A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Căng Bắc Mê - trường học của những chiến sĩ cách mạng

CTTBTG - Bắc Mê là một huyện miền núi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang, cách trung tâm tỉnh lỵ trên 50 km về phía Đông Bắc. Đây là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, lưu giữ nhiều dấu tích phản ánh những trang sử hào hùng của dân tộc. Trong đó, đáng chú ý có Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia Căng Bắc Mê thuộc thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, nơi đã từng chứng kiến cuộc đấu tranh kiên cường, ý chí cách mạng son sắt của những chiếncộng sản bị giam cầm ở đây.   

Ảnh: Một phần Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia Căng Bắc Mê 

“Căng” phiên âm theo tiếng Pháp nghĩa là đồn binh, trại lính. “Bắc Mê” theo tiếng địa phương Pác Mìa - nghĩa là cửa ngòi. Trước năm 1939, Căng Bắc Mê chỉ là đồn binh nhỏ của thực dân Pháp, có khoảng 01 đại đội lính khố xanh và một số cai đội người địa phương đặt dưới sự chỉ huy của viên sĩ quan Pháp. Do địa thế hiểm trở, heo hút, rừng thiêng nước độc, nên thực dân Pháp đã lợi dụng nơi này để lập trại giam các đồng chí cán bộ hoạt động cách mạng bị bắt nhưng chưa bị kết án nhằm uy hiếp và đàn áp phong trào cách mạng. Đồn binh cũ được mở rộng, xây dựng thêm nhà cửa, bốt gác, tường rào để giam giữ tù nhân. Ngày 20/11/1940, Thống sứ Bắc Kỳ ban hành quyết định cải tạo trại lính khố xanh Bắc Mê (Đạo quan binh số 3) thành trại giam giữ các phần tử nguy hiểm cho việc phòng vệ quốc gia và an ninh. Thực dân Pháp xây dựng Căng Bắc Mê còn nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông giữa 3 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng. Căng Bắc Mê thời kỳ này thuộc tổng Yên Phú, châu Vị Xuyên. Căng nằm trên sườn núi Con Rồng-một sườn núi đất cao, lưng tựa vào đỉnh núi, trước mặt là sông Gâm. Quần thể Di tích gồm 3 khu vực: Trung tâm Căng, nhà Bang tá, Kho muối (thuộc thôn Bản Noong, xã Lạc Nông).
Trung tâm Căng Bắc Mê được xây dựng với diện tích khoảng 2.500 m2, gồm hệ thống nhà giam, bãi tập, nhà trung tâm, nhà ở của đồn trưởng, công trình phụ, nhà lính kiêm bốt gác, nhà thông tin, nhà kho, bốt gác. Xung quanh Căng là hệ thống tường thành bảo vệ được xây bằng đá tảng, dài khoảng 190 m, cao 2 m, dày 40 cm, cách 10 m lại có một lỗ châu mai hình vuông. Trong quá trình xây dựng toàn bộ các công trình tại đây, nhân dân phải cung cấp nguyên vật liệu và xây dựng dưới sự cưỡng bức của thực dân Pháp. Sau khi biến nơi này thành trại giam, chúng lại bắt tù nhân chính trị lao động khổ sai, xây cất thêm.
Nhà giam: Theo con đường nhỏ từ chân núi Rồng lên, khu nhà giam tù nhân được đặt thấp nhất. Đó là hai dãy nhà tranh tre, nứa lá, sử dụng ngay những cây tếch tự nhiên để làm cột. Mỗi lán dài khoảng 40 m, rộng 20m. Đây là nơi ở của các chiến sĩ cách mạng bị giam nhưng chưa kết án được.
Bãi tập: Cách nhà giam khoảng 20 m theo hướng Đông Bắc là bãi tập của lính khố xanh trong đồn. Đây là một bãi đất rộng tự nhiên khá bằng phẳng nằm trên sườn núi và có vị trí cao hơn khu vực Căng (cũng có tài liệu cho rằng đây là sân bay trực thăng của thực dân Pháp).
Nhà làm việc của đồn trưởng (nhà Trung tâm): Là ngôi nhà xây đầu tiên từ cổng vào quay về hướng Đông. Ngôi nhà này gồm 7 gian, có 3 cửa lớn thông nhau ở gian giữa theo chiều ngang của nhà. Ngôi nhà được xây bằng gạch đỏ; có 3 mặt hướng phía Đông, phía Bắc và phía Tây; có hàng hiên rộng 1,70 m, các cột hiên được xây kích thước 50 cm x 50 cm; mái lợp ngói, nền lát gạch đỏ kích thước 20 cm x 20 cm, dày 20 cm; nhà cao 4 m, tường xây dày 40 cm.
Nhà ở của đồn trưởng: Nhà này nằm song song với nhà làm việc nhưng thấp hơn. Nhà này cũng xây bằng gạch đỏlợp ngói.
Công trình phụ: Gồm nhà bếp và bể nước chính được xây bên dưới nhà ở của đồn trưởng, giáp với tường thành bảo vệ phía Tây.
Nhà lính kiêm bốt gác: Được xây chung tường hậu với tường thành bảo vệ. Nhà có một gian, có 2 lỗ châu mai nhìn xuống bến Mê (sông Gâm), cửa ra vào quay về hướng Đông có một cửa sổ đầu hồi phía Tây. Nhà này xây bằng đá vỉa xen gạch, là nơi lính ở, đồng thời cũng là nơi án ngữ con đường đi tới xã Đường Âm, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang và huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Nhà thông tin: Nằm vuông góc với nhà lính kiêm bốt gác, là khu nhà để máy thông tin, điện đài liên lạc của nhà tù với bên ngoài. Ngôi nhà này có 3 gian, mỗi gian có một cửa ra vào quay về hướng Bắc, phía trước cửa nhà có hàng hiên rộng 1,70 m.
Nhà kho: Gồm 3 gian, nhà này xây bằng đá vỉa, hệ thống cửa được xây bằng gạch. Đây là nơi chứa vũ khí, đạn dược của Căng.
Bốt gác: Toàn bộ khu vực Căng có 3 bốt gác nằm ở 3 góc tường thành. Bốt gác phía Đông xây bằng đá, bốn cạnh bằng nhau, cao khoảng 7 m, có mái che. Bốt gác phía Nam nằm ở sau trái Nhà đồn trưởng làm việc, bao quát khu vực nhà giam tù nhân và đường lên Căng. Bốt gác thứ 3 chính là “Nhà lính kiêm bốt gác”, dùng để bao quát phía Tây.
Cùng với việc xây dựng toàn bộ các công trình tại Căng, thực dân Pháp còn bắt các tù nhân chính trị và nhân dân xây dựng Khu nhà Bang tá. Đây là nhà làm việc của tên Bang tá được xây bằng gạch đỏ, gồm 5 gian, mỗi gian có một cửa ra vào, mở ở hướng Nam. Ngôi nhà này nằm ở lưng sườn núi thôn Pác Mìa, cách Căng 300 m theo đường chim bay, tường nhà dày 40 cm. Nằm vuông góc với nhà Bang tá là ngôi nhà nhỏ hơn dành cho những người giúp việc Bang tá, gọi là Lục sự; nhà này có 2 gian xây bằng gạch. Cách đầu hồi phía Đông của nhà Bang tá chừng 10 m có 1 bốt gác xây bằng đá; bốt có 2 tầng, tầng trên là bốt gác, tầng dưới là phòng giam.
Cách nhà Trung tâm 14 km, thực dân Pháp xây dựng Kho muối để làm nơi trung chuyển hàng hóa, chủ yếu là muối, phục vụ cho việc buôn bán.
Việc di chuyển từ nhà Bang tá tới nhà Trung tâm chủ yếu bằng thuyền, mảng chạy bằng ròng rọc (có dây cáp nối liền 2 bờ sông Gâm), thực dân Pháp đã giám sát chặt chẽ mọi hoạt động tại khu vực này (năm 1996, sau trận lũ cây cầu bằng dây cáp bị đứt, hiện chỉ còn mố cầu).
Từ năm 1938 đến năm 1942, thực dân Pháp đã hai lần đưa tù nhân chính trị đến giam tại đây, với số lượng 300 người, các tù nhân chính trị được đưa đến từ các nhà tù Sơn La, Hỏa Lò, Côn Đảo, với nhiều thành phần khác nhau: đoàn viên, nông dân, trí thức... Trong đó, có nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương như: Xuân Thủy, Trần Cung (tức Nguyễn Ngọc Cư), Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam), Trần Hiệu (tức Vũ Văn Địch), Hoàng Bắc Dũng, Nguyên Hồng, Đặng Việt Châu, Lê Giản, Hà Kế Tấn, Lương Nhân, Trần Các… Trong số các chính trị phạm, có một số đồng chí là nữ tù nhân, như: Nguyễn Thị Thoa, Trần Thị Khánh, Nguyễn Thị Sửu, Lê Thị Sói, Hoàng Vọng Bình, Nhung (Nguyễn Thị Mỳ tức Minh Tân). Đặc biệt, trong số các tù chính trị bị giam giữ tại đây,2 đồng chí tù nhân là người ở tỉnh Hà Giang, đó là đồng chí Lê Thị Sói đồng chí Thành.
Hoạt động thăm quan, giáo dục truyền thống tại khu di tích Căng Bắc Mê
Chúng ta có thể hình dung sự heo hút của Căng Bắc Mê qua những câu thơ trong bài “Căng Bắc Mê” của đồng chí Xuân Thủy khi bị giam tại đây:

“Cỏ tranh dầy đặc bốn bên

Muỗi rừng, vắt đá lại thêm dĩn mòng.

Đồn Tây nghiêm ngặt canh phòng

Một khu biên giới bịt bùng vào ra”

Hàng ngày, thực dân Pháp bắt các tù nhân lao động rất vất vả, như: đóng gạch, nung vôi, xây cất nhà cửa, bốt gác, vác đá xây dựng Căng… Tất cả mọi việc làm đều theo hiệu lệnh kèn (kèn báo thức, kèn làm việc, kèn ngủ, kể cả kèn báo động đêm và ngày). Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, cùng với chính sách đối xử hà khắc, cuộc sống kham khổ nơi chốn lao tù không những không dập tắt được lòng yêu nước, chí khí kiên cường của những người cộng sản, trái lại đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh, tôi luyện ý chí gang thép của các tù chính trị ngày càng mãnh liệt hơn.
Với quyết tâm biến nhàthực dân thành nơi rèn luyện ý chí-trường học cách mạng, các đồng chí tù chính trị đã thành lập một Chi bộ Đảng bí mật trong Căng. Đồng chí Trần Hiệu (tức Vũ Văn Địch) làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ trở thành hạt nhân lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng vận động, đấu tranh đòi cải thiện các chế độ sinh hoạt trong Căng, bồi dưỡng cho nhau về phẩm chất của những người Cộng sản, về đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời, tranh thủ giác ngộ những thanh niên, quần chúng ở trong và ngoài Căng học văn hoá, học tiếng dân tộc thiểu số, chăm sóc nhau lúc đau yếu, dìu dắt nhau qua cơn hoạn nạn.
Chi bộ được tổ chức và hoạt động bí mật nhằm vừa triển khai công tác lãnh đạo vừa bảo toàn lực lượng, tránh sự khủng bố của kẻ thù. Những hoạt động của Chi bộ Đảng trong nhà tù đã có tác động tích cực đến phong trào cách mạng ở địa phương, một số thôn, bản quanh vùng đã trở thành cơ sở hoạt động cách mạng của Đảng trong những năm 1940-1945.
Sự ra đời của Chi bộ Đảng ở Căng Bắc Mê là một sự kiện mang tính lịch sử. Trong suốt 4 năm hoạt động, Chi bộ Căng Bắc Mê tuy chưa phát động được phong trào đấu tranh ở địa phương và đạt được hoàn toàn các yêu sách trong nhà tù, nhưng ít nhiều cũng đã có tác động đến tinh thần và lòng yêu nước của một số thanh niên và quần chúng ở đây; đồng thời đã giáo dục, động viên, quy tụ, đoàn kết được đại đa số tù nhân, tổ chức các hoạt động đấu tranh làm thất bại những âm mưu tàn bạo của kẻ thù; đào tạo, bồi dưỡng đảng viên, cung cấp cho Đảng và các cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù nhằm thúc đẩy phong trào cách mạng ở địa phương khiến cho thực dân Pháp lo sợ, tìm cách đối phó.
Tinh thần đoàn kết và ý chí đấu tranh mãnh liệt của các nhân chính trị ở Căng Bắc Mê ngày càng làm cho thực dân Pháp lo sợ. Nghi ngờ một số tù nhân có âm mưu phá trại tự giải thoát ra ngoài hoạt động cách mạng, địch đã chuyển một số tù nhân ở Căng Bắc Mê đi giam giữ ở nhiều nơi khác. Đồng chí Trần Các và một số đồng chí bị đày sang nhà tù Chợ Chu (Thái Nguyên), đồng chí Hoàng Bắc Dũng cùng một số đồng chí bị đưa sang giam giữ tại Căng Bá Vân, Sông Công, Thái Nguyên (tháng 4-1941); đồng chí Xuân Thuỷ, Lê Giản, Trần Hiệu bị đưa sang nhà tù Sơn La, sau này bị đày đi Mađagátxca (lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp). Trong suốt thời gian bị giam giữ tại Căng, các tù nhân chính trị đã bị tra tấn, lao động rất vất vả, nhưng sự kiên trung, tinh thần chiến đấu của những người cộng sản vẫn luôn mãnh liệt.
Từ năm 1941-1942, tình hình cách mạng có nhiều chuyển biến thuận lợi do ảnh hưởng mạnh mẽ của các cuộc khởi nghĩa khác nhau. Từ Cao Bằng, phong trào Việt Minh phát triển nhanh, lan tới vùng núi phía Bắc, trong đó có vùng Bảo Lạc (Cao Bằng) và gần với Bắc Mê (Hà Giang). Trình độ giác ngộ của quần chúng ở các địa phương dần được nâng cao, nhân dân tích cực tham gia nhiều hoạt động chuẩn bị cho Cao trào Tổng khởi nghĩa. Sau khi phát xít Nhật đảo chính Pháp, một đơn vị vũ trang tuyên truyền từ Cao Bằng dưới sự chỉ huy của các đồng chí Hồng Quốc, Hồng Đào được lệnh cơ động tăng cường cho Hà Giang đã có mặt tại Bắc Mê trước khi quân Nhật tiến hành chiếm đóng địa phương. Sau khi nắm tình hình, đội vũ trang và cán bộ địa phương quyết định tiến công làm chủ đồn Bắc Mê để mở đường phát triển phong trào vào sâu trong địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, ta mời chỉ huy đồn tới gặp cán bộ Việt Minh. Việc thuyết phục, kêu gọi binh sĩ quay về với nhân dân, giao đồn, vũ khí cho Việt Minh không đạt kết quả. Ta quyết định bắt giữ tên chỉ huy và tổ chức đội vũ trang tiến công giải phóng đồn Bắc Mê.
Trưa ngày 28 tháng 3 năm 1945, lực lượng vũ trang ta bất ngờ bao vây đột nhập đồn. 40 tên lính khố xanh và lính cơ không kịp đối phó, phải đầu hàng và giao đồn. Ta thu 40 khẩu súng trường, 4 tấn gạo, 6 tạ muối. Việc giải phóng đồn Bắc Mê đã nâng cao uy tín của Việt Minh, cổ vũ đồng bào địa phương phấn khởi, tin tưởng, hăng hái tham gia cách mạng. Phát huy thắng lợi, cán bộ và chiến sĩ vũ trang tuyên truyền đẩy mạnh hoạt động tới các xã thuộc hai tổng Yên Phú, Yên Định. Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào đã phát triển lan rộng sang Phú Linh, Linh Hồ. Ủy ban nhân dân cách mạng được thành lập ở nhiều địa phương.
Có thể thấy, Căng Bắc Mê là bằng chứng ghi dấu tội ác của thực dân Pháp, là nơi giam cầm nhiều chiến sĩ cách mạng đồng thời là một trường học cách mạng với nhiều tấm gương bất khuất về ý chí cách mạng kiên cường, lạc quan, sức chiến đấu bền bỉ của những người cộng sản trong nhà tù đế quốc. Với giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa quan trọng ấy, ngày 21/1/1992, Bộ Văn hoá-Thông tin (nay là Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch) ra Quyết định số 97-QĐ/BT về việc xếp hạng Căng Bắc Mê là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.
Trong những năm qua, được sự giúp đỡ của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Đảng bộ huyện Bắc Mê đã có nhiều chủ trương tôn tạo, bảo vệ Di tích Lịch sử cấp Quốc gia Căng Bắc Mê. Nhìn chung, công tác phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích đã đạt được một số thành tựu bước đầu. Tuy nhiên, vẫn cần sự quan tâm đầu tư hơn nữa của các cấp, các ngành để bảo tồn, tôn tạo Căng Bắc Mê tương xứng với giá trị của di tích. Để Căng Bắc Mê thực sự trở thành biểu tượng tự hào của huyện Bắc Mê nói riêng, của cả nước nói chung-một “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đồng thời là một địa điểm tham quan, học tập và nghiên cứu lịch sử hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước./.
Trần Thảo - Huyện ủy Bắc Mê

Tác giả: Trần Thảo
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.535
Hôm qua : 4.234
Tháng 06 : 85.717
Năm 2024 : 498.103