nxb Palgrave Macmillan (theo nguồn phòng khai thác và phổ biến tin của Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), 2016.

(28) John F. Weeks: Kinh tế học của 1% bằng cách nào kinh tế học chính thống đã phục vụ người giàu, làm mơ hồ thực tế và bóp méo chính sách, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.307.

(33) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2020, tr. 39.

(34) Xem: https://vtv.vn/video/doi-dien-phan-bac-xuyen-tac-ve-chu-nghia-xa-hoi-508225.htm?, truy cập ngày 26-6-2022.

(35) Chương trình KX.02 “Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đề tài KX.02.09 (1993), Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay (qua sách báo nước ngoài), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I - Viện Thông tin khoa học xã hội thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, tr.102.

TS LÊ TRUNG KIÊN

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


Nguồn: Tapj chí Lý luận Chính trị
Thống kê truy cập
Hôm nay : 397
Hôm qua : 1.310
Tháng 12 : 41.877
Năm 2024 : 978.575