A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển KT - XH. Trong quá trình hội nhập hiện nay, để đáp ứng thị trường lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN càng trở nên cấp thiết, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Các tân sinh viên nhập học tại Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang năm học 2023 - 2024.                                                Ảnh: CTV
Các tân sinh viên nhập học tại Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang năm học 2023 - 2024. Ảnh: CTV

Những năm qua, công tác GDNN luôn được các cấp, ngành quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng. Giai đoạn 2018 - 2022, toàn tỉnh đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng cho trên 51 nghìn lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56,6%; số lượng người tham gia vào GDNN ngày càng tăng; tỷ lệ người học sau tốt nghiệp có việc làm cao, thu nhập ổn định. Mạng lưới cơ sở GDNN được bố trí phù hợp; toàn tỉnh có 9 Trung tâm GDNN - GDTX huyện; 1 Trường Trung cấp DTNT - GDTX Bắc Quang; 1 Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh; Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang; 1 trường Trung cấp Y tế; 1 trường Cao đẳng KT&CN, 193 Trung tâm Học tập cộng đồng. Ngoài ra tỉnh có 9 trung tâm đào tạo, bồi dưỡng Ngoại ngữ, Tin học; 6 trung tâm giáo dục kỹ năng sống và 4 trung tâm tư vấn dịch vụ du học. Năm học 2022 - 2023, Trường Cao đẳng sư phạm Hà Giang đào tạo 136 sinh viên ngành Giáo dục Mầm non. Các trường, Trung tâm GDNN - GDTX chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới, đa dạng hình thức học tập, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng hoạt động. Một số doanh nghiệp ngoài tỉnh ký kết thỏa thuận với các cơ sở đào tạo lao động gắn với giải quyết việc làm. 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh tổ chức 135 hội nghị tư vấn việc làm, học nghề, định hướng nghề nghiệp cho trên 9.100 người; giải quyết việc làm cho trên 12.400 lao động; duy trì đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp cho 1.723 người và tuyển mới, đào tạo cho 8.580 người, tăng 245% so với cùng kỳ năm trước.

Thêm một tín hiệu vui với công tác GDNN tỉnh nhà khi năm học 2023 - 2024, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang tuyển sinh được trên 500 sinh viên nhập học thuộc các ngành: Tiểu học và Mầm non (Cao đẳng và Đại học chính quy), Du lịch; ngôn ngữ Anh; Luật; Quản lý Tài nguyên và Môi trường; chăn nuôi thú y; khoa học cây trồng; nông nghiệp công nghệ cao; kinh doanh quốc tế; kỹ thuật máy tính; dược liệu và hợp chất thiên nhiên. Một số ngành học, sinh viên được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, học bổng và đặc biệt liên kết giải quyết việc làm sau đào tạo.

Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vị Xuyên đào tạo ngành thú y cho học viên.                                                                              Ảnh: BIỆN LUÂN
Trung tâm GDNN - GDTX huyện Vị Xuyên đào tạo ngành thú y cho học viên. Ảnh: AN GIANG

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác GDNN còn nhiều khó khăn; một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của đào tạo nghề nghiệp trong nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực; sự phối hợp giữa cơ sở GDNN với các doanh nghiệp trong đào tạo gắn với giải quyết việc làm chưa chặt chẽ, thường xuyên; quy mô, cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo còn bất cập; chất lượng, hiệu quả đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành, nghề mới chưa theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội. Nguồn lực đầu tư cho phát triển GDNN chưa tương xứng; cơ sở vật chất, trang thiết bị, mô hình học cụ thực hành chưa đồng bộ; chương trình đào tạo chậm đổi mới. Theo Nghị quyết số 06 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển Giáo dục và Đào tạo, phấn đấu đến năm 2025, có 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 35% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng. Nhưng đến nay, toàn tỉnh mới có 15,63% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Nguyên nhân được đánh giá là do điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, hầu hết các em học sinh sau tốt nghiệp THCS không có nguyện vọng, điều kiện tiếp tục học THPT và tương đương đều tham gia vào lao động sản xuất, làm công nhân ở các khu công nghiệp để phụ giúp gia đình, tỷ lệ đi học tại các cơ sở GDNN rất ít.

Nhằm khắc phục khó khăn, đồng thời thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 21 ngày 4.5.2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 42 với mục tiêu đến năm 2030, thu hút 45 - 50% học sinh trung học vào hệ thống GDNN; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên khoảng 45% lực lượng lao động; có 1 cơ sở GDNN chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề và yêu cầu của thị trường lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 20%. Đến năm 2045, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng học sinh; hỗ trợ GDNN đối với thanh niên, nông dân và người lao động bằng nhiều hình thức; triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác về lao động, đào tạo lao động; rà soát, sắp xếp hệ thống cơ sở GDNN công lập, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển KT - XH; đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư vào hoạt động GDNN; huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ. Đặc biệt, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, đảm bảo “học đi đôi với hành”; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, kỹ năng mềm, tác phong lao động công nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng số đối với người học. Thường xuyên cập nhật, đào tạo lại đối với lực lượng lao động, nhằm nâng cao khả năng thích ứng với yêu cầu đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

BIỆN LUÂN


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.426
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.210
Năm 2024 : 512.556