A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy du lịch trên nền tảng số

 Bám sát chỉ đạo của các cấp, ngành du lịch tỉnh ta ứng dụng công nghệ số phù hợp với khả năng của địa phương; triển khai nhiều biện pháp kịp thời về khoa học và công nghệ để “đi tắt đón đầu”, tạo sức bật trong bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị văn hóa, hội nhập quốc tế về du lịch

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) được xây dựng, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi được xây dựng, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.

Dù là tỉnh biên giới địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, xuất phát điểm kinh tế thấp, xa các trung tâm kinh tế lớn; nguồn lực đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách T.Ư, nhưng sau nhiều năm nỗ lực giảm nghèo, ổn định đời sống dân cư, tìm hướng đi và cách làm phù hợp; trong đó, ưu tiên chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển DL giúp diện mạo các địa phương trong tỉnh có nhiều thay đổi. Là tỉnh có nhiều tiềm năng về DL, giữ vị trí “cầu nối” DL giữa 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc; là cửa ngõ thị trường DL Vân Nam (Trung Quốc), nhằm khơi dậy tiềm năng, tỉnh ta xây dựng và thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển DL giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến 2030. Trong đó, phát triển DL dựa trên nền tảng văn hóa đặc sắc của 19 dân tộc, danh lam thắng cảnh hùng vĩ, tiêu biểu là Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn, danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, hình thành nên hệ thống sản phẩm DL phong phú, như: DL văn hóa, tâm linh; DL sinh thái, nghỉ dưỡng; DL cộng đồng, DL địa chất, DL thương mại, thể thao, mạo hiểm... phân bố đều trên 3 vùng không gian DL.

Để thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tạo nền tảng cho thúc đẩy văn hóa, DL. Đồng thời, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành các nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; Đề án bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030.

Với các thiết bị thông minh, du khách góp phần quảng bá sản phẩm du lịch hoa Tam giác mạch của Cao nguyên đá.

Với các thiết bị thông minh, du khách góp phần quảng bá sản phẩm du lịch hoa Tam giác mạch của Cao nguyên đá.

Nhiều đề án, dự án triển khai công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, như: Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa DL cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực DL; Đề án Giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020… Mặt khác, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, như: Tổ chức biên soạn tin, bài, tiểu phẩm… bằng nhiều tiếng dân tộc; tuyên truyền cổ động trực quan (pa nô, áp phích, băng zôn, khẩu hiệu); tuyên truyền lưu động, qua hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền miệng tại các buổi sinh hoạt khu dân cư, nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố… ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, đăng tải, giới thiệu đặc trưng văn hóa Hà Giang trên các nền tảng số. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành thực hiện tốt nhiệm vụ đối với lĩnh vực văn hóa, DL.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Hồng Hải chia sẻ: Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành DL của tỉnh triển khai linh hoạt, đồng bộ các giải pháp ứng dụng truyền thông số trong quảng bá; phối hợp triển khai hệ thống phần mềm Cổng thông tin DL và ứng dụng DL thông minh trên thiết bị di động. Đồng thời, ký kết thỏa thuận về việc hợp tác triển khai thí điểm kế hoạch truyền thông DL; phát triển thêm kênh tiếp cận khách DL mới trên Instagram sử dụng tên gọi “Check in Hà Giang”. Tổng đài chăm sóc khách hàng đa kênh với bộ nhận diện các kênh tương tác mới đã hoạt động, gồm: Thoại qua đầu số hotline 19001046; mạng xã hội: Fanpage Facebook và Instagram “Check in Hà Giang”; cổng thông tin du lịch myhagiang.vn và ứng dụng du lịch thông minh Hà Giang Tourism; email checkinhagiang.cskh@gmail.com. Bằng sự nỗ lực vượt qua khó khăn do đại dịch đã mang lại hiệu quả tích cực trong quảng bá văn hóa, DL, tạo môi trường kết nối, tương tác giữa đơn vị kinh doanh, cung ứng dịch vụ DL về điểm đến, các dịch vụ ăn uống, lưu trú, vận tải cho du khách, xây dựng hình ảnh Hà Giang đổi mới, năng động.

Đổi mới hình thức, nội dung, xây dựng clip quảng bá DL trên các trang web, mạng xã hội youtube, tiktok; tổ chức thường niên các lễ hội, sự kiện; tích cực tham gia quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp tục triển khai thí điểm Cổng thông tin DL, ứng dụng DL thông minh và tổng đài chăm sóc khách hàng đa kênh về DL đang là những giải pháp đồng bộ, hiệu quả giúp mũi nhọn DL tỉnh ta tạo bước đột phá mới, hội nhập kịp thời, thu hút đông đảo du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

 Theo baohagiang.vn


Thống kê truy cập
Hôm nay : 981
Hôm qua : 1.805
Tháng 01 : 25.811
Năm 2025 : 25.811