Để tiếng khèn ngân vang
Với đam mê thổi khèn và mong muốn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc không bị mai một, ông Thò Chứ Dia, sinh năm 1964, dân tộc Mông, nghệ nhân dân gian thôn Cán Chu Phìn, xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc) đã dành nhiều thời gian, tâm huyết truyền dạy khèn Mông cho thế hệ trẻ tại địa phương.
Từ nhỏ, ông Thò Chứ Dia đã sớm đam mê với tiếng khèn Mông. Đây có lẽ là gien được thừa hưởng từ người cha của mình. Trước đây, mỗi lần đi theo cha thổi khèn phục vụ các lễ hội, đám cưới, ma chay, ông Dia đều chăm chú lắng nghe giai điệu, tập trung quan sát từng chi tiết sử dụng khèn của cha. Theo thời gian, đam mê thổi khèn như đã ăn sâu vào tâm trí, dòng máu của ông. Năm 15 tuổi, ông đã có thể sử dụng thành thạo chiếc khèn, trở thành một trong những thanh niên thổi khèn giỏi trong vùng. Từ đó đến nay, chiếc khèn trở thành người bạn tri kỷ, luôn bên ông mỗi khi vui, buồn và đồng hành cùng ông tham gia phục vụ các hoạt động ở nhiều thôn, bản.
Ông Thò Chứ Dia truyền dạy khèn Mông cho thế hệ trẻ.
Ông Thò Chứ Dia chia sẻ: Xã Cán Chu Phìn có 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Với người Mông, chiếc khèn không đơn thuần là một nhạc cụ dân tộc mà còn là kết tinh văn hóa truyền thống, món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống. Khèn Mông thường được sử dụng để giao lưu trong các phiên chợ, lễ hội, dịp lễ, Tết hoặc phục vụ trong các đám hiếu, hỷ. Âm thanh của tiếng khèn là âm thanh của núi rừng. Tiếng khèn vang lên thể hiện tiếng lòng của mình với bạn tình, thiên nhiên, đất trời và giao tiếp giữa dương gian với thần linh, cõi âm. Tuy nhiên, trước những thay đổi của đời sống, khèn Mông đang dần có nguy cơ mai một, nhiều thanh niên người Mông không biết thổi khèn. Thực tế này đặt ra vấn đề cần thiết phải truyền dạy khèn Mông cho thế hệ trẻ để kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc.
Từ quan điểm trên, nhiều năm qua, ông Dia tích cực tuyên truyền, vận động người thân, anh em, họ hàng lưu giữ, luyện tập thổi khèn Mông; đồng thời chủ động phối hợp với các thôn trên địa bàn xã mở các lớp học khèn Mông cho thế hệ trẻ. Theo ông Dia, học khèn Mông không khó, quan trọng là phải hiểu được ý nghĩa của khèn, nắm vững kỹ năng sử dụng nốt nhạc, thổi thành thạo nhiều thể loại. Với sự tâm huyết, tận tình truyền dạy theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, nhiều học trò của ông đã thành thạo, nắm vững kỹ thuật thổi và làm chủ được cây khèn; trong đó không ít người đã có thể đi biểu diễn, phục vụ các sự kiện của thôn, dòng họ.
Lớp học khèn Mông của ông Thào Chứ Dia.
Anh Già Mí Sính, ở xã Cán Chu Phìn, là một cựu học trò của ông Dia cho biết: “Trước đây, tôi được thầy Dia truyền dạy thổi khèn Mông. Phương pháp dạy của thầy rất bài bản, dễ hiểu, có hệ thống, đi từ kiến thức cơ bản đến nâng cao. Giờ đây, tôi tự tin biểu diễn các hình thức khèn đơn, đôi, tập thể; biết kết hợp giữa thổi khèn với các động tác múa, đá chân, quay tại chỗ, lăn nghiêng. Đặc biệt hơn, tôi đã được đi thổi khèn tại một số lễ hội, đám ma trong vùng”.
Hiện nay, ông Dia đang phối hợp với các thôn trên địa bàn xã Cán Chu Phìn mở 2 lớp truyền dạy khèn Mông cho gần 40 học viên. Thời gian tổ chức dạy từ tháng 5 – 8. Trong thời gian hơn 3 tháng, các học viên được ông Dia hướng dẫn làm quen với khèn; luyện các ngón tay. Sau khi quen tay, các học viên được học một số bài khèn đơn giản; cách lấy hơi để được hơi sâu, dài. Tiếp đó là các bài khèn phục vụ đám hiếu, hỷ; các động tác, tư thế múa khèn…
Em Thò Minh Thái, sinh năm 2009, thôn Há Dấu Cò là một thanh niên yêu nhạc cụ dân tộc, nhất là thổi khèn. Vì thế, em đã đăng ký học lớp khèn Mông của thầy Dia. Em Thái chia sẻ: “Thầy Dia mở lớp vào dịp Hè nên rất thuận lợi cho các học viên. Đây cũng là hoạt động bổ ích cho học sinh trong thời gian được nghỉ học. Ban đầu học khèn em gặp nhiều khó khăn, song được sự hướng dẫn tỉ mỉ của thầy, đến nay, cơ bản em đã thổi được một số bài đơn giản. Thời gian học tiếp theo, em sẽ cố gắng tiếp thu, rèn luyện để sử dụng thành thạo được chiếc khèn”.
Giờ đây, lớp học giữa vùng núi đá Cán Chu Phìn vẫn ngân vang tiếng khèn Mông. Với quan điểm, “còn sức khỏe, còn cống hiến”, ông Thò Chứ Dia tiếp tục dành thời gian truyền dạy khèn Mông cho thế hệ trẻ, qua đó góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc tại địa phương.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ