Phòng, chống “xâm lăng văn hóa” trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đã, đang và trong tương lai tiếp tục mở ra nhiều thời cơ cho các quốc gia trong giao lưu, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Song, quá trình này cũng đặt ra không ít thách thức đối với việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là đối với những nền văn hóa giàu truyền thống như Việt Nam. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với nước ta trong bối cảnh mới hiện nay là nhận diện nguy cơ “xâm lăng văn hóa”, từ đó đề xuất các giải pháp hiệu quả, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhận diện nguy cơ “xâm lăng văn hóa”
Trong bối cảnh mới hiện nay, có thể hiểu, “xâm lăng văn hóa” là khái niệm mô tả quá trình một quốc gia dựa vào thực lực nhiều mặt, trong đó có thế mạnh văn hóa để tiến hành lan truyền và áp đặt các quan niệm, giá trị văn hóa đối với các quốc gia khác (nhất là đối với các quốc gia đang phát triển).
Trong xã hội truyền thống, khi một nước bị mất độc lập, chủ quyền và bị rơi vào tay ngoại xâm thì đồng thời nước đó sẽ bị áp đặt văn hóa. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, quá trình “xâm lăng văn hóa” diễn ra phức tạp hơn, đa dạng về hình thức và cấp độ. Bối cảnh mở cửa, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại quốc tế cũng thúc đẩy giao lưu văn hóa, là quá trình tiềm ẩn nguy cơ “xâm lăng văn hóa”. Ví dụ như các thương hiệu và sản phẩm quốc tế không chỉ đơn thuần là hàng hóa, mà còn là biểu hiện về lối sống, phong cách sống. Lối sống coi trọng giá trị vật chất, sùng ngoại tất yếu sẽ dẫn đến tâm lý xem nhẹ hơn giá trị tinh thần, những yếu tố mang tính dân tộc. Những chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, thực phẩm được chế biến sẵn, như Mc Donal, KFC, Coca cola,… có mặt khắp nơi hình thành thói quen ăn uống mới trong giới trẻ, có thể dẫn đến tình trạng lãng quên văn hóa ẩm thực truyền thống.
Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là sự xuất hiện của internet đã tác động mạnh đến sự biến đổi văn hóa. Quá trình toàn cầu hóa cùng với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông mới cho thấy, nước nào có nền kinh tế mạnh, có nền tảng công nghệ thông tin tốt sẽ chuyển tải được nhiều hơn tư tưởng, văn hóa của họ ra thế giới. Phương tiện truyền thông mới trong một số trường hợp trở thành “cỗ máy tuyên truyền” cho các nước lớn. Các sản phẩm văn hóa của các cường quốc kinh tế dần chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Từ bá quyền về kinh tế đến bá quyền về văn hóa đã trở thành một thực tế.
Ngoài ra, hoạt động du lịch, du học, xuất khẩu lao động… cũng là những cách thức giao lưu văn hóa ít nhiều chứa đựng khả năng bị “xâm lăng văn hóa”. Sự tiếp xúc văn hóa trong quá trình du lịch, du học, xuất khẩu lao động rất có thể cũng trở thành những khúc xạ văn hóa méo mó nếu chủ thể tiếp nhận văn hóa có tâm lý sính ngoại thái quá, thiếu đi tinh thần tự tôn văn hóa dân tộc.
Quá trình “xâm lăng văn hóa” diễn ra ở nhiều cấp độ, hướng tới nhiều mục đích. Đó có thể là sự xuất hiện ồ ạt, tràn lan của các sản phẩm văn hóa có nguồn gốc từ nước ngoài nhằm lũng đoạn thị trường sản phẩm văn hóa trong nước. Đó có thể là sự xuyên tạc, hạ thấp những giá trị văn hóa truyền thống nhằm tạo ra tâm lý tự ti, sùng ngoại. Đó có thể là việc tuyên truyền, quảng bá cho những giá trị ngoại lai, những hành động và lối sống không phù hợp với văn hóa truyền thống, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc nhằm cổ xúy bạo lực và những ham muốn thấp hèn. Đó có thể là sự bôi nhọ hình tượng lãnh tụ, danh nhân, bịa đặt về những vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, chủ quyền nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó có thể là mưu đồ truyền bá những hệ tư tưởng mới nhằm gây phân rã về tư tưởng, bất ổn xã hội. Những mục đích này có thể được bộc lộ công khai bằng các diễn ngôn trực tiếp nhưng cũng có khi được ẩn náu tinh vi trong cái vỏ bọc “hình tượng nghệ thuật”, “sản phẩm văn hóa”...
“Xâm lăng văn hóa” gây ra những hệ lụy trên nhiều phương diện, không chỉ tác động đến văn hóa, mà còn tác động đến các lĩnh vực khác của đời sống, như kinh tế, chính trị, xã hội và cả an ninh, quốc phòng. Về phương diện kinh tế, “xâm lăng văn hóa” có thể làm suy yếu các ngành kinh tế dựa trên việc khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển, nhất là các ngành công nghiệp văn hóa, làm mất đi cơ hội của những lĩnh vực, những hoạt động kinh tế gắn với phát huy giá trị văn hóa địa phương. Về phương diện chính trị, “xâm lăng văn hóa” cũng là nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ(1). Về phương diện văn hóa, sự “xâm lăng văn hóa” đặt văn hóa truyền thống trước nhiều nguy cơ, như biến đổi theo chiều hướng tiêu cực, trở thành bóng mờ của nền văn hóa khác, bản sắc dân tộc bị mai một, thậm chí lụi tàn và biến mất. Ở cấp độ toàn cầu, “xâm lăng văn hóa” sẽ làm nghèo nàn đi sự đa dạng của bức tranh văn hóa nhân loại. Về phương diện xã hội, sự biến đổi lối sống, sự đảo lộn giá trị, sự xuất hiện những giá trị mới không phù hợp với văn hóa truyền thống dễ làm rạn nứt các mối quan hệ xã hội, dễ dẫn đến khủng hoảng xã hội. Về phương diện đối ngoại và an ninh, quốc phòng, “xâm lăng văn hóa” gây ra sự xung đột văn hóa, xung đột xã hội, từ đó dẫn đến tình trạng mất an ninh, an toàn trong các cộng đồng. “Xâm lăng văn hóa” cản trở tiến trình đối thoại hòa bình giữa các quốc gia, giữa các nền văn hóa trên thế giới.
Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phòng, chống “xâm lăng văn hóa”
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề văn hóa, chú trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và kiên quyết đấu tranh chống lại sự “xâm lăng văn hóa”.
Ngay từ “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943, Đảng đã khẳng định rõ một trong ba nguyên tắc để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam là: “Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập)”(2). Như vậy, vấn đề chống xâm lăng văn hóa được Đảng ta đặt ra từ rất sớm.
Bước vào thời kỳ đổi mới, quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng mang lại nhiều thời cơ nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trong xây dựng nền văn hóa dân tộc. Đảng ta nhất quán khẳng định tinh thần bảo vệ bản sắc dân tộc đi đôi với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới; đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện “xâm lăng văn hóa”. Đại hội VII của Đảng quán triệt phương châm: “Phát triển văn hóa dân tộc đi đôi với mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Kiên quyết chống những hiện tượng và hành vi thô bạo, lai căng phản văn hóa, phi đạo đức và nhân tính”(3). Tiếp nối quan điểm đó, Đại hội VIII của Đảng khẳng định: “Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, phải đặc biệt quan tâm gìn giữ và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc. Tiếp thu tinh hoa của các dân tộc trên thế giới, làm giàu đẹp thêm nền văn hóa Việt Nam; đấu tranh chống lại sự xâm nhập của các loại văn hóa độc hại, những khuynh hướng sùng ngoại, lai căng, mất gốc”(4).
Bước sang thế kỷ XXI, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng. Nhìn lại 15 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta rút ra một trong những bài học kinh nghiệm quý báu là phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế nhưng phải bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu, Đại hội IX của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp thu tinh hoa và góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của nhân loại. Đấu tranh chống sự xâm nhập của văn hóa độc hại”(5).
Để thực hiện nhiệm vụ “phát triển văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội”, Đại hội X của Đảng tiếp tục khẳng định cần: “Tích cực mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa, chống sự xâm nhập của các loại văn hóa phẩm độc hại, lai căng”(6).
Nhằm mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hóa, Đại hội XI của Đảng đặt ra yêu cầu “Đổi mới, tăng cường việc giới thiệu, truyền bá văn hóa, văn học, nghệ thuật, đất nước, con người Việt Nam với thế giới… Tiếp thu những kinh nghiệm tốt về phát triển văn hóa của các nước, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc của nước ngoài với công chúng Việt Nam… Xây dựng cơ chế, chế tài ngăn chặn, đẩy lùi, vô hiệu hóa sự xâm nhập và tác hại của các sản phẩm đồi trụy, phản động; bồi dưỡng và nâng cao sức đề kháng của công chúng, nhất là thế hệ trẻ”(7).
Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh tính chủ động trong hội nhập quốc tế về văn hóa: “Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa”(8). Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại; từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới”(9).
Như vậy, có thể thấy, trong quá trình hội nhập quốc tế, Đảng ta luôn nhất quán chủ trương bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc đi đôi với tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu cho nền văn hóa Việt Nam; kiên quyết và kiên trì đấu tranh chống lại các phản văn hóa, phản giá trị, các sản phẩm có nội dung xấu, độc; chú trọng việc chống lại sự “xâm lăng văn hóa” và mối quan hệ biện chứng giữa “xây” và “chống”. Cùng với đó, Đảng ta còn yêu cầu thể chế hóa chủ trương đó thành các cơ chế, chế tài để ngăn chặn, đẩy lùi, vô hiệu hóa sự xâm nhập của những yếu tố văn hóa ngoại sinh có tác động tiêu cực tới sự phát triển văn hóa và con người Việt Nam.
Những vấn đề đặt ra và giải pháp phòng, chống “xâm lăng văn hóa”
Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu trong sự phát triển của nhân loại. Từ thế kỷ XIX, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã dự báo về sự ra đời của toàn cầu hóa văn hóa khi chứng kiến sự phụ thuộc ngày càng lớn giữa các quốc gia trong phát triển kinh tế. “Thay cho những nhu cầu cũ được thỏa mãn bằng những sản phẩm trong nước, thì nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thỏa mãn bằng những sản phẩm đưa từ những miền và xứ xa xôi nhất về. Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc. Mà sản xuất vật chất đã vậy thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới”(10). Dự báo thiên tài của các ông đã trở thành hiện thực. Ngày nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tác động mạnh mẽ tới tất cả các quốc gia. Yêu cầu đặt ra đối với tất cả các quốc gia là phải tính đúng, tính đủ sự tác động (kể cả thời cơ và thách thức) của bối cảnh này. Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế văn hóa nằm trong dòng chảy chung của bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Trong quá trình ấy, việc tiếp nhận những giá trị văn hóa ngoại sinh là lẽ đương nhiên vì giao lưu văn hóa cũng chính là quy luật cơ bản để một nền văn hóa có thể tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, tiếp nhận những giá trị nào và mức độ tiếp nhận, quá trình thâu hóa những giá trị ngoại sinh đó ra sao là những vấn đề cần được xem xét cẩn trọng. Không thể quay lưng, khước từ các giá trị ngoại sinh nhưng đồng thời cũng không được phép tiếp nhận thiếu chọn lọc cả những yếu tố phản văn hóa, không phù hợp với văn hóa dân tộc.
Để đối mặt và hóa giải những thách thức của tình trạng “xâm lăng văn hóa”, thậm chí bá quyền văn hóa, cần phải đồng thời chú ý đến hai yếu tố: bản sắc và bản lĩnh (bản sắc văn hóa của quốc gia và bản lĩnh của chủ thể tiếp nhận). Giữa hai nhân tố này có mối quan hệ mật thiết. Nếu bản sắc văn hóa thể hiện chiều sâu văn hóa của cộng đồng, là điều kiện cần, thì bản lĩnh văn hóa thể hiện thái độ, trình độ của chủ thể văn hóa, là điều kiện đủ để có thể tự tin giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa. Cả bản sắc văn hóa và bản lĩnh văn hóa không phải tự nhiên có được. Bản sắc văn hóa được hình thành trong quá trình sáng tạo, trao truyền, tích lũy văn hóa của nhiều thế hệ. Còn bản lĩnh văn hóa được hình thành qua quá trình giáo dục và tự giáo dục, rèn luyện và trải nghiệm của mỗi cá nhân trên cơ sở sự thấm nhuần, tiếp thu và bồi đắp các giá trị văn hóa văn hóa dân tộc ở mỗi con người.
“Xâm lăng văn hóa” đe dọa trực tiếp đến an ninh văn hóa của quốc gia. Khi an ninh văn hóa của một cộng đồng, một quốc gia bị xâm phạm, mặc dù có thể chưa gây ra những tác hại ngay lập tức với cộng đồng, quốc gia đó, nhưng về lâu dài, nó sẽ để lại những hậu quả rất nghiêm trọng. “An ninh văn hóa thường là một trong những lĩnh vực dễ bị xem nhẹ nhất, bởi ảnh hưởng của nhân tố văn hóa nằm ở tầng sâu, vô hình và phẳng lặng, thường không gây ra những hậu quả trực tiếp làm tổn hại an ninh quốc gia. Thế nhưng, chính vì đặc điểm đó mà ảnh hưởng của an ninh văn hóa đối với một quốc gia, một xã hội sẽ lâu dài và sâu sắc, thậm chí có thể làm tan rã ý thức hệ của một quốc gia, thay đổi tiền đồ phát triển của cả một dân tộc”(11). Chính vì vậy, trong chiến lược bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, phải có sự hiện diện của nhiệm vụ bảo đảm an ninh văn hóa, chống lại sự “xâm lăng văn hóa”.
Khung khổ pháp lý để đấu tranh phòng, chống “xâm lăng văn hóa” là rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế phong phú, phức tạp, luôn vận động, thay đổi nhanh chóng nên có giai đoạn, luật pháp thường có độ trễ tương đối so với đời sống thực tiễn. Chính vì vậy, trước hết và quan trọng là cần phải tự nâng cao sức đề kháng của nền văn hóa quốc gia, cộng đồng, cũng như của từng cá nhân; bên cạnh đó, kịp thời nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện thể chế đấu tranh phòng, chống “xâm lăng văn hóa”.
Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phòng, chống “xâm lăng văn hóa” trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về vai trò của bản sắc văn hóa dân tộc. Khi đã có nhận thức đúng đắn về bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị của bản sắc dân tộc đối với sự tồn vong của quốc gia cũng như sự phát triển của các cộng đồng thì sẽ tạo cơ sở để có những quyết định đúng, hành động đúng trong gìn giữ, phát huy bản sắc. Muốn vậy, cần tiếp tục nghiên cứu đưa nội dung bản sắc văn hóa Việt Nam vào chương trình giáo dục quốc dân một cách phù hợp với các cấp học. Làm sao mọi người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hiểu và tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa nội dung và hình thức giáo dục về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phòng, chống “xâm lăng văn hóa”. Phát huy vai trò định hướng, cung cấp thông tin của các cơ quan truyền thông, lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam, đồng thời tích cực tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn “xâm lăng văn hóa”.
Thứ hai, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, chống lại sự “xâm lăng văn hóa”. Có chế tài xử lý các hành vi “xâm lăng văn hóa”, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đủ sức răn đe, cảnh tỉnh những đối tượng khác.
Thứ ba, làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tiếp tục hoàn thiện Luật Di sản cho phù hợp với bối cảnh thực tế để gia tăng tính hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thêm vào đó, Trung ương và các địa phương cũng cần bố trí nguồn lực hợp lý để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Bên cạnh cán bộ của ngành văn hóa, cần xây dựng cơ chế để huy động người dân, cộng đồng và toàn xã hội tham gia bảo tồn di sản văn hóa. Có chính sách đãi ngộ hợp lý với những nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể.
Thứ tư, thúc đẩy sáng tạo những giá trị văn hóa mới. Khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, đưa chất liệu văn hóa truyền thống vào trong những sáng tạo văn hóa, nghệ thuật; tìm tòi các phương pháp, hình thức thể hiện mới mẻ, chuyển tải được tinh thần thời đại, những giá trị phổ quát của nhân loại vào trong các sáng tạo văn hóa. Các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật, các cơ quan quản lý văn hóa, các hội văn học, nghệ thuật cũng chú ý giáo dục nâng cao trình độ chính trị, phát huy trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ với nhân dân, với dân tộc, với Tổ quốc.
Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, chống lại sự “xâm lăng văn hóa”. Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực văn hóa. Huy động nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả Quyết định số 2026/QĐ-TTg, ngày 2-12-2021, của Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Khuyến khích sự lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc trên không gian mạng; đồng thời, khuyến khích người dân đồng hành cùng các cơ quan chức năng trong việc phát hiện các thông tin xấu, độc, các sản phẩm phản văn hóa, phản giá trị để kịp thời ngăn chặn, gỡ bỏ hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ sáu, chủ động giao lưu hợp tác quốc tế về văn hóa. Cần xây dựng các chiến lược, các kế hoạch, các chương trình hợp tác quốc tế về văn hóa. Tranh thủ các nguồn lực quốc tế để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam. Tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Tham gia các công ước quốc tế về bảo vệ sự đa dạng văn hóa, tôn trọng các quyền văn hóa./.
-------------------------
(1) Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn” (Xem: Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 157)
(2) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 319
(3) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 562
(4) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Sđd, tr. 710
(5) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Sđd, tr. 931
(6) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Phần II (Đại hội X, XI, XII), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 120
(7) Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Phần II (Đại hội X, XI, XII), Sđd, tr. 428 - 429
(8) Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 130 - 131
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 147
(10) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 83
(11) Tạ Ngọc Tấn (chỉ đạo biên soạn và xuất bản): An ninh quốc gia những vấn đề an ninh phi truyền thống, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2013, tr. 84