A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao hiệu quả quản trị công, lấy người dân làm trung tâm

Sáng 15/4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp các đối tác tổ chức Lễ công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh Việt Nam (PAPI) năm 2024.

Toàn cảnh Lễ công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh Việt Nam (PAPI) năm 2024.

Toàn cảnh Lễ công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh Việt Nam (PAPI) năm 2024.

Tại hội nghị công bố Báo cáo PAPI 2024, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Trong hơn một thập kỷ qua, Lễ công bố kết quả điều tra Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (gọi tắt là PAPI) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức đã trở thành sự kiện thường niên được nhiều người mong đợi. Kết quả điều tra của PAPI là nguồn dữ liệu, thông tin rất bổ ích để chính quyền rà soát hiệu quả hoạt động của bộ máy, chất lượng dịch vụ công, từ đó xây dựng chính sách và kế hoạch hành động để cải thiện hiệu quả hoạt động của mình".

Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024 cho thấy, chính quyền các cấp trong năm 2024 đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ ở một số lĩnh vực trong công tác quản trị địa phương và cung ứng dịch vụ công cho người dân.

Đồng thời, những phát hiện từ Chỉ số PAPI 2024 cũng chỉ ra sự khác biệt trong trải nghiệm và cảm nhận của người dân thuộc các nhóm nhân khẩu học khác nhau. Cụ thể, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người tạm trú và người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và dịch vụ công thấp hơn so với các nhóm dân cư khác.

Còn "khoảng trống" lớn trong độ bao phủ bảo hiểm xã hội

Đặc biệt, Báo cáo PAPI 2024 đã đi sâu phân tích và nêu bật những trải nghiệm và cảm nhận ngày một rõ nét của người dân về những rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu trong năm qua, do ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Yagi (cơn bão được đánh giá mạnh nhất trong 70 năm qua đổ bộ vào Việt Nam) để lại. Báo cáo cũng cho thấy cảm nhận của người dân về sự bấp bênh về điều kiện kinh tế của người dân trong tương lai xuất phát từ khoảng trống lớn trong độ bao phủ của bảo hiểm xã hội.

Trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai công cuộc cải cách nền quản trị công mang tính lịch sử, đặc biệt là việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền hai cấp và tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh, đây là một cơ hội vô cùng quan trọng để thúc đẩy quản trị bao trùm cũng như hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách nhằm giải quyết những thách thức mà người dân đã phản ánh thông qua Chỉ số PAPI.

Ưu tiên nâng cao hiểu biết về chuyển đổi số, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng số để triển khai Nghị quyết số 57 sẽ góp phần cải thiện điều kiện và khả năng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của người dân, từ đó thu hẹp khoảng cách số hiện nay. Việc thực thi có hiệu quả Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 từ tháng 7 năm 2025 tạo cơ hội kịp thời cho việc mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm dễ bị tổn thương được tiếp cận bảo hiểm xã hội, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

Đại sứ Ireland tại Việt Nam, bà Deirdre Ní Fhallúin nhận định: Độ bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng được mở rộng ở Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn rất hạn chế.

"Khảo sát PAPI 2024 cho thấy chỉ có 29% số người trả lời có bảo hiểm xã hội, và tỷ lệ này ở nhóm lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức và dân tộc thiểu số còn thấp hơn đáng kể. Việc mở rộng độ bao phủ theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 sẽ góp phần giảm thiểu những quan ngại của người dân về đói nghèo và bất ổn kinh tế”, Đại sứ Ireland tại Việt Nam nhấn mạnh.

Thúc đẩy quản trị môi trường

Báo cáo cũng nhấn mạnh tác động của các thảm họa liên quan đến khí hậu đối với cảm nhận của người dân về tình hình kinh tế hộ gia đình.

Phát hiện từ khảo sát PAPI năm 2024 cho thấy, khi biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ nét, cảm giác dễ bị tổn thương của người dân nói chung gia tăng, với gần 40% số người trả lời cho biết gia đình hoặc cộng đồng của họ đã chịu tác động trực tiếp từ các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm qua.

Những tác động tàn khốc của cơn bão Yagi và tần suất ngày càng tăng của các đợt nắng nóng, ngập lụt và hạn hán bất thường cho thấy tính cấp thiết của việc thúc đẩy quản trị môi trường có sự tham gia sớm của cộng đồng. Cần tăng cường khả năng ứng phó với thảm họa, đầu tư kiên cố hóa cơ sở hạ tầng và bảo đảm thực hiện các biện pháp ứng phó phù hợp với đặc điểm của từng vùng, khu vực dân cư để bảo vệ cộng đồng và nâng cao khả năng chống chịu lâu dài trước biến đổi khí hậu.

Trưởng đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam - bà Ramla Khalidi cho rằng: Những phát hiện từ khảo sát PAPI năm 2024 cho thấy nhu cầu cấp thiết và cơ hội to lớn của việc thúc đẩy bình đẳng giới, hòa nhập xã hội và khả năng tiếp cận dịch vụ công một cách công bằng thông qua các cải cách quản trị đang được triển khai trong năm 2025.

"Những phát hiện này gợi mở một lộ trình dựa trên bằng chứng thực tiễn hướng tới nâng cao hiệu quả quản trị công lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm những cải cách thể chế hiện nay và tới đây sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân Việt Nam”, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

NHẬT ANH


Nguồn: Báo Nhân dân điện tử
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.460
Hôm qua : 3.234
Tháng 04 : 53.238
Năm 2025 : 223.812