A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả mô hình “Gia đình nói tiếng phổ thông” ở Đồng Văn

Đồng Văn là huyện vùng cao, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 90% dân số của huyện. Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên nhận thức của người dân nói chung và của phụ nữ nói riêng còn nhiều hạn chế; nhiều hủ tục vẫn ăn sâu trong tiềm thức mỗi người. Đặc biệt, sự bất bình đẳng giới vẫn còn dai dẳng khiến cho phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi. Trong đó tình trạng phụ nữ DTTS không biết nói tiếng phổ thông và mù chữ còn cao, gây trở ngại lớn trong giao tiếp, tiếp cận với thông tin. Nỗ lực để chị em phụ nữ xóa mù chữ, những năm qua, Hội Phụ nữ huyện đã có nhiều cách làm hay, triển khai nhiều mô hình hiệu quả. Trong đó, mô hình “Gia đình nói tiếng phổ thông” đã mang lại hiệu quả cao, có sức lan tỏa rộng khắp.

Hội Phụ nữ huyện Đồng Văn hiện có trên 13.000 hội viên. Trong đó, có trên 40% số hội viên, phụ nữ mù chữ, chủ yếu ở độ tuổi 15 – 60. Thậm chí có nhiều chị em còn không biết nói tiếng phổ thông nên nghe đài, xem tivi không hiểu nội dung, không nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thực hiện; khi làm các thủ tục giấy tờ phải dùng tay điểm chỉ. Để giúp chị em tự tin hòa nhập, thời gian qua, Hội Phụ nữ huyện đã phối hợp với Phòng Giáo dục, Trung tâm học tập cộng đồng mở các lớp học dành cho hội viên, phụ nữ mù chữ, tái mù chữ tại các xã, thị trấn. Từ năm từ 2021 đến 2023 mở được 23 lớp học xóa mù chữ với 505 chị em tham gia học tập.

Chị em, hội viên phụ nữ thị trấn Đồng Văn tích cực học tiếng phổ thông vào mỗi buổi tối.
Chị em, hội viên phụ nữ thị trấn Đồng Văn tích cực học tiếng phổ thông vào mỗi buổi tối.

Chị Vương Thị Xuyến, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết: Các lớp xóa mù chữ chủ yếu học vào các buổi tối hàng tuần do ban ngày chị em còn làm việc nhà, lên nương. Giáo viên là cán bộ  xã, Trưởng thôn, Bí thư chi bộ… Tại lớp học, chị em được làm quen với bảng chữ cái, các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, học ghép từ, giao tiếp với nhau bằng tiếng phổ thông. Sau mỗi khóa học, chúng tôi đều có bảng đánh giá chất lượng, đã có nhiều chị em, hội viên xếp loại tốt, biết đọc, biết viết, nói được tiếng phổ thông thành thạo, một số chị em biết đọc bảng chữ cái, biết viết tên của mình và người thân trong gia đình, giao tiếp các từ đơn giản bằng tiếng phổ thông. Sau khi lớp học kết thúc, Hội Phụ nữ các xã sẽ tiếp tục duy trì việc học tập của chị em thông qua mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gia đình nói tiếng phổ thông”.

Bên cạnh việc học tại lớp, chị em còn tranh thủ tự học ở nhà qua người thân trong gia đình. Mô hình “Gia đình nói tiếng phổ thông” là mô hình xóa mù chữ với hình thức học theo cặp, nhóm, người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ; phụ nữ tự học chữ, học tiếng phổ thông từ người thân, cộng đồng. Đến nay, toàn huyện Đồng Văn duy trì 766 nhóm học chữ và nói tiếng phổ thông; trong đó có 450 nhóm con dạy mẹ, 166 nhóm vợ chồng, 76 nhóm anh chị em; 33 nhóm bà cháu và 41 nhóm tự học tại 19/19 xã, thị trấn. “Rất nhiều chị em phụ nữ sau khi học viết chữ, nói tiếng phổ thông nhưng ngại giao tiếp, thiếu tự tin nên vẫn sử dụng tiếng đồng bào, nhất là khi nói chuyện với chồng, con. Khi không sử dụng, lâu dần, chị em sẽ bị quên. Vì vậy, mô hình “Gia đình nói tiếng phổ thông” là phương pháp học hiệu quả nhất mà Hội Phụ nữ huyện triển khai. Đến nay, các gia đình đã tích cực nói chuyện, giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Tại nhiều gia đình, các con được học chữ viết, tiếng nói ở trường khi về nhà sẽ trở thành “giáo viên” dạy lại cho bố mẹ. Mô hình này đã và đang có hiệu quả cao, góp phần tích cực trong công tác xóa mù chữ trên địa bàn huyện”. Chị Vương Thị Xuyến chia sẻ thêm.

Có thể thấy rõ, biết tiếng phổ thông và biết chữ, chị em đã tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, tham gia các hoạt động cộng đồng và tiếp thu được kiến thức qua các phương tiện thông tin đại chúng để áp dụng vào thực tế đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế. Cùng với đó, nhiều chị em sau khi biết chữ đã mạnh dạn đăng ký tham gia các lớp học nghề, phát triển kinh tế dựa vào thế mạnh của địa phương, từ đó chất lượng cuộc sống của chị em các DTTS đã từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, công tác tuyên truyền vận động chị em phụ nữ DTTS học xóa mù chữ còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chị em còn tư tưởng an phận, mặc cảm, tự ti, chưa có ý chí phấn đấu, ngại đi học. Do đó cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, giúp đỡ, hỗ trợ, động viên, tạo điều kiện để chị em phụ nữ tự tin tham gia vào các hoạt động xã hội, từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong cuộc sống hiện đại.

Bài, ảnh: MY LY


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.402
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.186
Năm 2024 : 512.532