A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - Sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam

CTTBTG - Sau thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam nổ ra từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc. Sớm nhận thấy con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc. Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, với tên gọi Văn Ba, từ bến cảng Nhà Rồng đã quyết tâm rời Tổ quốc thân yêu ra đi tìm đường cứu nước.

Ở nước ngoài, Nguyễn Tất Thành làm nhiều nghề, tham gia cuộc vận động cách mạng của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập tự do của dân tộc mình.

Ngày 18/6/1919, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người đã thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây (Versailles) bản yêu sách, đòi Chính phủ các nước họp Hội nghị phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Năm 1920, tại Đại hội Tua, Người đã tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1921, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp; năm 1922 xuất bản tờ báo Người cùng khổ ở Pháp. Năm 1923, Người được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người tham gia Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được chỉ định là ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Năm 1925, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á; xuất bản cuốn sách nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp...

 

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp - tháng 12/1920 (Ảnh: Tư liệu)

Sau gần 10 năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đi đến nhiều châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các nước tư bản chủ yếu và nhiều nước thuộc địa của chúng. Sớm nhận thức được xu hướng phát triển của thời đại, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa. Người nói: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.

Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng của những người cộng sản Việt Nam, năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức Cộng sản Đoàn làm nòng cốt, đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Năm 1929, nhiều tổ chức cộng sản đã ra đời ở Việt Nam: Đông Dương Cộng sản Đảng; An Nam Cộng sản Đảng; Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Ngày 03/02/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập.

Từ năm 1930 - 1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ. Năm 1941, Người về nước triệu tập Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, chỉ đạo thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (1946) đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đập tan âm mưu đen tối của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng.

Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành thắng lợi vẻ vang, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” (1954). Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch tiếp tục lành đạo Nhân dân ta thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tố quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Quốc hội khóa II, khóa III bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối đúng đắn lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của Nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; lãnh đạo sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; đặt nền móng và không ngừng vun đăp tình hữu nghị giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc trên thế giới, giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.

Có thể khẳng định, trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vô cùng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự kiện ngày 5/6/1911 là sự kiện lịch sử quan trọng, bước mở đầu cho cách mạng Việt Nam chuẩn bị đi vào con đường cách mạng vô sản, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân và tinh thần đấu tranh vì lợi ích dân tộc của toàn nhân loại.


Nguồn: Ban Nội chính Trung ương
Thống kê truy cập
Hôm nay : 594
Hôm qua : 2.936
Tháng 09 : 37.593
Năm 2024 : 771.001