A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

CTTBTG - Sáng 18.6, tiếp tục chương trình đợt 2 Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp tập trung tại Hội trường Diên Hồng thảo luận về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Tham gia thảo luận, đại biểu Hoàng Ngọc Định và đại biểu Phạm Thúy Chinh, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã đề xuất một số nội dung để hoàn thiện dự thảo Luật này.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận. Ảnh: CTV

Đại biểu Hoàng Ngọc Định bày tỏ đồng tình cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012. Theo đại biểu, việc sửa đổi Luật lần này nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, tiếp cận và xử lý các vấn đề mới phát sinh, tạo cơ sở cho sự đổi mới và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định cho rằng việc kế thừa giữ nguyên mức đóng 2% kinh phí công đoàn tại Điểm b Khoản 1 Điều 29 dự thảo Luật là hoàn toàn hợp lý. Đối với quy định quyền giám sát của tổ chức công đoàn tại Điều 16 dự thảo Luật, theo đại biểu dự thảo Luật lần này đã tăng quyền chủ động giám sát của tổ chức công đoàn so với Luật Công đoàn năm 2012. Việc quy định như vậy là phù hợp, góp phần phát hiện sớm những vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động, thực hiện tốt vai trò của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động trong quan hệ lao động.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định cho rằng, trong quy định về điều kiện đảm bảo tổ chức hoạt động của công đoàn, để đảm bảo được vai trò hoạt động của tổ chức công đoàn, cần đảm bảo nguyên tắc độc lập về tổ chức cán bộ và kinh phí. Tuy nhiên, trong thực tiễn, cán bộ công đoàn chuyên trách có số lượng rất hạn chế, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, do người sử dụng lao động bố trí, kinh phí hoạt động cũng rất ít nên hiệu quả hoạt động của công đoàn không đạt được như mong muốn. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung những quy định phù hợp, đảm bảo tổ chức công đoàn có vị thế, vai trò, hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào người sử dụng lao động.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh thảo luận. Ảnh: CTV

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng tài chính, tài sản công đoàn đã tạo nguồn lực to lớn giúp tổ chức Công đoàn chủ động tổ chức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, xứng đáng là tổ chức đại diện cho đoàn viên, người lao động. Với ý nghĩa, vai trò, nhiệm vụ của tài chính công đoàn, việc dự thảo Luật chỉ quy định có 3 điều (29, 30, 31) về tài chính công đoàn là chưa tương xứng, chưa đảm bảo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng và phát huy hiệu quả của nguồn lực này. Đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu thiết kế quy định về tài chính, tài sản công đoàn thành một chương riêng cơ sở Điều 29, Điều 30, Điều 32 thiết kế thành các điều để quy định rõ về khái niệm địa vị pháp lý của tài chính công đoàn, nguyên tắc hoạt động, nguồn thu, nhiệm vụ chi, lập, chấp hành dự toán, quyết toán, chế độ kế toán và thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, sử dụng quỹ tài chính công đoàn.

Theo đại biểu Phạm Thúy Chinh, cần tiếp cận theo hướng tài chính công đoàn là một quỹ tài chính công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho tồn tại của quỹ tài chính công đoàn từ đó có phương thức quản lý phù hợp. Với nguyên tắc hoạt động cần tuân thủ theo một số nguyên tắc pháp lý chung của quản lý, sử dụng tài chính công như nguyên tắc tập trung thống nhất, nguyên tắc công khai, minh bạch, nguyên tắc hiệu quả, nguyên tắc bảo toàn và phát triển nguồn vốn. Quy định này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đảm bảo cho tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, kiểm toán, đồng thời đề nghị thiết kế thành một điều riêng quy định về nguyên tắc trong luật.

Duy Tuấn (tổng hợp)


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.177
Hôm qua : 1.586
Tháng 12 : 41.347
Năm 2024 : 978.045