A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng lòng xây dựng nếp sống văn minh

Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển rộng khắp, đem đến diện mạo mới trong đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Những hủ tục được đẩy lùi, khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng củng cố, bản sắc văn hóa tốt đẹp được gìn giữ, phát huy chính là điểm nhấn từ sự chung sức, đồng lòng xây dựng đời sống văn hóa mới của các tầng lớp nhân dân.

Thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) có 38 hộ, 202 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Trước đây, trong đời sống sinh hoạt của người dân còn tồn tại nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng, dưới sự tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền xã cùng Ban cán sự thôn, bà con đã tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Trong đó, tập trung xóa bỏ các hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; giờ đây các đám cưới, đám tang đều được tổ chức gọn nhẹ, văn minh, tiết kiệm; không còn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Người người, nhà nhà thi đua phát triển kinh tế, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà. Các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thường xuyên phát động phong trào vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây, trồng hoa dọc các tuyến đường.

Người dân thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) luyện tập thể thao.

Anh Triệu Mềnh Kinh, thôn Nậm Hồng chia sẻ: Cùng với việc chú trọng xóa bỏ hủ tục, vệ sinh môi trường sạch, đẹp, người dân trong thôn cũng tích cực gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, coi đây là điểm nhấn để thu hút du khách. Kiến trúc nhà ở, trang phục, các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, những nghi lễ truyền thống độc đáo như Nhảy lửa, cúng Bàn Vương được phát huy tốt đã góp phần xây dựng Nậm Hồng trở thành làng văn hóa du lịch tiêu biểu, thu hút đông đảo du khách ghé thăm. Đến nay, thôn có 11 hộ cải tạo, nâng cấp nhà ở theo kiến trúc của dân tộc Dao để làm homestay; 6 điểm sinh thái nghỉ dưỡng, cùng các dịch vụ khác như: Ăn uống, tắm lá thuốc người Dao đỏ, văn hóa, văn nghệ… Đời sống mọi mặt của nhân dân trong thôn được nâng lên đáng kể.

Tập trung xóa bỏ hủ tục đi đôi với phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cũng được nhân dân thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) đẩy mạnh thực hiện để xây dựng đời sống mới. Toàn thôn có hơn 300 hộ, đa số là đồng bào Mông sinh sống. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thôn đã yêu cầu 100% hộ gia đình ký cam kết không vi phạm pháp luật, không tham gia tệ nạn xã hội; bài trừ các hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới. Định kỳ hàng tháng, các đoàn thể tổ chức ra quân chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, vệ sinh đường làng và trồng hoa dọc các tuyến đường; thôn còn xây dựng nghĩa trang tập trung, điểm xử lý rác thải, góp phần vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp. Đến nay, toàn thôn có trên 30% hộ khá, giàu; các tuyến đường trong thôn được bê tông sạch đẹp; tập quán lạc hậu được đẩy lùi, tạo nên diện mạo nông thôn đổi mới.

Theo báo cáo, tính đến hết năm 2023, tỷ lệ làng, thôn, tổ dân phố văn hóa toàn tỉnh đạt 68%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 74,2%. Các địa phương luôn quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở, nhờ đó các phong trào văn hóa, văn nghệ, hoạt động thể dục, thể thao ngày càng phát triển rộng khắp. Hiện, tỷ lệ xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng đạt trên 84%; số thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa đạt trên 89%. Các thôn, bản thường xuyên rà soát, bổ sung quy ước, hương ước, đưa nội dung xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh vào quy ước, hương ước của khu dân cư; yêu cầu 100% gia đình ký cam kết thực hiện. Các mô hình tổ tự quản về an ninh trật tự, thanh niên nói không với vi phạm pháp luật, dòng họ văn minh... ngày càng được nhân rộng. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân thường xuyên phát động ra quân chỉnh trang nhà cửa; vệ sinh các tuyến đường, trụ sở cơ quan; thu gom, xử lý rác thải; trồng cây xanh, trồng hoa; hạn chế sử dụng túi nilon, bảo vệ nguồn nước... thu hút sự tham gia của đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang; các thôn, bản đã tích cực xóa bỏ những thủ tục rườm rà trong việc cưới, việc tang và lễ hội, những thói quen xấu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Các hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tổ chức đám cưới, đám tang dài ngày, giết mổ nhiều gia súc gây lãng phí, tốn kém; cúng bái khi có người ốm đau... đã từng bước được xóa bỏ trong đời sống của đồng bào các dân tộc

Có thể nói, nhờ sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, một nếp sống mới văn minh đang hiện hữu khắp các bản làng nơi vùng cao cực Bắc. Tạo động lực để nhân dân phấn khởi thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.

Bài, ảnh: YÊN HOA


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.503
Hôm qua : 4.234
Tháng 06 : 85.685
Năm 2024 : 498.071