Nghề tráng bánh phở truyền thống của dân tộc Lô Lô ở thị trấn Mèo Vạc
CTTBTG - Cùng với nghề thêu dệt thổ cẩm truyền thống, người Lô Lô ở thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc, Hà Giang) còn đang duy trì và phát triển nghề tráng bánh phở gia truyền đến nay được hơn 30 năm.
Hiện nay, thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc có 107 hộ gồm các dân tộc: Giáy, Hoa, Mông, Tày, Kinh, Lô Lô cùng sinh sống; trong đó dân tộc Lô Lô chiếm số lượng đông nhất với 70 hộ thì có 34 hộ làm nghề tráng bánh phở và 24 hộ làm nghề thêu thổ cẩm. Sản phẩm bánh phở làm ra được người dân bán tại nhà và đem bán tại chợ phiên thị trấn Mèo Vạc, chợ phiên xã Lũng Phìn (huyện Đồng Văn).
Theo bà Thàng Thị Minh 64 tuổi, dân tộc Lô Lô chia sẻ: “Để làm bánh phở thơm ngon, người dân chú ý chọn mua loại gạo ngon, không lẫn gạo nếp, đem về ngâm nước khoảng 12 giờ cho gạo nở đều. Rồi mới tiến hành xay bột, đem hấp cho bánh chín và mang đi phơi”. Mọi khâu cơ bản được những bày tay khéo léo của phụ nữ Lô Lô làm thủ công, thông thường có 2 người chế biến từ đầu đến cuối. Bình quân mỗi hộ làm từ 30 đến 40 kg phở tươi đem ra chợ bán. Sản phẩm bánh phở tươi được nhân dân và du khách đến thưởng thức rất đông tại chợ phiên thị trấn Mèo Vạc vào sáng chủ nhật hàng tuần. Ngoài chế biến phở tươi, hiện nay có 10 hộp thường xuyên làm cả phở khô để bán tất cả các ngày trong tuần.
Vì vậy, đến thăm thôn Sảng Pả A vào những ngày thứ 6, thứ 7 hàng tuần mới thấy được không khí tráng bánh phở của người dân tộc Lô Lô nơi đây nhộn nhịp, đông vui như ngày hội.
Dưới đây là một số hình ảnh về nghề tráng bánh phở truyền thống của dân tộc Lô Lô ở thị trấn Mèo Vạc.
- Gạo được ngâm trước khi cho vào máy xay thành bột
- Bột đổ đều vào khay to đem đi hấp
- Bánh chín được bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ Lô Lô đem phơi
- Những bánh phở tươi thơm ngon được bán phục vụ khách tại chợ phiên thị trấn Mèo Vạc