A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bàn về công tác cán bộ - Câu chuyện “bó đũa” và “cột cờ”

Công tác cán bộ luôn là công tác trọng yếu của bất cứ hệ thống và tổ chức chính trị nào. Kinh nghiệm cho thấy ở đâu có cán bộ hoạt động tích cực và hiệu quả thì ở đó tổ chức và hệ thống dễ dàng đạt được các mục tiêu chính trị mà mình đề ra. Công tác cán bộ vì thế luôn được Đảng ta đặc biệt coi trọng và xác định đó là công tác then chốt của then chốt, trọng yếu của trọng yếu.

Điều 41 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam hiện hành quy định: “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ”. Trong lãnh đạo công tác cán bộ Đảng có trách nhiệm quản lý đội ngũ cán bộ đồng thời tạo điều kiện để cán bộ có thể phát huy hết những năng lực và sở trường của mình. Một trong những vấn đề đặt ra hiện nay trong công tác cán bộ của Đảng là làm sao lựa chọn được đúng cán bộ vào đúng vị trí nhằm phát huy được những thế mạnh năng lực, sở trường của cán bộ đáp ứng được các yêu cầu mà nhiệm vụ đặt ra.

Thực tế những năm vừa qua cho thấy trong hệ thống chúng ta không thiếu những cán bộ có năng lực xuất sắc nhưng những cán bộ này lại không có được vị trí công tác phù hợp trong hệ thống. Một số lượng không nhỏ nguồn nhân lực chất lượng cao đã dịch chuyển từ khu vực công sang khối tư nhân dẫn đến việc nhiều đơn vị thuộc khu vực công thiếu đi nhân tố mang tính dẫn dắt. Nhận biết nguyên nhân của sự dịch chuyển này là việc làm cần thiết và có ý nghĩa. Các nhà nghiên cứu đã luận giải nguyên nhân của sự dịch chuyển này từ nhiều góc độ.

Dưới góc độ của cơ chế tuyển dụng đãi ngộ, có thể thấy khối tư nhân sẵn sàng tiếp nhận những nhân lực có trình độ cao từ khu vực công và có chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn. Mức lương từ khu vực tư nhân thường cao hơn mức lương mà cán bộ công chức nhận được từ khu vực công. Trong khi đó các công ty và tập đoàn tư nhân thường áp dụng mức thưởng dựa theo năng suất và hiệu quả công việc khiến cho mức lương thực tế của người lao động còn cao hơn mức được ghi nhận trong các hợp đồng lao động.

Dưới góc độ của cơ chế thăng tiến và đề bạt, trong khu vực tư nhân thường áp dụng phổ biến cơ chế chỉ định bổ nhiệm từ lãnh đạo cấp cao. Cơ chế chỉ định bổ nhiệm từ lãnh đạo cấp cao có vẻ như thiếu dân chủ do chỗ người lao động không được bầu lãnh đạo của đơn vị mình nhưng trong chừng mực nào đó nó lại thể hiện tập trung trách nhiệm của người đứng đầu công ty, tập đoàn. Người đứng đầu công ty, tập đoàn chịu trách nhiệm trước những quyết định bổ nhiệm của mình. Suy cho cùng thì lợi ích của họ và của tổ chức do họ lãnh đạo chịu tác động trực tiếp từ những quyết định nhân sự này. Trong chừng mực nào đó họ không thể chống lại lợi ích của chính mình và tổ chức vì những quyết định sai lầm, thiếu sáng suốt.

Ảnh minh hoạ

Trong khu vực công các bước quy hoạch đề bạt và bổ nhiệm được tiến hành chặt chẽ hơn. Quy trình 5 bước được thực hiện với những quy định chặt chẽ về tỷ lệ phiếu bầu. Đánh giá khách quan cho thấy, với quy trình quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm chặt chẽ đã giúp cho khu vực công lựa chọn được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý bảo đảm được chất lượng, cơ cấu và bảo đảm tính dân chủ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” vẫn xảy ra. Nhiều cán bộ sau khi vượt qua những quy trình giới thiệu quy hoạch, bổ nhiệm vẫn phạm nhiều sai lầm, khuyết điểm trong công tác dẫn đến phải xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự. Nguyên nhân của thực trạng này có thể được nhận biết từ nhiều góc độ. Có những nguyên nhân đến từ việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, có những nguyên nhân đến từ sức cám dỗ vật chất của các hành vi tham nhũng, tiêu cực, song cũng có nguyên nhân đến từ chính công tác cán bộ. Trong các quy trình của công tác cán bộ, chúng ta thường thực hiện các bước giới thiệu quy hoạch và bổ nhiệm từ đơn vị cơ sở. Trong khi đó, nhiều đơn vị cơ sở có số lượng cán bộ, công chức ít, có đơn vị chỉ có 14-15 cán bộ, công chức hoặc thậm chí ít hơn. Với số lượng thành viên ít như thế thì việc thao túng quyền lực là điều có thể xảy ra và rất dễ xảy ra. Một số cá nhân có tham vọng quyền lực thường có hành vi dùng các lợi ích vật chất, hoặc hứa hẹn các lợi ích khác để lôi kéo phiếu bầu. Quy trình bỏ phiếu vì thế trong chừng mực nào đó xuất hiện và có tồn tại yếu tố bị thao túng. Mặt khác, trong đơn vị cơ sở thường sẽ có những cá nhân xuất sắc hơn về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức. Những cá nhân này thường tuân thủ đúng các quy định nhưng lại không muốn và không có hành vi lôi kéo phiếu bầu. Thêm vào đó câu chuyện “bó đũa và cột cờ” luôn diễn ra: “bó đũa” thường đông hơn “cột cờ” và mỗi “chiếc đũa” đều nhìn thấy cơ hội của mình lớn hơn khi loại bỏ được “cái cột cờ”. Do đó, trong nhiều trường hợp, hệ quả tất yếu của sự tổng hợp tất cả những yếu tố ấy dẫn đến việc những cá nhân xuất sắc hơn về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức bị loại khỏi quy trình đề bạt và như thế có nghĩa là hệ thống đã tự mình loại bỏ đi hoặc tự mình làm thiếu đi những nhân tố mang tính dẫn dắt. Việc chảy máu chất xám từ khu vực công sang khu vực tư vì thế vẫn tiếp tục diễn ra. Như vậy, quy trình đề bạt từ đơn vị cơ sở rồi sau đó những cá nhân được lựa chọn từ đơn vị cơ sở lại tiếp tục bỏ phiếu để bầu những chức danh lãnh đạo ở cấp cao hơn là rất chặt chẽ, nhưng trong thực tế vẫn xuất hiện những yếu tố có thể thao túng được do các cuộc bầu cử thường được tổ chức trong khuôn khổ rất giới hạn các thành viên có quyền bỏ phiếu.

Từ việc phân tích ở trên cho thấy, bên cạnh cách thức đã tiến hành từ trước đến nay, thiết nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể tiến hành quy trình giới thiệu, quy hoạch, bổ nhiệm theo chiều ngược lại mà vẫn bảo đảm tính dân chủ, hiệu quả và chính xác. Đó là, lấy phiếu giới thiệu, quy hoạch, bổ nhiệm ở các đơn vị có quy mô lớn hơn (có thể lên tới hàng trăm hoặc hàng nghìn thành viên có quyền bầu cử), sau đó những cá nhân được bầu làm lãnh đạo ở những đơn vị quy mô lớn này sẽ lựa chọn những người lãnh đạo ở cấp thấp hơn và phải chịu trách nhiệm cho việc giới thiệu bổ nhiệm cán bộ của mình theo nghĩa phải chịu trách nhiệm liên đới của người đứng đầu nếu những cá nhân được mình bổ nhiệm có khuyết điểm hay vi phạm pháp luật. Một cuộc bỏ phiếu ở quy mô lớn với sự tham gia của đông đảo các thành viên có thể sẽ loại bỏ hoặc hạn chế được các yếu tố thân quen, gia đình dòng tộc, nhóm lợi ích… và sẽ khắc phục được sự thao túng quyền lực xuất phát từ chính đơn vị cơ sở bởi quy trình bỏ phiếu được thực hiện ở đơn vị có quy mô lớn thường không dễ thao túng và đòi hỏi một mức độ tài chính rất lớn nếu như dùng các lợi ích vật chất để thao túng.

Cán bộ là gốc của mọi công việc và công tác cán bộ là công tác “then chốt của then chốt”. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc thì chúng ta sẽ còn rất nhiều việc phải làm, trong đó nhất định phải bắt đầu từ công tác cán bộ.

Đặng Huy Trinh (vietnamthingvuong.com)


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.448
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.232
Năm 2024 : 512.578