Quan tâm thực hiện chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số ở Mèo Vạc
CTTBTG - Huyện Mèo Vạc quan tâm, chú trọng đến sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo; trong đó, việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú; hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mầm non tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các chính sách được triển khai đã góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần.
Năm học 2022-2023, toàn huyện Mèo Vạc có 56 đơn vị trường học trường học; trong đó: Mầm non 19 trường; Tiểu học 16 trường; THCS 16 trường; 02 trường PTDTBT TH&THCS, 01 trường PTDTNT THCS&THPT, 01 trường THPT và 01 Trung tâm GDNN-GDTX. Có 1.027 nhóm/lớp với 29.573 học sinh. Những năm học vừa qua, ngành Giáo dục đã thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách dành cho học sinh dân tộc thiểu số như hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ gạo... để các em có thêm điều kiện học tập.
Việc thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nâng cao tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh.
Cụ thể, năm học 2022- 2023; về chính sách hỗ trợ tiền ăn, ở, gạo theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP, toàn huyện thực hiện hỗ trợ tiền ăn cho 11.368 học sinh hưởng tiền ăn với kinh phí trên 60,6 tỷ đồng (596.000đồng/tháng/học sinh x 9 tháng); hỗ trợ gạo cho 11.376 học sinh hưởng hỗ trợ gạo (15kg/tháng/học sinh x 9 tháng); mua sắm dụng cụ thể thao và tiền thuốc cho 11.047 học sinh. Chính sách hỗ trợ bữa trưa cho trẻ em mầm non theo Nghị định 105/2021/NĐ-CP cho 7.598 trẻ em (160.000đồng/trẻ/tháng x 9 tháng). Chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP gồm: Hỗ trợ chi phí học tập: 27.098 học sinh (150.000đồng/tháng/học sinh x 9 tháng); miễn học phí cho 13.069 học sinh. Ngoài ra, ngành giáo dục huyện còn đang thực hiện một số chính sách như: hỗ trợ học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số rất ít người theo nghị định 57/2017/NĐ-CP cho 293 học sinh; hỗ trợ cho 5.542 học sinh nghèo theo Nghị quyết số 22/2011/NQHĐND; hỗ trợ giáo dục đối với người khuyết tật học giáo dục hòa nhập là 16 học sinh theo Thông tư số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXHBTC, ngày 31/12/2013 của liên Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTBXH và Bộ Tài chính.
Các đồng chí lãnh đạo huyện tăng cường kiểm tra việc thực hiện chế độ của các đơn vị trường học.
Ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc cho biết: Với nhiều chính sách được triển khai đồng bộ, chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm học 2022- 2023, tỷ lệ huy động trẻ 0-2 tuổi đi nhà trẻ đạt 3,17%; 3-5 tuổi đi mẫu giáo 93,93%; 5 tuổi đến lớp mẫu giáo 99,38%; 6 tuổi đi học lớp 1 đạt 99,92%; 6-14 tuổi đến trường đạt 98,30%. Tuyển sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,92%; tuyển sinh vào lớp 6 đạt 99,86%; tỉ lệ huy động và tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT và tương đương đạt 73,84% tăng 4,74% so với năm học trước, vượt 3,84% so với kế hoạch giao. Xếp loại hạnh kiểm Tốt đạt 68,47%; Khá đạt 27,21%. Xếp loại học lực đạt 1,62%, tăng 0,19% so với cùng kỳ năm trước; Khá đạt 20,58%,…
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách đối với học sinh DTTS trên địa bàn, huyện Mèo Vạc xác định trong thời gian tới, các cấp, ngành cần triển khai nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục và đào tạo, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo; cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục đào tạo; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục và đào tạo, thực hiện chuẩn hoá đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học sinh trên địa bàn…