A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngoại giao không gian mạng: Kinh nghiệm của một số quốc gia và gợi mở đối với Việt Nam

An ninh mạng ngày càng trở thành vấn đề an ninh phi truyền thống của các nước trên thế giới. Trong các giải pháp được đưa ra để giải quyết những thách thức, ngoại giao không gian mạng đang dần trở thành trọng tâm trong chiến lược bảo đảm an ninh của nhiều quốc gia. Tham khảo việc triển khai ngoại giao không gian mạng tại một số quốc gia là những gợi mở hữu ích đối với Việt Nam.

Ngoại giao không gian mạng trong quan hệ quốc tế

“Ngoại giao không gian mạng” (cyber diplomacy) là khái niệm mới, xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ XX. Trong giai đoạn đầu, khái niệm này thường được dùng để mô tả việc các quốc gia sử dụng nền tảng internet để triển khai các hoạt động đối ngoại, theo đó mạng internet được sử dụng như một phương tiện để thực thi chính sách ngoại giao. Khái niệm dần có sự điều chỉnh trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, sau hàng loạt sự cố nghiêm trọng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Các sự cố khiến các nhà hoạch định chính sách của các nước dần nhận thức được tầm quan trọng của ngoại giao trong giải quyết các thách thức phức tạp, phát sinh từ môi trường mạng. Những năm gần đây, nhiều quốc gia đã triển khai chính sách “ngoại giao không gian mạng” theo nghĩa coi không gian mạng như một lĩnh vực của hoạt động đối ngoại và sử dụng các công cụ, biện pháp ngoại giao nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, cũng như thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trên không gian mạng.

Cách hiểu về ngoại giao không gian mạng là chính sách của các quốc gia để thúc đẩy giải quyết các vấn đề an ninh mạng được hai học giả Franz - Stefan Gady và Greg Austin thuộc Viện Đông - Tây của Mỹ đề cập từ năm 2010. Theo hai học giả, với mức độ kết nối xuyên biên giới của không gian mạng, không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết triệt để các mối đe dọa. Vì vậy, cách tiếp cận mới về an ninh mạng cần phải bao hàm yếu tố hợp tác quốc tế(1). Tương tự, Mark Bryan F. Manantan, Giám đốc phụ trách An ninh mạng và Công nghệ trọng yếu tại Diễn đàn Thái Bình Dương cho rằng, trong bối cảnh kết nối toàn cầu như hiện nay, ngoại giao không gian mạng đang dần trở thành một trong những yếu tố quan trọng để các quốc gia khai thác tối đa lợi ích, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực phát sinh từ môi trường mạng.

Paul Meyer trong nghiên cứu “Các giải pháp ngoại giao thay thế cho chiến tranh mạng” xuất bản năm 2012 đã định nghĩa ngoại giao không gian mạng là “quá trình ngoại giao của một quốc gia nhằm tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng khả năng chống chịu trước các mối đe dọa từ môi trường mạng”(2). Shaun Riordan tiếp tục làm rõ nội hàm khái niệm “ngoại giao không gian mạng” là việc “sử dụng các công cụ và tư duy ngoại giao để việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ môi trường mạng”(3), trong khi André Barrinha và Thomas Renard định nghĩa ngoại giao không gian mạng là “việc sử dụng các nguồn lực ngoại giao hoặc thực hiện các chức năng ngoại giao để bảo vệ lợi ích quốc gia liên quan đến không gian mạng”. Khái niệm này hiện được coi là tương đối toàn diện và được chấp nhận rộng rãi trong giới chuyên gia(4).

Tổng hợp các quan điểm trên, ngoại giao không gian mạng có thể được hiểu, là việc quốc gia sử dụng các công cụ và biện pháp ngoại giao như đàm phán, thỏa thuận với các quốc gia và các chủ thể phi quốc gia khác thông qua các cơ chế song phương hoặc đa phương nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia, xử lý các thách thức chung và xây dựng chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực không gian mạng. Ngoại giao không gian mạng của một quốc gia cơ bản xoay quanh ba nội dung chính, bao gồm: 1- Hỗ trợ các quốc gia xây dựng năng lực mạng; 2- Xây dựng lòng tin về không gian mạng; 3- Thúc đẩy phát triển các quy định và chuẩn mực toàn cầu trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, ngoại giao không gian mạng còn đóng vai trò như một công cụ triển khai “quyền lực mềm”, giúp các quốc gia phát huy vai trò và ảnh hưởng trên trường quốc tế hiệu quả. Cụ thể, thông qua đóng góp tích cực vào việc xây dựng các chuẩn mực chung trên không gian mạng, các quốc gia có thể nâng cao vị thế, uy tín và hình ảnh quốc gia trong quá trình kiến tạo luật lệ trên trường quốc tế(5)

Kinh nghiệm của một số quốc gia

Trong thời gian qua, ngoại giao không gian mạng đã được các nước lớn và các nước phát triển ưu tiên thúc đẩy, thể hiện tính tiên phong, kiến tạo khuôn khổ trong lĩnh vực tuy còn mới mẻ nhưng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và an ninh toàn cầu.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu tại Hội nghị RSA ở San Francisco có nhiều nội dung về ngoại giao không gian mạng, tháng 6-2024_Ảnh: scworld.com

Đối với Mỹ

Với tư cách là siêu cường và đi đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Mỹ là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực ngoại giao không gian mạng. Dưới thời kỳ Tổng thống Barack Obama (2009 - 2016), ngoại giao không gian mạng đã từng bước trở thành một trong những ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Năm 2011, lần đầu tiên Mỹ công bố Chiến lược quốc tế về Không gian mạng và thành lập Văn phòng Điều phối các vấn đề an ninh mạng. Chiến lược nêu rõ mục tiêu nhằm xây dựng một không gian mạng mở, an toàn, đáng tin cậy, hỗ trợ thương mại quốc tế, bảo vệ các quyền tự do cơ bản và thúc đẩy hợp tác trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, Mỹ nhấn mạnh các nguyên tắc cốt lõi, như thúc đẩy đổi mới, bảo vệ quyền riêng tư và xây dựng các tiêu chuẩn hành vi quốc tế nhằm bảo đảm an ninh mạng ổn định trong kỷ nguyên kết nối toàn cầu. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump (2017 - 2021), chính sách an ninh mạng của Mỹ chuyển hướng ưu tiên tập trung nâng cao khả năng phòng vệ của Mỹ trước các mối đe dọa mạng, giảm hỗ trợ các đồng minh và đối tác, song vẫn duy trì các nỗ lực ngoại giao nhằm thiết lập các chuẩn mực quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia(6). Đến thời kỳ Tổng thống Joe Biden (2021 - 2025), ngoại giao không gian mạng tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu, với việc đưa ra Chiến lược quốc tế về Không gian mạng (tháng 5-2024), đánh dấu cam kết mạnh mẽ của Mỹ trong việc dẫn dắt và định hình các quy tắc và chuẩn mực toàn cầu về quản trị mạng.

Nhìn chung, chiến lược ngoại giao không gian mạng của Mỹ hướng đến bốn mục tiêu chính gồm: 1- Tăng cường khả năng phòng vệ cho Mỹ, các đồng minh và đối tác trước các hành vi độc hại trên không gian mạng; 2- Tạo dựng một môi trường mở, an toàn, thuận lợi cho phát triển kinh tế số toàn cầu; 3- Kiến tạo một không gian mạng mở, nơi con người có thể tự do tiếp cận các nguồn thông tin mà không bị hạn chế bởi sự kiểm soát của chính phủ; 4- Xây dựng vị thế, vai trò lãnh đạo của Mỹ trên không gian mạng.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, chính quyền Mỹ đã triển khai ba nhóm hoạt động đối ngoại về không gian mạng.

Một là, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nước đối tác, kể cả các đối tác phi nhà nước. Năm 2021, Mỹ công bố Sáng kiến Chống tấn công tống tiền mạng (CRI) với sự tham gia của 68 quốc gia. Một trong những nội dung chính của sáng kiến này là thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia và khu vực tư nhân, qua đó tạo điều kiện để các nước ứng phó hiệu quả hơn trước các cuộc tấn công tống tiền trên không gian mạng. Năm 2024, Quốc hội Mỹ tiếp tục phê duyệt Quỹ Hỗ trợ an ninh mạng với cam kết đưa ra mức hỗ trợ ban đầu trị giá 50 triệu USD nhằm tăng cường năng lực mạng cho các đồng minh và thúc đẩy phát triển hạ tầng mạng cơ bản trên toàn cầu.

Hai là, Mỹ đi đầu trong nỗ lực xây dựng lòng tin trên không gian mạng, đặc biệt với các đối tác chủ chốt và quan trọng. Năm 2015, chính quyền Tổng thống B. Obama đã ký kết thỏa thuận an ninh mạng song phương với Trung Quốc, cam kết kiểm soát việc thực hiện các hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ qua không gian mạng. Hai nước thiết lập một cơ chế đối thoại cấp cao nhằm giải quyết vấn đề tội phạm mạng(7). Mỹ đồng thời tổ chức hàng loạt cuộc đối thoại mạng song phương với các quốc gia, như Pháp, Hà Lan, Ukraine, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản,... và các tổ chức khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm củng cố cam kết chung về quan hệ đối tác an ninh mạng bền vững, đồng thời thúc đẩy tầm nhìn về một môi trường internet rộng mở, tương thích, an toàn và đáng tin cậy.

Ba là, Mỹ thúc đẩy xây dựng các quy tắc, chuẩn mực chung trên không gian mạng. Thực tế cho thấy, Mỹ là một trong những quốc gia tích cực trong việc thảo luận và đóng góp sáng kiến cho các cơ chế an ninh mạng của Liên hợp quốc, như Công ước quốc tế về tội phạm mạng, Nhóm Chuyên gia chính phủ của Liên hợp quốc (UNGGE) và Nhóm làm việc mở trong lĩnh vực thông tin và viễn thông quốc tế (OEWG). Năm 2022, Mỹ ký Nghị định thư tăng cường hợp tác thực thi Công ước Budapest về tội phạm mạng, thể hiện cam kết của Mỹ đối với việc củng cố hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng toàn cầu. Để giải quyết hiệu quả các thách thức về an ninh mạng, Mỹ chủ động đề xuất các sáng kiến và ký kết các hiệp định quốc tế nhằm thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có trách nhiệm trên không gian mạng(8). Trong đó, Mỹ kêu gọi các quốc gia công nhận luật pháp quốc tế áp dụng cho các hoạt động của chính phủ trên không gian mạng, đồng thời chú trọng bảo vệ quyền con người và quyền tự do cá nhân trực tuyến; khuyến khích áp dụng mô hình quản trị mạng với sự tham gia của nhiều bên liên quan, trong đó có các chủ thể nhà nước và chủ thể phi nhà nước trong việc xây dựng các quy tắc trên không gian mạng.

Đối với Trung Quốc

Là quốc gia được hưởng lợi từ các hoạt động kinh tế gắn liền với mạng internet, đồng thời nhận thức rõ những rủi ro từ không gian mạng, Trung Quốc đặc biệt coi trọng vấn đề an ninh mạng. Từ năm 2014, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định “sẽ không có an ninh quốc gia nếu như không có an ninh mạng, không có hiện đại hóa nếu như không có số hóa”(9). Thuật ngữ “ngoại giao không gian mạng” chưa được sử dụng trong các văn bản chính thức của Trung Quốc, nhưng các tài liệu cơ bản như Chiến lược An ninh mạng quốc gia 2016, Chiến lược hợp tác quốc tế về không gian mạng 2017 và Sách trắng về cộng đồng chung chia sẻ tương lai trên không gian mạng 2022 đã gợi mở những nội dung quan tâm trong chính sách ngoại giao không gian mạng của Trung Quốc.

Về nguyên tắc, ngoại giao không gian mạng của Trung Quốc được xây dựng dựa trên ba thành tố cốt lõi tương đồng với các nguyên tắc trong đối ngoại truyền thống, đó là: 1- Tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào các vấn đề nội bộ trên không gian mạng của các quốc gia khác; 2- Hợp tác bình đẳng và cùng có lợi; 3- Chung sống hòa bình, phản đối sử dụng công nghệ số để thực hiện các hành vi thù địch, kêu gọi xử lý tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Về mục tiêu, ngoại giao không gian mạng của Trung Quốc hướng tới bảo đảm chủ quyền trên không gian mạng; giúp Trung Quốc vươn lên thiết lập vai trò lãnh đạo thông qua việc định hình luật chơi trong quản trị mạng ở phạm vi toàn cầu, thúc đẩy hợp tác kinh tế số ổn định và hiệu quả.

Năm 2015, Trung Quốc công bố Sáng kiến “Con đường tơ lụa số” (DRI) trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI), trong đó ưu tiên các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực mạng cho các nước Trung Đông, Trung Á và Đông Nam Á. Nổi bật là việc thành lập Trung tâm Trao đổi và Đào tạo an ninh mạng Trung Quốc - ASEAN (tháng 10-2019), Sáng kiến Hợp tác Trung Quốc - Liên đoàn Arab về an ninh dữ liệu (tháng 3-2021), Sáng kiến Hợp tác bảo mật dữ liệu Trung Á (tháng 3-2022). Trong các thể chế đa phương hiện hành, Trung Quốc tích cực tổ chức các cuộc tập trận chống khủng bố mạng và tài trợ cho các thể chế quốc tế, như Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Cộng đồng Viễn thông châu Á - Thái Bình Dương để triển khai các chương trình xây dựng năng lực về công nghệ thông tin tại các nước đang phát triển.

Trung Quốc coi trọng việc xây dựng lòng tin và phối hợp chính sách là một nội dung triển khai ngoại giao không gian mạng. Từ năm 2010 tới nay, Trung Quốc đã thiết lập hàng loạt cơ chế đối thoại và tham vấn về không gian mạng với các quốc gia và khu vực khác nhau, điển hình như Đối thoại giữa Trung Quốc với EU, ASEAN, châu Phi, tham vấn an ninh mạng ba bên Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc, hay đối thoại về hợp tác thiết lập chuẩn mực với các công ty, tập đoàn công nghệ trên thế giới thông qua Hội nghị toàn cầu về internet do Trung Quốc tổ chức thường niên. Tại các thể chế đa phương mà Trung Quốc có ảnh hưởng lớn như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Trung Quốc tích cực đưa ra các sáng kiến cam kết về an ninh mạng và nhận được sự ủng hộ của các quốc gia thành viên. Ở cấp độ song phương, Trung Quốc ký kết các thỏa thuận an ninh mạng với các cường quốc khác, như Mỹ, Nga về việc tăng cường đối thoại và không tấn công lẫn nhau trên không gian mạng. Tháng 5-2015, Trung Quốc và Nga đã ký kết Hiệp định song phương về An ninh thông tin quốc tế, với mục tiêu tăng cường hợp tác, trao đổi trong vấn đề an toàn thông tin, ứng phó kịp thời với các mối đe dọa trên không gian mạng. Tháng 9-2015, trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã công bố thỏa thuận về an ninh mạng, cam kết không tiến hành các hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ qua mạng, thiết lập một cơ chế đối thoại mạng chung, cũng như nỗ lực thúc đẩy các chuẩn mực quốc tế phù hợp trên không gian mạng.

Ngoài ra, Trung Quốc thể hiện tiếng nói riêng, mạnh mẽ để đóng góp vào việc thiết lập các quy tắc, chuẩn mực mới về quản trị mạng toàn cầu tại các diễn đàn của Liên hợp quốc. Trong hai năm 2011 và năm 2015, với sự dẫn dắt của Trung Quốc, các nước SCO đã hai lần đệ trình dự thảo nghị quyết về Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm thúc đẩy vấn đề chủ quyền quốc gia. Tại Hội nghị Viễn thông quốc tế năm 2012, Trung Quốc đề xuất cập nhật Hiệp ước Quy định viễn thông quốc tế để hợp thức hóa các biện pháp kiểm duyệt và giám sát của chính phủ trên không gian mạng, nhận được sự ủng hộ của 89 nước thành viên. Trong bối cảnh thảo luận của Nhóm chuyên gia chính phủ lâm vào bế tắc do bất đồng quan điểm giữa các bên, năm 2018, dự thảo của Nga với sự ủng hộ của Trung Quốc đã thành công trong việc thiết lập OEWG, cho phép sự đóng góp và tham gia vào việc quản trị mạng của tất cả các nước thành viên. Hiện nay, Trung Quốc tích cực tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng Công ước về tội phạm của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, nhận thức rõ về sự phát triển của AI và những nguy cơ về an ninh mạng mà công nghệ này có thể gây ra, Trung Quốc đã đưa ra những sáng kiến, cam kết mới về việc quản trị AI toàn cầu, như Sáng kiến quản trị AI toàn cầu (tháng 10-2023), Tuyên bố Thượng Hải về Quản trị AI toàn cầu (tháng 7-2024) với mục tiêu thúc đẩy tăng cường hợp tác quốc tế về AI vì phúc lợi của nhân loại, cũng như ủng hộ các cam kết quốc tế khác, như Tuyên bố Bletchley tại Hội nghị thượng đỉnh về an toàn AI năm 2023.

Đối với Hàn Quốc

Khác với các nước lớn sở hữu nguồn lực dồi dào, chính sách ngoại giao không gian mạng của Hàn Quốc không đặt mục tiêu “dẫn dắt” trong việc thiết lập và định hình luật chơi quốc tế mà hướng tới việc thích ứng và bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời tạo môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển, cũng như đóng vai trò làm “cầu nối” giữa các cường quốc trong lĩnh vực quản trị không gian mạng toàn cầu.

Chiến lược An ninh mạng quốc gia của Hàn Quốc được công bố vào các năm 2019 và năm 2024 xác định sáu nhiệm vụ chiến lược, trong đó thúc đẩy hợp tác quốc tế về an ninh mạng, nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ phát triển hệ thống hợp tác song phương và đa phương về an ninh mạng thông qua việc tham gia xây dựng các quy tắc quốc tế, thúc đẩy lòng tin và hỗ trợ nâng cao năng lực mạng cho các quốc gia đang phát triển. Điểm nổi bật trong tư duy về quản trị mạng của Hàn Quốc là sự kết hợp về nguyên tắc giữa các tư tưởng phương Tây với phương Đông. Tuy cùng chia sẻ các giá trị tự do, cởi mở, an toàn của không gian mạng với Mỹ và nhiều nước phương Tây, Hàn Quốc vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng về sự quản lý của chính phủ trên không gian mạng, coi đây là nền tảng cho sự phát triển ổn định và bền vững của không gian mạng.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia tích cực hỗ trợ các quốc gia đang phát triển nâng cao năng lực mạng. Hàn Quốc là nhà tài trợ chính cho Chương trình Nâng cao năng lực an ninh mạng toàn cầu, góp phần cải thiện năng lực mạng cho các nước tại khu vực, như Tây Balkan, châu Phi. Bên cạnh đó, Hàn Quốc thể hiện vai trò nổi bật trong hỗ trợ các nước ASEAN về lĩnh vực an ninh mạng. Năm 2023, Hàn Quốc phối hợp cùng ASEAN lựa chọn nội dung an ninh mạng để tổ chức hội thảo kênh 1,5 (10) trong khuôn khổ Diễn đàn An ninh khu vực (ARF); đồng thời, triển khai Chương trình huấn luyện CYTREX thuộc Nhóm Công tác của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) tại Thủ đô Seoul. Tháng 9-2024, Hàn Quốc tổ chức cuộc diễn tập quốc tế về phòng thủ mạng mang tên “APEX” với sự tham gia của 24 quốc gia, qua đó khẳng định cam kết mạnh mẽ của nước này trong việc thúc đẩy hợp tác và phát triển an ninh mạng toàn cầu.

Bộ trưởng Khoa học đổi mới - công nghệ của Vương quốc Anh Michelle Donelan và Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Thông tin - Truyền thông Hàn Quốc Lee Jong Ho tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) do Hàn Quốc và Anh đồng tổ chức, tháng 5-2024_Ảnh: TTXVN 

Ngoài ra, Hàn Quốc tích cực triển khai hợp tác, điển hình là hợp tác với Mỹ thông qua cơ chế Hội nghị tham vấn Chính sách An ninh mạng thường niên. Hàn Quốc chủ động tổ chức các cuộc đối thoại an ninh mạng với các đồng minh quan trọng của Mỹ, như Anh, EU. Đồng thời, nước này có những nỗ lực đáng kể trong việc thiết lập các quy tắc, chuẩn mực quốc tế trên không gian mạng, thể hiện vai trò tích cực trong các cơ chế thảo luận về an ninh mạng của Liên hợp quốc, như UNGGE, OEWG. Đặc biệt, Hàn Quốc đóng vai trò là cầu nối quan trọng, giúp gắn kết các nước phát triển với các nước đang phát triển nhằm kiến tạo các quy tắc quản trị mạng toàn cầu được thừa nhận rộng rãi. Năm 2013, Hàn Quốc đăng cai tổ chức Hội nghị toàn cầu về không gian mạng (GCCS), thu hút sự tham gia của nhiều nước như Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, cũng như các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp công nghệ. Hàn Quốc thể hiện vai trò tiên phong trong nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng các quy tắc quản trị AI và sử dụng AI một cách có trách nhiệm trên không gian mạng. Tháng 5-2024, Hàn Quốc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh AI lần thứ hai, quy tụ đại diện từ hơn 30 quốc gia. Hội nghị đã ra Tuyên bố Seoul, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Hàn Quốc cùng các nước tham gia đối với việc phát triển AI theo hướng đổi mới, toàn diện và an toàn, đồng thời tôn trọng quyền tự do cá nhân trong môi trường số.

Nhìn chung, với tư cách là một quốc gia tầm trung, chính sách ngoại giao không gian mạng của Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào bảo vệ lợi ích quốc gia, kiến tạo một môi trường mạng thuận lợi cho sự phát triển của nước này. Hàn Quốc nỗ lực đóng vai trò kết nối, thúc đẩy hợp tác và xây dựng các quy tắc quản trị mạng công bằng, hài hòa lợi ích giữa các quốc gia.

Một số gợi mở đối với Việt Nam

Trong bối cảnh vấn đề an ninh mạng trở thành yếu tố then chốt, đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển ổn định và thịnh vượng của mỗi quốc gia trong thời đại số, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới với định hướng chuyển đổi số và phát triển khoa học - công nghệ thông tin là một trụ cột chiến lược bảo đảm tăng trưởng, việc nghiên cứu triển khai chiến lược ngoại giao không gian mạng toàn diện trở thành một nhiệm vụ cấp thiết. Trên cơ sở thực tiễn của Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia, có thể thấy:

Thứ nhất, cần tiến hành đồng thời việc hoàn thiện khung pháp lý về quản trị mạng trong nước và xây dựng một chiến lược ngoại giao không gian mạng toàn diện, bao quát, có tính hệ thống dựa trên ba trụ cột: 1- Tăng cường hợp tác với các nước phát triển nhằm nâng cao năng lực mạng của Việt Nam và các đối tác; 2- Tổ chức các hoạt động thường kỳ thúc đẩy xây dựng lòng tin giữa các nước trong lĩnh vực không gian mạng; 3- Tăng cường trao đổi, thiết lập các quy tắc, chuẩn mực quốc tế trên không gian mạng. Việc triển khai chiến lược cần được thực hiện thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương để bảo đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả.

Thứ hai, triển khai các cơ chế đối thoại song phương trong lĩnh vực an ninh mạng, giúp tạo điều kiện thuận lợi trao đổi, phối hợp với các đối tác toàn cầu; chủ động đề xuất các sáng kiến mới cho quản trị mạng toàn cầu, cũng như tích cực thảo luận, thúc đẩy vấn đề chủ quyền trên không gian mạng tại các thiết chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc; phối hợp và phát huy vai trò của các chủ thể thuộc khu vực nhà nước, khu vực tư nhân trong và ngoài nước trong việc xây dựng các quy tắc và chuẩn mực về an toàn, an ninh mạng một cách toàn diện và phù hợp với lợi ích của tất cả các bên.

Thứ ba, chủ động hơn nữa trong hỗ trợ các nước trong khu vực nâng cao năng lực mạng. Theo đánh giá về Chỉ số An ninh mạng quốc tế (GCI) năm 2024 của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam xếp thứ 16 trên thế giới và thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á về mức độ cam kết trên lĩnh vực an ninh mạng (11). Mới đây nhất, Thủ đô Hà Nội đã được lựa chọn là địa điểm ký kết Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng, qua đó thể hiện rõ uy tín quốc tế của Việt Nam. Với vị thế hiện có, Việt Nam hoàn toàn có khả năng hỗ trợ các quốc gia trong khu vực phát triển kết cấu hạ tầng số, đồng thời thúc đẩy cải thiện trình độ và năng lực ứng phó với các thách thức trên không gian mạng, qua đó góp phần nâng cao tầm ảnh hưởng và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tựu trung, việc triển khai ngoại giao không gian mạng của một số quốc gia cho thấy, các nước đều có nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác trên môi trường không gian mạng và ứng phó hiệu quả trước các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, vẫn còn có những khác biệt trong tư duy và mô hình quản trị mạng giữa các quốc gia, tạo nên rào cản không nhỏ cho quá trình xây dựng một khung pháp lý mang tính toàn cầu về an ninh mạng. Sự chênh lệch về vị thế và tiềm lực sức mạnh quốc gia cũng khiến cho khả năng đóng góp của các quốc gia trong vấn đề an ninh mạng toàn cầu không đồng đều. Với nhận thức về tầm quan trọng ngày càng cao của không gian mạng trong việc phát triển kinh tế và ổn định xã hội, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về quản trị mạng trong nước, đồng thời xây dựng và triển khai chiến lược ngoại giao không gian mạng có tính tổng thể để giải quyết những thách thức cụ thể đặt ra trong lĩnh vực này và tăng cường vị thế đối ngoại của Việt Nam, góp phần xây dựng các tiêu chuẩn chung ở khu vực và phạm vi toàn cầu để hợp tác quốc tế trong môi trường không gian mạng ngày càng thuận lợi và bền vững hơn./.

--------------------

(1) Franz-Stefan Gady và Greg Austin: “Russia, The United States, and Cyber Diplomacy: Opening the Doors” (Tạm dịch: Nga, Mỹ và ngoại giao không gian mạng: Mở ra những cơ hội), EastWest Institute, 2010, https://www.files.ethz.ch/isn/121211/USRussiaCyber_WEB.pdfhttps://www.eastwest.ngo/sites/default/files/ideas-files/
(2) Paul Meyer: “Diplomatic Alternatives to Cyber - Warfare” (Tạm dịch: Các giải pháp ngoại giao thay thế cho chiến tranh mạng), The RUSI Journal, số 1 (2012)
(3) Shaun Riordan, Cyberdiplomacy: Managing Security and Governance Online (Tạm dịch: Ngoại giao không gian mạng: Quản lý an ninh và quản trị trực tuyến), Polity, 2019
(4) André Barrinha và Thomas Renard: “Cyber-diplomacy: the making of an international society in the digital age” (Tạm dịch: Ngoại giao không gian mạng: Sự hình thành của một xã hội quốc tế trong thời đại số), Global Affairs 3, số 4-5, 2017
(5) Eugenio Lilli và Christopher Painter: “The evolution of US cyber diplomacy” (Tạm dịch: Sự phát triển của ngoại giao không gian mạng Hoa Kỳ), trong “Soft power and the future of US foreign policy” (Tạm dịch: Quyền lực mềm và tương lai của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ), Manchester University Press, 2023, https://www.manchesterhive.com/display/9781526169136/ 9781526169136.00015.xml
(6) Dưới thời kỳ Tổng thống Donald Trump, Mỹ lần đầu công bố Chiến lược An ninh mạng quốc gia vào năm 2018. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ký một số Sắc lệnh Hành pháp nhằm “khắc phục các lỗ hổng” trong  vấn đề an ninh mạng. Xem: “President Trump Protects America’s Cyber Infrastructure” (Tạm dịch: Tổng thống Mỹ Donald Trump bảo vệ kết cấu hạ tầng mạng của Mỹ), Trump White House Archive, ngày 12-5-2017, https://trumpwhitehouse. archives.gov/briefings-statements/president-trump-protects-americas-cyber-infrastructure/?utm
(7) John. W. Rollins: “U.S. - China Cyber Agreement” (Tạm dịch: Thỏa thuận an ninh mạng Mỹ - Trung Quốc), CRS Insight, ngày 16-10-2015, https://sgp.fas.org/crs/row/IN10376.pdf
(8) Tháng 9-2024, Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết Công ước khung của Liên minh châu Âu về trí tuệ nhân tạo, với một trong các nội dung chính là bảo đảm AI phát triển có trách nhiệm, tôn trọng quyền riêng tư, tự do của cá nhân trong các hoạt động trực tuyến. Xem: “The Council of Europe’s Framework Convention on Artificial Intelligence and Human Rights, Democracy, and the Rule of Law” (Tạm dịch: Công ước khung của Hội đồng châu Âu về trí tuệ nhân tạo và nhân quyền, dân chủ và pháp quyền), US Department of States, ngày 5-9-2024, https://www.state.gov/bureau-of-democracy-human-rights-and-labor/the-council-of-europes-framework-convention-on-artificial-intelligence-and-human-rights-democracy-and-the-rule-of-law
(9) “中央网络安全和信息化领导小组第一次会议召开 习近平发表重要讲话” (Tạm dịch: “Cuộc họp đầu tiên của Nhóm lãnh đạo Trung ương về an ninh mạng và thông tin hóa với bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình), Office of the Central Cyberspace Affairs Commission, ngày 27-2-2014, https://www.cac.gov.cn/2014-02/27/c_133148354.htm
(10) Kênh ngoại giao 1.5 là sự kết hợp hoạt động ngoại giao giữa ngoại giao chính thức (ngoại giao kênh 1) do chính phủ thực hiện với ngoại giao phi chính thức (ngoại giao kênh 2) do các tổ chức phi chính phủ, học giả, chuyên gia và các bên liên quan khác thực hiện
(11) “Global Cybersecurity Index 2024” (Tạm dịch: Chỉ số An ninh mạng toàn cầu 2024), ITU, 2024, https://www.itu.int/en/ITU-D/Cybersecurity/Documents/GCIv5/2401416_1b_Global-Cybersecurity-Index-E.pdf


Nguồn: Tạp chí Cộng sản
Thống kê truy cập
Hôm nay : 134
Hôm qua : 2.924
Tháng 04 : 11.236
Năm 2025 : 181.810