Kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam
CTTBTG - Ngày 27/2/1955, Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị cán bộ y tế đầu năm 1955 và căn dặn ba điều:
- Trước hết là phải thật thà đoàn kết – Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.
Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sỹ, dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.
- Thương yêu người bệnh – Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.
Vì vậy , cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. "Lương y phải như từ mẫu", câu nói ấy rất đúng.
- Xây dựng một nền y học của ta – Trong những năm nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học cần phải dựa trên nguyên tắc: khoa học dân tộc và đại chúng.
Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quí báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc "Đông" và thuốc "Tây".
Thư của Hồ Chủ tịch gửi Hội nghị cán bộ y tế đầu năm 1955 (Ảnh tư liệu)
Với ý nghĩa sâu sắc đó, năm 1985 Đảng và Nhà nước ta đã quyết định lấy ngày 27/2 hàng năm là Ngày thầy thuốc Việt Nam. Trải qua các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc đã có biết bao thế hệ cán bộ, nhân viên ngành y tế đã có mặt trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc để phục vụ sức khỏe bộ đội và nhân dân; đã có không ít người đã để lại một phần cơ thể mình nơi chiến trường, mang trong mình những căn bệnh quái ác do chất độc hóa học của chiến tranh, thậm chí nhiều người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường mà không bao giờ trở lại.
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cán bộ và nhân viên ngành y tế tiếp tục học tập, nghiên cứu khoa học và cứu chữa người bệnh, đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế, xã hội. Có rất nhiều giáo sư, bác sĩ đã được nhà nước vinh danh phong tặng là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, chiến sỹ thi đua như: Giáo sư tiến sỹ Tôn Thất Tùng, giáo sư Đặng Văn Ngữ, giáo sư Hoàng Đình Cầm, giáo sư Lê Thế Trung, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch...
Đối với tỉnh Hà Giang, sau khi giành được chính quyền cách mạng năm 1945, ngành Y tế được thành lập, từng bước tổ chức lực lượng, phát triển mạng lưới y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Từ một nền y học còn đơn lẻ, tự phát trước năm 1945 đã từng bước phát triển thành một nền y học Đông y - Tây y hiện đại và mạng lưới y tế rộng khắp đến thôn, bản được tổ chức chặt chẽ, không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đảm bảo chủ động phòng ngừa, dập tắt các dịch bệnh. Quá trình hình thành phát triển của ngành Y tế Hà Giang luôn gắn chặt với vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp và những công lao đóng góp to lớn của các y, bác sĩ, cán bộ, viên chức ngành Y tế qua các thời kỳ.
Các y, bác sĩ nỗ lực trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh
Tính đến nay, toàn tỉnh có 9,8 bác sĩ/vạn dân; bình quân 32,2 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 1,36%; tỷ lệ trẻ em < 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 16,54%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 30,50%. Mạng lưới khám chữa bệnh các tuyến tiếp tục được củng cố, phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và đầu tư trang thiết bị. Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xây dựng các quy trình kỹ thuật, phác đồ điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó nhiều kỹ thuật của tuyến Trung ương đã được triển khai thực hiện tại Bệnh viện tuyến tỉnh và một số Bệnh viện tuyến huyện, hoạt động chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ tuyến dưới được tích cực triển khai. Qua đó chất lượng dịch vụ y tế và công tác khám chữa bệnh ngày một nâng lên, tạo sự tin tưởng, hài lòng của người bệnh...