KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH: NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ VÀ BÀI HỌC CÒN MÃI VỚI THỜI GIAN
Ngày 19/5/2025, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thành kính kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người là bản anh hùng ca sống động, để lại những dấu ấn lịch sử sâu đậm, soi đường cho dân tộc ta vững bước trên hành trình độc lập, tự do, hạnh phúc.
Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hành trình tìm đường cứu nước: Dấu ấn mở đầu cho một thời đại mới
Ngày 05/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng, bắt đầu hành trình 30 năm bôn ba qua nhiều châu lục để tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Không giống những con đường cũ, Người không chọn con đường dựa vào Pháp hay Nhật, mà hướng tới chủ nghĩa Mác – Lênin, đến với ánh sáng của cách mạng vô sản. Sự kiện này không chỉ là bước ngoặt trong cuộc đời của Người, mà còn mở ra bước ngoặt lịch sử của dân tộc Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam gắn với phong trào cách mạng thế giới.
Bến cảng Nhà Rồng nơi đánh dấu sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.
Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - kết tinh của lý luận và thực tiễn cách mạng
Ngày 03/02/1930, tại Hồng Kông, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam - chính đảng cách mạng chân chính đầu tiên của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động Việt Nam. Đây là dấu mốc vĩ đại, xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời thể hiện tầm vóc chiến lược và tư duy tổ chức thiên tài của Người. Đảng ra đời đã đưa phong trào cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới - thời kỳ có đường lối đúng đắn, có tổ chức chặt chẽ, có lãnh tụ uy tín.
“Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản.”
(Nguyễn Ái Quốc, năm 1920)
Cách mạng Tháng Tám 1945: Dấu ấn chói lọi của trí tuệ, bản lĩnh và ý chí dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. (Nguồn: Tư liệu)
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công vang dội, đánh đổ ách thống trị hơn 80 năm của thực dân - phong kiến, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một quốc gia độc lập, tự do. Đây là dấu mốc đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc ta trên bản đồ chính trị toàn cầu.
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập.”
Kháng chiến và kiến quốc: Dấu ấn của tầm nhìn chiến lược và đạo đức cách mạng cao cả
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là linh hồn, là ngọn cờ dẫn dắt toàn dân, toàn quân chiến đấu vì độc lập, tự do. Người không chỉ là người chỉ huy tối cao về tinh thần, mà còn là hình tượng của lòng yêu nước, của lối sống cần - kiệm - liêm - chính - chí công vô tư. Dù giữa bộn bề gian khó, Người vẫn dành nhiều tâm huyết cho việc xây dựng Đảng vững mạnh, chăm lo đào tạo thế hệ kế thừa, giữ gìn mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.
“Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.”
(Trích Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1969)
Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh – ánh sáng soi đường cho cách mạng hôm nay
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá. Đó không chỉ là kim chỉ nam cho công cuộc đổi mới, mà còn là nguồn động lực thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Những dấu ấn trong cuộc đời Người là minh chứng sinh động cho bản lĩnh kiên cường, tư duy khoa học và tâm hồn nhân văn của một lãnh tụ vĩ đại - suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì Nhân dân, vì tương lai Việt Nam.
“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.”
“Phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.”
Sông Sài Gòn dưới ánh đèn lung linh của thành phố
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại những trang sử vẻ vang gắn với tên tuổi Người. Càng hiểu sâu sắc những dấu ấn ấy, chúng ta càng thêm tự hào, thêm tin tưởng và kiên định trên con đường Người đã chọn: Con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ngạc Văn Tuấn - Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy