A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hướng tới năm cuối của chu trình đổi mới giáo dục phổ thông

Năm học 2024-2025 là năm cuối của chu trình đổi mới giáo dục phổ thông - triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT) - với 3 lớp học cuối cùng là lớp 5, lớp 9, lớp 12. Nhìn lại chặng đường 4 năm qua, việc triển khai chương trình mới đã đi từ bỡ ngỡ, khó khăn đến kết quả tích cực và kì vọng về những thay đổi căn bản, toàn diện của giáo dục phổ thông.

4 năm triển khai với nhiều kết quả tích cực

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên cả nước bước vào triển khai CT GDPT 2018 bắt đầu với lớp 1. Đến năm học 2023-2024 chương trình mới đã được triển khai ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10 và lớp 11. Năm học 2024-2025 sắp tới sẽ là năm hoàn tất một chu trình đổi mới, khi việc áp dụng chương trình mới được thực hiện ở lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện CT GDPT 2018 đến năm học 2022-2023: Việc xây dựng và ban hành CT GDPT 2018 đã đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông theo qui định tại Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội. Chương trình đã cụ thể hóa việc đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục từ tập trung vào trang bị kiến thức, kĩ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hoà giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp. Công tác chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện và triển khai thực hiện CT GDPT2018 của Bộ GDĐT đã bao quát đầy đủ các vấn đề: chuẩn bị sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương, tập huấn giáo viên, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của chương trình mới. Các địa phương đã tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GDĐT phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục. Triển khai trong bối cảnh nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song kết quả thực hiện CT GDPT 2018 tại các địa phương, cơ sở giáo dục trong những năm qua về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu; việc thực hiện đổi mới trong xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo tinh thần chủ động, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn đã được thực hiện có hiệu quả; việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá đã được thực hiện ngày càng thực chất, hiệu quả. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh học theo CT GDPT 2018 đã có những chuyển biến tích cực; mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh của CT GDPT 2018 bước đầu đã được khẳng định, tạo niềm tin trong giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.

Ảnh minh hoạ

Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã đánh giá: Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, Bộ GDĐT, các bộ, ngành, địa phương cũng như toàn ngành giáo dục đã nỗ lực triển khai thực hiện, tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận. Việc đổi mới phương pháp giáo dục được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục. Học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng. Hình thức tổ chức dạy học đa dạng, từng bước ứng dụng công nghệ tiên tiến. Phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng đã được chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học; đo lường sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập. 4 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng cho thấy nỗ lực của cả nước, ngành giáo dục trong đảm bảo cơ sở vất chất và đội ngũ giáo viên - 2 điều kiện quan trọng nhất của quá trình đổi mới. Hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư. Năm học 2021-2022, cả nước có 12.354 trường tiểu học, 10.672 trường trung học cơ sở, 2.441 trường trung học phổ thông, trong đó, có 316 trường phổ thông dân tộc nội trú tại 49 tỉnh, thành phố và 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú tại 28 tỉnh. Tổng số phòng học trên cả nước là 465.530 phòng (tăng 156.346 phòng so với năm học 2018 - 2019); tỉlệ phòng học kiên cố đạt 87,42% (tăng 5,8% so với năm học 2018-2019). Cả nước có 87.426 phòng học bộ môn, 211.572 bộ thiết bị dạy học. Qui mô, chất lượng đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai CT GDPT 2018. Tổng số giáo viên phổ thông cả nước tính đến cuối năm học 2021-2022 là 857.993 người (tăng 12.109 người so với đầu năm học 2018 - 2019), được bổ sung 14.835 biên chế trong năm học 2022-2023. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo của cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông lần lượt là 75,3%, 86,4% và 99,9%, vượt chỉ tiêu so với lộ trình quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, trước thực trạng thiếu giáo viên, ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026. Theo đó, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Gỡ khó, quyết tâm và kì vọng

4 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một trong những từ khoá được nhắc đến nhiều, đó là “khó khăn”. Khó khăn đến từ thiếu cơ sở vật chất; công tác mua sắm thiết bị dạy học gặp khó khăn; nhiều địa phương, nhà trường thiếu thiết bị dạy học tối thiểu đến gặp khó khăn trong tổ chức dạy và học theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông2018. Khó khăn đến từ thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên các môn học mới, tập huấn giáo viên, tâm thế sẵn sàng của giáo viên để triển khai chương trình… Những khó khăn này đã bộc lộ ngay ở giai đoạn đầu triển khai chương trình và phần nào gây băn khoăn, lo lắng cho cả những người thực hiện và những người quan tâm tới giáo dụcphổ thông. Nhưng cũng từ khó khăn đã thấy quyết tâm, nỗ lực để thực hiện bằng được chương trình mới của toàn ngành Giáo dục, từng địa phương, từng thầy cô giáo. Phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 thì triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một trong những việc lớn nhất, dài nhất, khó khăn nhất, thách thức nhất và sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc nhất cho giáo dục. Bộ trưởng đánh giá, nửa chặng đường triển khai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện ở việc triển khai đúng tiến độ, đúng kế hoạch, đồng bộ trên cả nước và tất cả đã vào cuộc. Khẳng định sẽ không có bản tổng kết nào có thể kể hết được những công việc sáng tạo, bền bỉ, âm thầm của từng địa phương, nhà trường, thầy cô giáo để triển khai Chương trình, Bộ trưởng ghi nhận, công đầu thuộc về các Sở GDĐT, các nhà trường và đội ngũ giáo viên đứng lớp.“Trước mắt chúng ta còn nhiều vướng mắc, còn nhiều việc chưa hài lòng, còn nhiều việc phải làm tốt hơn, nhưng vẫn phải nhìn nhận rằng chúng ra đã đạt được những mục tiêu rất căn bản. Những gì chưa làm được là bộ phận, là việc nhỏ hơn những việc đã làm được”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Ảnh minh hoạ

Năm học 2024-2025 sẽ là năm hoàn tất một chu trình đổi mới, khi việc áp dụng chương trình mới được thực hiện ởnhững lớp cuối cùng - lớp 5, lớp 9, lớp 12. Từ kết quả chặng đường đầu tiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh sâu sắc phương diện ý chí, quyết tâm, với khẳng định: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là quyết tâm chính trị của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, của đất nước, do đó quá trình thực hiện chỉ nhìn về phía trước và chỉ được phép thành công. Sản phẩm của giáo dục là con người, do đó, đổi mới giáo dục luôn cần một quá trình mới thấy được kết quả. Với ý nghĩa của năm cuối cùng hoàn tất chu trình nhưng cũng mang ý nghĩa khẳng định đổi mới giáo dục phổ thông đã đi đúng hướng, năm học 2024-2025 và những năm tiếp theo sẽ cần nhiều hơn nữa sự nỗ lực, quyết tâm của không chỉ ngành Giáo dục mà của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Trong đó, các ưu tiên về điều kiện để triển khai thực hiện gồm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cần phải được quan tâm giải quyết mạnh mẽ hơn nữa. Sự quan tâm tới đâu của địa phương cho các điều kiện này sẽ quyết định thành - bại của quá trình đổi mới. Sự quan tâm đúng thời điểm “cần quan tâm” là năm học hoàn tất chu trình đổi mới cũng sẽ mang lại nhiều ý nghĩa. Riêng về đội ngũ giáo viên, bên cạnh đảm bảo về số lượng, chất lượng, tạo lập được một thể chế để phát triển, tôn vinh, bảo vệ nhà giáo đã là ấp ủ từ hàng chục năm qua của ngành Giáo dục. Ấp ủ ấy đang được hiện thực hoá bằng dự thảo Luật Nhà giáo dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong những Kỳ họp sắp tới. Sát cánh cùng nhà giáo trong quá trình đổi mới cũng là một trong những việc mà các cơ quan quản lí giáo dục các cấp đã làm và cần làm tốt hơn nữa. Như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD ĐT Nguyễn Kim Sơn: “Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi, cải cách nên hàng ngày, hàng giờ phải lắng nghe việc triển khai thực tế như thế nào, giáo viên lên lớp có khó khăn gì. Cần tăng cường hơn nữa trao đổi chuyên môn hai chiều giữa Bộ và các Sở GDĐT, nhà trường, giáo viên. Các vấn đề về chuyên môn phát sinh phải xử lí ngay, hỗ trợ nhanh cho giáo viên”.


Nguồn: Tạp chí Giáo dục
Thống kê truy cập
Hôm nay : 94
Hôm qua : 4.128
Tháng 08 : 55.301
Năm 2024 : 687.545