Nỗ lực chuyển đổi số để phát triển toàn diện
Xác định chuyển đổi số (CĐS) có vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế và đời sống xã hội; những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh về CĐS giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa tất cả các quy trình thủ tục hành chính, tỉnh khuyến khích người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh. Với sự chỉ đạo, triển khai quyết liệt đồng bộ, công tác CĐS của tỉnh đã tạo đột phá trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Nhờ tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt cao nên cơ bản người dân đều tiếp cận được với chuyển đổi số. |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã khẳng định tại Hội nghị giải pháp thúc đẩy CĐS: Thực hiện chủ trương của Đảng, chương trình của Chính phủ về CĐS Quốc gia, Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh, thời gian qua, CĐS được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh, đạt được nhiều kết quả thiết thực, nổi bật trên cả ba trụ cột CĐS.
Theo đó, chính quyền số đã góp phần hoàn thiện chính quyền điện tử, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động cơ quan nhà nước, chất lượng dịch vụ công. Trong Quý III.2024, tỉnh ta xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 82%; tỷ lệ hồ sơ có giao dịch thanh toán trực tuyến đạt trên 90%; hoàn thành, đưa vào hoạt động hiệu quả hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống báo cáo Quốc gia; hệ thống họp không giấy tờ; phê duyệt, triển khai kiến trúc chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số phiên bản 3.0. Đồng thời, hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản tham gia sàn thương mại điện tử được đào tạo, tập huấn; 100% sản phẩm OCOP đăng tải trên sàn thương mại điện tử; triển khai mô hình chợ 4.0 về các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại hầu hết chợ trung tâm các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; 100% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh sử dụng hóa đơn điện tử; 100% xã, phường, thị trấn có cáp quang đến trung tâm; tỷ lệ thôn được phủ sóng điện thoại di động đạt gần 99%… Truyền thông số được đẩy mạnh, lan tỏa sâu rộng tinh thần và nhận thức về CĐS đến đông đảo người dân, doanh nghiệp.
Những kết quả bước đầu đã nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, là động lực mới thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo AN-QP trên địa bàn tỉnh.
Từ việc CĐS được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng đã làm thay đổi căn bản phương thức sống, làm việc, sản xuất của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh. Tuy nhiên, để CĐS mang tính toàn dân, toàn diện và mang lại lợi ích thiết thực thì việc lấy người dân là trung tâm, chủ thể là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hết sức cần thiết. Ông Trần Minh Tân, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược Thông tin - Truyền thông cho biết: “Hà Giang là một trong những tỉnh đầu tiên phê duyệt kiến trúc 3.0 với quan điểm “Dữ liệu số là tài nguyên, là tư liệu sản xuất mới cần được khai thông, giải phóng tiềm năng để tạo ra giá trị mới, thúc đẩy CĐS”. Trong phát triển CĐS, dữ liệu trở thành tài nguyên quan trọng và phải đồng bộ trên cả nước, việc Chính phủ định hướng xây dựng dữ liệu Quốc gia hết sức quan trọng. Qua đó, CĐS không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có”.
Đặc biệt, tỉnh Hà Giang đã công bố kiến trúc chính quyền điện tử 3.0 và nền tảng chia sẻ tích hợp dữ liệu. Đây được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu để chia sẻ và kết nối liên thông dữ liệu phục vụ phát triển chính quyền số một cách đồng bộ, nhất quán, hiệu quả. Đồng thời, cũng là trục kết nối duy nhất cung cấp các dịch vụ dùng chung, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống của tỉnh với nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu Quốc gia. Ông Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông cho biết: “Hà Giang là một trong những tỉnh đầu tiên phê duyệt kiến trúc 3.0. Đây được coi là giải pháp quan trọng hàng đầu để chia sẻ và kết nối liên thông dữ liệu phục vụ phát triển chính quyền số một cách đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, giảm thiểu lãng phí nguồn lực của tỉnh”.
Với những thành công đạt được của CĐS trong thời gian qua, tỉnh ta đang từng bước khẳng định vị thế của mình trong công cuộc số hóa. Đồng thời đây cũng là yếu tố quan trọng để Hà Giang tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ CĐS; góp phần đưa Hà Giang trở thành tỉnh có KT-XH phát triển khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Bài, ảnh: PHI ANH