A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đường chúng ta đi - không một thế lực nào có thể quay ngược bánh xe lịch sử

CTTBTG - Các thế lực phản động, thù địch đang tìm mọi cách chống phá cách mạng Việt Nam, chúng tung ra nhiều luận điệu bác bỏ, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bằng thái độ khách quan, tôn trọng lịch sử, tôn trọng thực tiễn, bài viết khẳng định sự đúng đắn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta thông qua việc nhận diện rõ âm mưu thâm độc đằng sau các quan điểm sai trái, thù địch; làm rõ lý do Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và những thành tựu đạt được trên chặng đường đã qua; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng cho Việt Nam.

Đường chúng ta đi - không một thế lực nào có thể quay ngược bánh xe lịch sử

Chương trình nghệ thuật '"Khát vọng - Tỏa sáng'" chào mừng thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng - Ảnh: laodong.vn

Trong thời gian qua, hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực phản động, thù địch diễn ra rất phức tạp. Dã tâm của chúng là thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phá hoại con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH luôn là một trong những vấn đề tâm điểm mà các thế lực thù địch tập trung công kích, phê phán, xuyên tạc với những luận điệu trắng trợn, giả dối và hằn học.

1. Các thế lực phản động, thù địch đã xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam như thế nào?

Các thế lực thù địch, phản động đang tìm cách phê phán, đả kích, vu cáo, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hòng làm lung lay nền tảng tư tưởng, đẩy chúng ta đi lệch quỹ đạo của CNXH. Đặc biệt, các thế lực thù địch xoáy sâu vào sự đổ vỡ của CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, lợi dụng cơ hội để ra sức xuyên tạc, bác bỏ CNXH. Các thế lực thù địch không ngừng tung ra những luận điệu xuyên tạc trắng trợn và rêu rao về “chiến thắng không cần chiến tranh”, về “sự cáo chung của lịch sử”.

Với những phân tích hàm hồ, chúng phê phán, bôi đen CNXH hiện thực, bác bỏ con đường đi lên CNXH, phủ nhận thành quả cách mạng Việt Nam. Không những thế, các thế lực phản động, thù địch còn đòi “lựa chọn lại” con đường mà Đảng ta, chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn; “tô son”, “trát phấn”, ca ngợi hết lời CNTB, rêu rao rằng “CNTB là vĩnh hằng, còn CNXH thì có trăm ngàn khuyết tật, không dân chủ, thiếu nhân quyền, nhân đạo”; rằng “CNXH chính là bước quá độ tiến tới CNTB”(!), “những ước mơ của CNXH thì chính CNTB đã thực hiện rồi”(!)...

Những luận điệu này mặc dù đều là phi lịch sử, phản động, phản khoa học và vô căn cứ nhưng vẫn có tác động nhất định đối với một số người nhẹ dạ, cả tin. Mục đích, âm mưu thâm độc của những kẻ tung ra luận điệu trên là rất rõ ràng, đó là nếu chưa thể xóa bỏ được CNXH, lái nước ta đi theo con đường khác - con đường TBCN thì cũng làm cho một bộ phận nhân dân hoài nghi, bi quan, dao động, suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên CNXH mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn. Chính vì vậy, cần thiết phải lý giải cặn kẽ hơn về quá trình “tìm đường”, “chọn đường” và con đường đi lên CNXH của Việt Nam để khẳng định rằng, không một thế lực nào có thể quay ngược lại bánh xe lịch sử.

2. Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội?

Những kẻ đưa ra những luận điệu xuyên tạc, sai trái trên cần phải nhớ lại sự thật lịch sử và tính tất yếu khách quan mà thời cuộc đưa đến; không thể chà đạp lên sự thật, bóp méo chân lý; phủ nhận khát vọng cháy bỏng của cả một dân tộc thiết tha yêu chuộng hòa bình, muốn được sống trong độc lập, tự do, sống yên bình, ấm no, hạnh phúc.

Từ đầu thế kỷ XX, trước khi chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá vào Việt Nam, các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp đã diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước, tiêu biểu như: phong trào Cần Vương, khởi nghĩa nông dân Yên Thế, cuộc vận động chống thuế Trung Kỳ, phong trào Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục, các phong trào Đông du do các sỹ phu yêu nước khởi xướng. Đây đều là những phong trào sáng ngời tinh thần yêu nước, bất khuất, các lãnh tụ của những phong trào này không thiếu quyết tâm và nhiệt huyết. Tuy nhiên, tất cả đều lâm vào bế tắc và đi đến thất bại.

Đó chính là sự thất bại, bế tắc và khủng hoảng về đường lối cứu nước, do họ không được dẫn dắt bởi một hệ tư tưởng tiên tiến nên không thể có một đường lối chính trị khoa học, họ càng không thể xây dựng được lực lượng và tổ chức có cơ sở bền vững từ những thành phần cơ bản trong xã hội. Mục tiêu của những phong trào đó đều không phản ánh xu thế vận động hợp quy luật của lịch sử và thời đại, không thể đem lại tính chất triệt để cách mạng cho sự phát triển của xã hội Việt Nam đương thời.

Như vậy, tất cả các phương án chính trị, con đường đấu tranh của các giai cấp, từ đường lối cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến, đến đường lối theo lập trường của giai cấp nông dân, hay lập trường tiểu tư sản, tư sản... đều đã được đưa ra và được thực tế lịch sử cách mạng dân tộc kiểm nghiệm, kết quả là, “tình hình đen tối như không có đường ra”(1).

Trong bối cảnh đó, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc trên hành trình tìm đường cứu nước đã tiếp thu, giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành người cộng sản, xác định được con đường đấu tranh giải phóng dân tộc và truyền bá vào Việt Nam. Độc lập dân tộc là điều được Người khẳng định trên hết, trước hết, sau khi giành độc lập hoàn toàn, Việt Nam sẽ định hướng phát triển theo con đường đi lên CNXH. Điều này đã được khẳng định vững chắc trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930. Trong đó xác định rõ con đường đấu tranh làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập để đi tới xã hội cộng sản. Trong Luận cương chính trị (tháng 10-1930), Đảng ta xác định cụ thể, cách mạng Việt Nam “bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”(2). Vậy là, ngay từ thời điểm này, CNXH đã được xác định như một xu hướng vận động tất yếu của cách mạng Việt Nam, là phương thức phát triển của xã hội Việt Nam.

Độc lập dân tộc và CNXH là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là nét chủ đạo và cốt lõi của con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, nó cũng là nét chủ đạo và nhất quán trong toàn bộ đường lối cách mạng của Đảng từ khi thành lập đến nay. Quan điểm của Đảng ta về CNXH cũng như toàn bộ đường lối cách mạng XHCN đều dựa vững chắc trên nền tảng đó, được kiểm nghiệm qua thực tế lịch sử với hàng loạt những thắng lợi liên tiếp mang tính kỳ tích của cách mạng Việt Nam. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử với những giai đoạn, bước đi khác nhau, đối mặt với rất nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng cho đến nay, chưa bao giờ xảy ra sự chệch hướng, xa rời mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Như vậy, nhìn lại lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay, chúng ta càng thấy rằng, sự lựa chọn con đường đi lên CNXH của Đảng ta, nhân dân ta là hoàn toàn chính xác, xuất phát từ điều kiện cụ thể và nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam, cũng như xu thế phát triển của thời đại, là một tất yếu khách quan về mặt lôgíc, hoàn toàn phù hợp với sự vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Do vậy, luận điệu phủ nhận mục tiêu, con đường đi lên CNXH là những luận điệu phi lịch sử, phản nhân dân, phản dân tộc, cần phải được loại bỏ.

3. Trên chặng đường đã qua, con đường của chúng ta đã được thực tế lịch sử kiểm nghiệm như thế nào?

Trong gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta, cách mạng nước ta đi theo con đường CNXH đã đi từ thắng lợi lịch sử này đến thắng lợi lịch sử khác, đạt được những thành tựu đáng tự hào.

Với ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, Việt Nam đã ghi tên mình vào lịch sử thế giới với tư cách là dân tộc đầu tiên trong lịch sử các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa “một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(3) khi giành thắng lợi vẻ vang trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự đúng đắn của con đường ấy tiếp tục được minh chứng trong 30 năm tiếp theo (1945-1975) và được đánh dấu bằng thắng lợi vĩ đại của Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Một lần nữa, lịch sử lại chứng minh rằng, con đường của chúng ta đi là đúng đắn, khoa học. Thắng lợi vĩ đại này cũng mở ra một kỷ nguyên mới cho nước ta - thời kỳ xây dựng CNXH trên phạm vi toàn quốc.

Sau hai cuộc trường chinh đầy máu lửa, từ năm 1975, chúng ta bước vào thời kỳ tái thiết và hàn gắn vết thương sau chiến tranh với bộn bề khó khăn, thiếu thốn, từng bước quá độ lên CNXH trong hoàn cảnh đất nước bị tàn phá nặng nề, bị bao vây, cấm vận, lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, khó khăn chồng chất khó khăn. Cũng vì vậy, mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, công nghiệp, nông nghiệp đã có những bước tiến rõ rệt, nhưng khi tổng kết, đánh giá 10 năm (1976-1986), Đảng ta đã thẳng thắn nhận định, kết quả đó là chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao đời sống nhân dân.

Đảng ta đã phân tích một cách khách quan, khoa học các sự kiện đã xảy ra, nhìn thẳng vào sự thật, thẳng thắn chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm, vạch đúng nguyên nhân, tìm ra giải pháp khắc phục, kiên quyết đổi mới và đổi mới có nguyên tắc để vừa không xa rời định hướng XHCN, lại vừa đúc kết những bổ sung mới cho lý luận về CNXH để vững vàng đưa con thuyền cách mạng Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Với đường lối đổi mới toàn diện đất nước, hơn 35 năm qua, cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu to lớn, đưa nước ta vượt qua tình trạng kém phát triển, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, vị thế của nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết: “nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm... trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng 17 lần, lên mức 3.512 USD”(4). “Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm 1,5%; giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016”(5). “Việt Nam tập trung hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010, số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua”(6). “Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020”(7). “Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao nhất thế giới”(8). “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(9). Đó là những minh chứng khách quan, không thể phủ nhận về những thành tựu của Đảng và nhân dân ta trên con đường phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

Những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới những năm qua cũng chính là sự bác bỏ đanh thép đối với những lời “tiên tri” mà thực chất chỉ là những mơ tưởng ngông cuồng, hão huyền của một số ít người đã phản bội sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta.

Đến thời điểm hiện tại, nhân dân ta vẫn đang vững bước trên con đường XHCN, ra sức đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước với một vị thế và tư thế mới - vị thế và tư thế của những người làm chủ và biết làm chủ vận mệnh của mình. Với những định hướng, chủ trương và những giải pháp lớn, nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng đã đưa ra, nhân dân Việt Nam vững tin hướng tới tương lai. Ngọn cờ độc lập và CNXH do Đảng Cộng sản Việt Nam giương cao đã và đang đem lại cho dân tộc ta, nhân dân ta tư thế mới, sự tự tin và sức mạnh mới.

Cần phải làm rõ rằng, những người cộng sản không e ngại nhìn thẳng vào những vấp váp, sai lầm, sẵn sàng cầu thị và tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng. Nhưng, yêu sách phải thay đổi, xóa bỏ con đường đi lên CNXH để chuyển sang con đường TBCN thì dù lý giải cách gì, cũng chỉ tỏ rõ là âm mưu phá hoại về mặt chính trị, chỉ là những luận điệu vô căn cứ.

4. Liệu chủ nghĩa tư bản có thể là con đường phát triển cho các dân tộc?

Các thế lực phản động, thù địch luôn tìm mọi thủ đoạn nhằm bẻ lái con tàu của chúng ta đi theo con đường CNTB. Tất nhiên, chúng ta không phủ nhận rằng dưới chế độ TBCN, đã có nhiều thành tựu về khoa học - kỹ thuật được tạo ra và đóng góp cho nhân loại. Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào sự thật, chế độ đó vẫn là chế độ nhằm bảo đảm sự thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản đối với tuyệt đại đa số người dân lao động trong xã hội với đầy rẫy những bất công, tích lũy ngày càng nhiều mâu thuẫn xã hội, những trạng thái “phản phát triển” đó chính là căn cứ chứng minh cho triển vọng khách quan và tất yếu của CNXH.

Về vận mệnh, tiền đồ của CNTB, tuy vẫn tồn tại nhiều nhận định khác nhau, nhưng khoảng cách có xu hướng ngày càng được thu hẹp. Kết luận về “sự cáo chung của lịch sử”, “lịch sử tư tưởng của loài người dừng lại ở CNTB” đã bị thực tế chứng minh ngược lại, rằng đó là nhận định hấp tấp, vội vàng.

Sau sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, CNTB đắc thắng không ngừng rêu rao về “sự cáo chung của lịch sử”, về “một trật tự thế giới mới”. Nhưng khi không còn CNXH ở Liên Xô và Đông Âu với tư cách là đối trọng lớn nhất mà họ vẫn coi là nguy cơ đe dọa vận mệnh của CNTB thì bao nhiêu mâu thuẫn nội tại trong lòng chế độ này lại dồn nén và bùng phát từ bên trong.

Xã hội tư bản ngày nay mặc dù đang có sự ổn định tương đối bởi giai cấp tư sản còn khả năng áp dụng các biện pháp làm dịu tạm thời các mâu thuẫn, nhưng không thể xóa bỏ được đối kháng và đấu tranh giai cấp, không xóa bỏ được căn nguyên những mâu thuẫn đó.

Cần lưu ý rằng, trong bối cảnh hiện tại, nhiều người có thể choáng ngợp bởi sự vượt trội về điều kiện vật chất, trình độ phát triển của nền kinh tế, tiềm năng khoa học - công nghệ và một số lĩnh vực khác của các nước tư bản phát triển so với các nước theo con đường đi lên CNXH. Tuy nhiên, cần phải nhìn cho thấu, những thành tựu của các nước tư bản do đâu mà có. Trong lịch sử nhiều trăm năm tồn tại và phát triển của mình, bánh xe vận hành của CNTB đã chà đạp lên các tầng lớp nhân dân lao động cần lao, thống khổ trên khắp các lục địa. Chẳng cần tìm đâu xa, chúng ta sẽ thấy ngay những tội ác mà chế độ tư bản đã gây ra khi nhìn lại các trang lịch sử của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha...

Thế nhưng, phải chăng CNTB đã thật sự “hết đất sống”? Nói “không còn” e rằng bất chấp thực tế. Nhưng phải ý thức rõ rằng phần còn đang tồn tại của CNTB chứa đầy những mâu thuẫn nan giải.

Về quyền lực và quyền lợi trong chế độ TBCN, vấn đề này đã được thể hiện hết sức rõ ràng trong thực tế. Trong chế độ TBCN quyền lực thuộc về ai? Quần chúng nhân dân có được làm chủ hay không? Ai là người hưởng lợi? Xin thưa, quyền lực ở đây được “nhân dân ủy quyền” qua cái gọi là “khế ước xã hội” đã bị giai cấp tư sản lợi dụng để thống trị lại nhân dân vì lợi ích của bản thân giai cấp đó.

Họ luôn tán dương chế độ “bầu cử tự do”, nhưng thực chất nó đã bị biến thành “tự do” của nhân dân trong lựa chọn những người thống trị mình, chứ không phải lựa chọn những người đại diện cho lợi ích của mình theo đúng nghĩa.

Sự “phân chia quyền lực” trong nhà nước tư bản theo cơ chế tam quyền phân lập, thực chất chỉ là sự phân chia các thế lực tư bản; quần chúng nhân dân không phải là chủ thể của bất kỳ quyền lực nào trong đó.

Pháp luật với tư cách là công cụ quản lý nhà nước trong nhà nước tư bản không gì khác hơn là “ý chí của giai cấp tư sản được đưa lên thành luật” (C.Mác). Do vậy, quản lý theo pháp luật thực sự là quản lý lợi ích của giai cấp tư sản chứ không phải vì lợi ích chung của xã hội.

Ở trong lòng CNTB hiện đại, đời sống của người lao động tuy có được cải thiện, nhưng đó là sự cải thiện do tiến bộ chung của xã hội, trong khi đó, số người lao động bị thất nghiệp, số người nghèo khổ ngày càng tăng lên không ngừng. Nhiều nước tư bản giàu có, nhưng thực chất, không phải là “dân giàu” mà chỉ là một nhóm người giàu nắm giữ phần lớn của cải xã hội, đây cũng chính là bản chất và cũng là điểm yếu cốt tử của nó. Trong lòng xã hội TBCN, kể cả ở những nước tư bản phát triển nhất đều đang tồn tại “hai thế giới”: một thế giới giàu có, phát triển và một thế giới nghèo nàn, lạc hậu với tình trạng phân hóa ghê gớm, của cải tập trung trong tay một số người giàu, còn tuyệt đại bộ phận dân cư sống trong nghèo đói, thiếu thốn.

Liệu một xã hội như vậy có đáng được tung hô, đáng để trở thành sự lựa chọn của chúng ta? Câu trả lời đã quá rõ ràng: Ở Việt Nam, không có đất cho CNTB thống trị như một chế độ xã hội.

Bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam luôn được khẳng định: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nhân dân thông qua lập hiến mà trao quyền lực của mình cho Quốc hội, cho Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Ở Việt Nam, ngay từ những năm đầu thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn đặc biệt chú ý đến vấn đề mấu chốt nhất, then chốt nhất trong quan điểm của Đảng, đó là: Dân là chủ, Chính phủ là đầy tớ của dân. Người khẳng định, “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(10)

Do đó, thực sự vì tiến bộ xã hội, vì con người, vì tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân, thì lẽ tất nhiên, chỉ có CNXH là lựa chọn duy nhất. Thực tiễn tự nó đã cho chúng ta câu trả lời chắc chắn, độc lập dân tộc và CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là con đường cách mạng nhất quán và duy nhất đúng của Việt Nam, dứt khoát không thay đổi và không ai có thể thay đổi.

5. Kiên định niềm tin và mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa

Chúng ta đang ở trong thời kỳ quá độ lên CNXH, trong đó, nền kinh tế mang tính quá độ có sự đan xen, nhiều khi không dễ phân định ranh giới. Trong điều kiện đó, để giữ được niềm tin, giữ được lý tưởng, cần có sự tự giác rất cao, hiểu biết rất sâu sắc về quá trình phát triển đất nước và thế giới để tránh khỏi bị hút vào vòng xoáy của CNTB, bị lệch hướng đi, lung lay niềm tin vào con đường mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.

Xây dựng CNXH là quá trình cực kỳ khó khăn, phức tạp, là quá trình không ngừng tìm kiếm, khám phá những con đường mới, cách đi mới. Vì vậy, trên con đường đó cũng khó tránh khỏi những vấp váp, sai lầm và phải được không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn chỉnh qua tổng kết thực tiễn lâu dài, từ những kinh nghiệm thành công và cả những sai lầm, thất bại. Tuy nhiên, CNXH là hệ thống mở, từ trong bản chất, nó luôn biết tự phê phán, tự đổi mới và hoàn thiện, chế độ XHCN hướng tới là một xã hội không có bóc lột, áp bức, bất công, bảo đảm những điều kiện sống cho tất cả mọi người, tạo khả năng để nhân dân lao động và các dân tộc không những tiếp cận mà còn sáng tạo ra được những thành quả của văn minh và nền văn hóa cao đẹp.

_________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.401.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.94.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.25.

(4), (5), (6), (7) (8), (9) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.31, 31, 32, 32, 32-33, 34.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.232.

TS PHẠM THỊ MAI

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


Nguồn: Tạp chí Lý luận Chính trị
Thống kê truy cập
Hôm nay : 381
Hôm qua : 1.310
Tháng 12 : 41.861
Năm 2024 : 978.559