A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lịch sử ngày thương binh liệt sỹ 27/7

CTTBTG-Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Tuy nhiên, do chính quyền cách mạng còn non trẻ nên thực dân Pháp đã âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Thực dân Pháp đã vào thay thế Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ và âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn nền độc lập cho đất nước, toàn quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng ở những nơi có thực dân Pháp chiếm đóng. Nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương và vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nỗi đau bao trùm lên toàn dân tộc, nhiều gia đình mất đi cả chồng và các con. Nhiều người vợ trẻ chỉ hưởng hạnh phúc vỏn vẹn trong một ngày. Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, Chính quyền Việt Nam đã xúc tiến vận động thành lập một tổ chức, lấy tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn.

 

 

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), Hà Nội và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mời làm hội trưởng danh dự của Hội giúp binh sĩ tử nạn. Chiều ngày 28/5/1946, Hội “Giúp binh sĩ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ Chủ Tịch đã tới dự.

Cũng trong năm 1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức Lễ xung phong “Mùa đông binh sĩ”, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ” trong cả nước để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự buổi lễ và Người đã cởi chiếc áo đang mặc để tặng binh sĩ.

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn một ngày nào đó làm ngày để tri ân các thương binh, liệt sĩ. Tại cuộc họp này các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27/7 là ngày Thương binh toàn quốc. Từ đó hàng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.

Đặc biệt, từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sĩ.  Từ tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi ngày Thương binh toàn quốc thành ngày Thương binh - Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

Tuổi trẻ Hà Giang chung tay hưởng ứng các hoạt động đền ơn đáp nghĩa

Đối với tỉnh Hà Giang, trải qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Đến nay, toàn tỉnh có 2.165 liệt sỹ; 1.779 thương binh, bệnh binh; 1.092 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 11 người hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày; 46 người có công với cách mạng; 196 cán bộ tiền khởi nghĩa; 4 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 69 mẹ Việt Nam Anh hùng. Mặc dù là tỉnh miền núi biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua tỉnh luôn quan tâm triển khai thực hiện công tác đối với gia đình chính sách, người có công với cách với những việc làm cụ thể: Đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ; huy động các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng và phát triển Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sỹ già yếu, cô đơn, con liệt sỹ mồ côi, giúp gia đình chính sách xây dựng nhà ở, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế... Những việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó đã thể hiện tinh thần dân tộc, truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, sự vào cuộc có trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, việc làm đó cần tiếp tục được nhân rộng và phát huy.

 


Tác giả: Nguyễn Yến
Thống kê truy cập
Hôm nay : 253
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.403
Năm 2024 : 570.749