Di tích Bãi đá cổ Nấm Dẩn - Xín Mần
CTTBTG - Di tích Bãi đá cổ thuộc địa phận thôn Nấm Dẩn, xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần. Khu vực có di tích nằm trong một thung lũng rộng, xung quanh là những dãy núi cao bao bọc. Trên bề mặt thung lũng này là nhà và những thửa ruộng, giữa thung lũng là dòng suối Nậm Khoòng quanh năm chảy xiết.
Trên bề mặt thung lũng và dọc ven suối có nhiều tảng đá lớn nằm ngổn ngang, đặc biệt, có một tảng đá thuộc loại magma biến chất hình gần chữ nhật với chiều dài bề mặt 12,70m, rộng 9,20m, dày không đều từ 1m - 1,40m. Bề mặt tảng đá khá bằng phẳng, trên đó có hơn 80 hình chạm khắc với nhiều hoạ tiết và kích cỡ khác nhau gồm các nhóm sau: (1) Là các dạng hình học như hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông ... đây là môtip họa tiết giữ vai trò chủ thể. Có thể chia nhóm này thành một số tiểu loại hình là: Hình vòng tròn gồm loại vòng tròn đơn, ở giữa có khoét 1 lỗ vũm, số lượng 23 vòng, đường kính các vòng tròn này có sự khác nhau khá lớn từ 11cm - 70cm. Lỗ vũm khoét ở bên trong có thể là ở giữa tâm, có thể là lệch tâm. Loại hình này phân bố khá đều trên bề mặt tảng đá và với 2 vòng có những tia khắc ở xung quanh, tựa hồ như biểu tượng mặt trời. Vòng tròn đơn, ở giữa có khoét nhiều lỗ vũm có 5 vòng, đường kính các vòng tròn này có sự khác nhau khá lớn. Nhiều vòng tròn đồng tâm (từ 2 vòng trở lên), bên trong có khoét từ một đến nhiều lỗ vũm: 5 vòng. Đáng chú ý là có một vòng có 2 tia khắc ở vòng ngoài. Vòng tròn đơn, bên trong khoét nhiều lỗ vũm, bên ngoài có nhiều lỗ vũm khoét bao quanh: 2 hình. (2) Là những hình hồi văn vuông và hình tròn, hồi văn hình vuông có 6 hình. hồi văn hình tròn có 2 hình. (3) Là những vạch đục khắc song song gồm 6 hình, có hình khắc 4 vạch, có hình 5 vạch, có hình 18 vạch trong đó có hình được khắc bó viền hình chữ nhật. (4) Là những biểu tượng sinh thực khí, phân bố khá gần nhau, có kích cỡ khác nhau. (5) Những hình bàn chân người 2 hình, hai bàn chân này nằm cách xa nhau hơn 9m; thường là bàn chân phải của người với kích thước to gần như thật, những ngón chân được khắc lõm sâu vào trong đá. (6) Là hình người, thường được thể hiện trong tư thế giơ hai tay, dạng hai chân như chúng ta thường thấy trong các bích hoạ thời tiền sử, có 4 hình, phân bố không tập trung. (7) Là những hình khắc .
Ngoài hơn 80 hình khắc vẽ ra, trên bề mặt tảng đá còn có khoảng 80 lỗ vũm, được khoét với đường kính trung bình từ 5cm - 6cm, sâu từ 1cm - 2 cm, các lỗ vũm phân bố chủ yếu ở đầu phía tây của tảng đá. Để tạo những hình khắc này, theo các nhà khảo cổ học, người xưa đã sử dụng kỹ thuật đục khắc còn rất thô sơ, dùng đục có sự trợ giúp của búa, đục trực tiếp trên bề mặt tảng đá. Những rãnh đục này thường có mặt cắt hình lòng máng, bề rộng miệng khoảng từ 1cm - 2cm, sâu từ 0,7cm - 1cm. Dựa vào các hoa văn trên đá, các nhà khảo cổ tin rằng mỗi hình vẽ mang ý nghĩa đặc trưng về tập tục văn hóa xa xưa của tổ tiên; điều này cho thấy nghệ thuật tạo hình ở đây có chịu ảnh hưởng của nghệ thuật tạo hình thời tiền - sơ sử.
Bãi đá cổ Nấm Dẩn là di tích thứ hai sau bãi đá cổ Sa Pa; giá trị nghiên cứu khoa học của chúng rất cao bởi hầu như chưa có sự xâm hại của con người thời sau này, di tích hầu như còn được bảo tồn nguyên trạng, là một kho tàng văn hóa, lịch sử và tín ngưỡng có giá trị nghiên cứu khoa học to lớn. Di tích Bãi đá cổ Nấm Dẩn đã được xếp hạng cấp quốc gia năm 2008.