A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đấu tranh với tư tưởng bè phái, cục bộ

Bè phái, cục bộ là một căn bệnh nguy hiểm, nó không chỉ gây mất đoàn kết trong Đảng, làm lệch hướng hành động của đảng viên mà còn có thể triệt tiêu những nhân tố tích cực trong Đảng. Chính vì vậy, để giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh loại bỏ những tư tưởng bè phái, cục bộ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Ngày nay, lời căn dặn ấy đã trở thành lẽ sống, phương châm sống của nhiều người dân Việt Nam đồng thời là khẩu hiệu hành động của Đảng và Nhà nước ta. Đối với dân tộc Việt Nam, đoàn kết không chỉ là một truyền thống tốt đẹp hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước mà còn là cội nguồn của sức mạnh giúp dân tộc Việt Nam vượt qua những sóng gió, thử thách của lịch sử để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn kết không chỉ là phương châm hành động mà còn là nguồn sức mạnh to lớn của Đảng. Để thực hiện vai trò lãnh đạo của mình, Đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh và muốn Đảng mạnh thì không chỉ cần đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân tập trung dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng mà điều cốt tử đối với Đảng là đoàn kết trong nội bộ Đảng. Hồ Chí Minh đã từng cho rằng: “nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta”[1]. Vì vậy, để tiếp tục lãnh đạo cách mạng thành công thì phải đoàn kết, thống nhất một lòng từ trên xuống dưới chính trong nội bộ Đảng. Từ đó, Người căn dặn Đảng ta phải: “Giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Đại biểu dự Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt phấn khởi chúc mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Mặt trận Liên Việt (tháng 3-1951). Ảnh tư liệu.

Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến hết sức phức tạp, các thế lực thù địch, phản động đang ra sức chống phá cách mạng Việt Nam, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, thậm chí tìm cách phá hoại sự thống nhất trong Đảng. Không chỉ đối mặt với sự chống phá từ bên ngoài, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng hiện nay còn đang bị thách thức bởi những tư tưởng bè phái, cục bộ của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ , Đảng ta đã chỉ ra một trong những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống đó là: “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành”. Bè phái, cục bộ là một căn bệnh nguy hiểm, nó không chỉ gây mất đoàn kết trong Đảng, làm lệch hướng hành động của đảng viên mà còn có thể triệt tiêu những nhân tố tích cực trong Đảng. Chính vì vậy, để giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh loại bỏ tư tưởng bè phái, cục bộ.

Hiện nay, tư tưởng bè phái, cục bộ có nhiều biểu hiện trong đó cục bộ địa phương, cục bộ vùng miền là rõ ràng nhất. Hành vi dễ nhận thấy của tư tưởng cục bộ trong công tác cán bộ đó là việc bỏ phiếu bầu cử, bỏ phiếu tín nhiệm, cất nhắc cán bộ, đề bạt cán bộ… không dựa trên cơ sở khách quan mà dựa trên yếu tố chủ quan như tâm lý bầu cho người địa phương mình, cất nhắc, đề bạt người địa phương mình... Thực chất, đó là tâm lý “một người làm quan, cả họ được nhờ”, “hậu duệ”, “đồ đệ”, “lợi ích nhóm”, “cánh hẩu”...

Để củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đấu tranh với tư tưởng bè phái, cục bộ, chúng ta cần:

Một là, tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, lý tưởng sống cống hiến cho đội ngũ đảng viên. Mỗi đảng viên cần ý thức rõ về vai trò, trách nhiệm của mình với Đảng và với nhân dân. Đội ngũ đảng viên là nền tảng của Đảng, là thành trì của Đảng, là nòng cốt trong hệ thống chính trị từ cấp cơ sở đến trung ương đồng thời là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Do đó, đội ngũ đảng viên có trách nhiệm xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Để ngăn chặn tư tưởng bè phái, cục bộ, mỗi đảng viên cần biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân và lấy lợi ích chung, lợi ích tập thể là mẫu số chung để thực hiện sự đoàn kết, gắn bó.

Hai là, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng. Bản thân mỗi đảng viên cần có tinh thần thẳng thắn, cầu thị, cần tự mình nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn và sẵn sàng nhận khuyết điểm, hạn chế của mình trước tập thể để có hướng khắc phục và ngày càng hoàn thiện bản thân. Đối với công tác phê bình, phê bình phải trên tinh thần xây dựng để giúp đồng chí của mình nhận ra hạn chế, khuyết điểm và giúp chỉ ra hướng khắc phục. Mục đích của công tác tự phê bình và phê bình chính là hoàn thiện năng lực, đạo đức của đội ngũ đảng viên để từng bước làm cho Đảng mạnh lên từ bên trong.

Ba là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống đoàn kết cho đội ngũ đảng viên, cần đưa nội dung này vào sinh hoạt thường xuyên của các tổ chức Đảng. Để tăng cường đoàn kết trong đội ngũ đảng viên, các tổ chức Đảng cần chú trọng công tác giáo dục lý tưởng chính trị, giáo dục lịch sử nhất là lịch sử Đảng. Truyền thống đoàn kết nội bộ là giá trị quý báu, là sức mạnh lớn lao của Đảng, có vai trò to lớn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu rõ vai trò và sức mạnh của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Do đó, cần tăng cường giáo dục truyền thống đoàn kết, biến nó thành phương châm hành động của từng đảng viên.

Bốn là, phát huy vai trò của người đứng đầu các tổ chức Đảng. Cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu có vai trò đặc biệt trong việc khơi dậy sức mạnh tập thể, phát huy tinh thần đoàn kết của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Muốn đoàn kết đội ngũ đảng viên trong tổ chức Đảng, người lãnh đạo đứng đầu cần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung, dân chủ đồng thời phải xử lý khéo léo, hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích giữa các cá nhân. Bên cạnh đó, người đứng đầu cũng cần thực hiện tốt vai trò “trọng tài” trong hòa giải giữa các đảng viên khi xảy ra bất đồng, mâu thuẫn.


[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t5, tr.301.

Dona Đoàn (vietnamthingvuong.com)


Thống kê truy cập
Hôm nay : 846
Hôm qua : 1.805
Tháng 01 : 25.676
Năm 2025 : 25.676