A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bước đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Xác định khoa học, công nghệ (KHCN) và chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là con đường bắt buộc để phát triển, tỉnh ta đã chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Ngay sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, tỉnh ta đã nhanh chóng tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt một cách sâu rộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là động lực mới cho phát triển KT-XH. Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, đồng thời phân công cụ thể trách nhiệm cho từng sở, ngành, địa phương. UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết, đưa vào lộ trình triển khai trong năm 2025.

 

Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất đồ mộc, ván sàn chất lượng cao tại tỉnh ta.

Một trong những điểm nổi bật là tỉnh đã chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin. Đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã phủ kín 240 điểm từ cấp tỉnh, huyện đến xã. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được nâng cấp, đảm bảo phục vụ hiệu quả cho các hệ thống thông tin dùng chung.

Hệ thống điều hành thông minh được triển khai đồng bộ với ba phân hệ chính: Họp không giấy tờ, Hệ thống báo cáo và Chỉ đạo điều hành. Đặc biệt, hệ thống đã liên thông với hệ thống báo cáo của Văn phòng Chính phủ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành từ Trung ương tới địa phương. Các cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan hành chính được duy trì và cập nhật thường xuyên, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện với các dịch vụ công. Hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh được triển khai rộng khắp tới 241 điểm cầu, đảm bảo thông tin xuyên suốt.

Cùng với đó, tỉnh ta cũng đã số hóa và chuẩn hóa 100% dữ liệu thuê bao trên địa bàn thông qua đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được nâng cấp theo hướng cá nhân hóa, không phụ thuộc địa giới hành chính. Việc cấp mã định danh, thiết lập tài khoản cho các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ sau khi sáp nhập tổ chức bộ máy. Camera giám sát giao thông và an ninh trật tự được đưa vào vận hành tại các tuyến quốc lộ và điểm trọng yếu, hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý đô thị và bảo đảm an ninh.

Mô hình ứng dụng chế phẩm công nghệ NANO trong sản xuất cam Sành.

Trong khu vực doanh nghiệp, có 42 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số. Hiện tỉnh đang xây dựng kế hoạch phủ sóng 4G, 5G trên toàn tỉnh, trong đó ưu tiên các khu vực vùng sâu, vùng xa và dân tộc thiểu số.

Để phát triển nguồn nhân lực, tỉnh đang nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút nhân lực công nghệ số, trí thức trẻ về công tác tại địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực còn thiếu chuyên gia.

Nhằm cụ thể hóa và đưa Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống, tạo những chuyển biến thực chất trong phát triển KT-XH của tỉnh, tỉnh ta đang tập trung gắn kết chặt chẽ hoạt động KHCN với thực tiễn sản xuất và đời sống, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp đặc thù của tỉnh. Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ là hướng đi quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm, nhất là các sản phẩm OCOP và nông sản chủ lực như cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, dược liệu. Xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại địa phương. Trọng điểm sẽ là việc thành lập Quỹ phát triển KHCN cấp tỉnh, tạo nguồn lực ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức KHCN thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới thiết bị, quy trình sản xuất. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, tiếp cận nền tảng công nghệ mới như AI, Big Data, thương mại điện tử.

Theo đồng chí Phan Đăng Đông, Giám đốc Sở KHCN, nguồn nhân lực phát triển KHCN và chuyển đổi số chất lượng cao là một trong những khó khăn lớn hiện nay. Để tháo gỡ “điểm nghẽn” này Sở KHCN sẽ tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt tập trung vào cán bộ chuyên trách cấp huyện, xã – những người trực tiếp triển khai nhiệm vụ ở cơ sở; tham mưu UBND tỉnh nâng tỷ trọng chi cho KHCN. Ưu tiên phát triển các sản phẩm KHCN có tính lan tỏa cao, gắn với tiềm năng, thế mạnh đặc thù của tỉnh. Cụ thể như nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý; ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, bảo quản nông sản vùng cao; hỗ trợ cấp mã vùng trồng, mã truy xuất nguồn gốc để phục vụ xuất khẩu.

Cùng với đó, ngành sẽ chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức về vai trò của KHCN và chuyển đổi số trong phát triển địa phương. Sự tham gia của người dân và doanh nghiệp có tính quyết định, vì vậy ngành đặt mục tiêu làm sao để người dân hiểu, tin và đồng hành cùng các chính sách của tỉnh trong lĩnh vực này.


Nguồn: Báo Hà Giang điện tử
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.414
Hôm qua : 3.234
Tháng 04 : 53.192
Năm 2025 : 223.766