Muối không mặn sao gọi là muối
CTTBTG - Trong tự nhiên có muôn vàn sự vật, hiện tượng và các động, thực vật với những đặc tính khác nhau để phân biệt vật này với vật kia, chất này với chất khác làm nên thế giới tự nhiên vô cùng đa dạng, phong phú nhưng chúng lại liên kết nhau, chi phối nhau trong một thể thống nhất. Chẳng hạn, đã là gừng thì phải cay, đã là muối thì phải mặn. Nếu không chúng sẽ biến chất thành sự vật, hiện tượng khác mất rồi.
Loài người, trong quá trình tồn tại và phát triển, cũng không ngừng phân công, phân chia lao động mỗi người một nhiệm vụ theo sở trường và kiến thức được rèn luyện, đào tạo ngày càng chuyên sâu năng suất lao động mới cao được. Trong xã hội chúng ta ngày nay cũng vậy, sự phân công lao động xã hội ngày càng chuyên sâu hơn, tỷ mỷ và cụ thể hơn. Chẳng hạn, chức năng kiểm soát, bảo vệ rừng là của những người có trách nhiệm kiểm soát, bảo vệ rừng, chống lại những kẻ “lâm tặc” chuyên môn phá hoại, khai thác rừng trái phép. Đã có cán bộ kiểm lâm thì lại thường xuất hiện lâm tặc. Hai lực lượng này đối lập với nhau về tư tưởng và hành động. Một bên kiên quyết giữ rừng vì lợi ích quốc gia, còn bên kia cố tình phá rừng vì lợi ích cá nhân hay nhóm lợi ích. Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó chủ yếu vì lợi ích kinh tế mà không ít nhân viên kiểm lâm, thậm chí cả một tập thể, đã bị biến chất thành những kẻ thông đồng với lâm tặc, làm ngơ cho những hành động phá rừng, “ăn chia” với lâm tặc. Chính vì thế, ở nhiều nơi, những cánh rừng gỗ quý, đầu nguồn, rừng phòng hộ, vườn quốc gia... hằng ngày vẫn bị hạ chặt, được vận chuyển bằng đường sông, bằng ô tô, xe máy, xe bò, xe trâu, xe ngựa... ra khỏi bìa rừng mặc cho có lệnh “đóng cửa rừng” của Thủ tướng Chính phủ. Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều tấm gương dũng cảm của lực lượng kiểm lâm ở nhiều nơi đã quên thân mình, không sợ thương vong để chiến đấu với lâm tặc, bảo vệ rừng. Nhưng chúng ta cũng cực lực lên án một số kiểm lâm thoái hóa, biến chất, không làm tròn nhiệm vụ, tiếp tay cho lâm tặc khai thác rừng trái phép. Nếu như ví những nhân viên kiểm lâm kia là những “hạt muối” thì những hạt muối này không còn mặn nữa. Muối đã không mặn thì sao còn gọi là muối nữa? Bắt buộc phải loại bỏ những hạt muối này ra khỏi đội ngũ.
Không chỉ có lâm tặc, trong xã hội chúng ta hiện nay có rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề mà người được giao nhiệm vụ nhưng do nhiều nguyên nhân mà biến chất, thoái hóa để cuối cùng những con người đó biến chất không còn là mình nữa. Chẳng hạn, bảo vệ thông đồng với kẻ trộm, kẻ cắp; cảnh sát giao thông lại thông đồng, bỏ qua những hành vi vi phạm luật giao thông để “cưa đôi” số tiền nhẽ ra phải nộp vào kho bạc nhà nước. Không ít cảnh sát điều tra tội phạm khi thu giữ được tang vật cũng đòi chủ của nó “cưa đôi” giá trị hiện vật bị mất; cán bộ chống buôn lậu nhiều khi cũng trở thành đồng lõa với kẻ buôn lậu, rồi cũng “cưa đôi” giá trị hàng hóa buôn lậu khi bị bắt; không ít người bảo vệ pháp luật nắm được những “kẽ hở” của pháp luật để mách bảo, thông đồng với kẻ gian “lách luật” mưu cầu lợi ích cá nhân v.v. Những người như thế cũng cần phải bị loại ra khỏi đội ngũ của họ vì không còn xứng đáng với nhiệm vụ được giao.
“Đảng ta là đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” như Bác Hồ từng mong mỏi và căn dặn. Nhưng hiện nay trong Đảng vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc. Không ít người vào Đảng không phải để chiến đấu hy sinh, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân mà để được đề bạt, lên lương, thăng quan tiến chức, để “làm quan phát tài”. Trong Đảng vẫn còn phổ biến tình trạng mang danh đảng viên nhưng không gương mẫu đi đầu mà ngược lại, tư tưởng, hành động, tác phong không hơn gì một người ngoài Đảng. Chính vì thế có hiện tượng ở nhiều nơi: tổ chức đảng đông mà không mạnh, mất sức lãnh đạo và sức chiến đấu khi có biến cố xảy ra. Nói theo V.I Lê nin thì: Đã đến lúc phải thay đổi tình trạng đó đi. Phải tuân theo quy tắc này: thà ít mà tốt.
BCH Trung ương Đảng vừa ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên BCH Trung ương. Đây là “thước đo” phẩm chất một đảng viên cộng sản. Nếu ví những đảng viên của Đảng là những “hạt muối” với đầy đủ tính chất hóa học mặn mà thì quy định của Đảng cần trở thành là công cụ để “đo” được độ “mặn” của từng “hạt muối”. Phải loại bỏ chúng ra khỏi đội ngũ. Nếu từng đảng viên được ví như những “hạt muối” thì đã là muối phải mặn. Muối không mặn thì sao còn gọi là “muối” nữa?