Hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt ở Mèo Vạc
Là địa phương nằm trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, mặc dù điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức của nhân dân về chuyển đổi số còn hạn chế, nhưng cấp ủy, chính quyền huyện Mèo Vạc luôn xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên hàng đầu.
Du khách nước ngoài thanh toán không dùng tiền mặt tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi. |
Với đặc thù là huyện có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của huyện đã lựa chọn chuyển đổi số về lĩnh vực du lịch, trong đó tập trung chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là khách du lịch đến tham quan có nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa (thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt) đảm bảo diễn ra nhanh gọn và an toàn. Để thực hiện tốt mục tiêu này, UBND huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện chủ động đến các ngân hàng để được hướng dẫn cài đặt; đồng thời Agribank Mèo Vạc đã thiết kế và lắp đặt mã VietQR miễn phí 100% phù hợp với từng mô hình kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương và người dân để tiện lợi thanh toán. Bên cạnh đó, Agribank Mèo Vạc cử cán bộ xuống tận cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn cách cài đặt và thanh toán bằng mã VietQR trên ứng dụng Agribank E-mobile banking. Vì vậy, trong năm 2022, Agribank Mèo Vạc đã cài đặt cho 480 tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ, trong đó có 98% cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống trên địa bàn huyện. Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ triển khai hóa đơn điện tử được 70 tổ chức, cá nhân; Công ty Cổ phần Thủy điện Nho Quế 1 áp dụng vé điện tử đối với du khách đi thuyền trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1. Vì vậy, vào các dịp nghỉ lễ hay ngày nghỉ cuối tuần, lượng khách đi thuyền rất đông, hơn 3.000 người/ngày nhưng việc thực hiện vé điện tử diễn ra nhanh chóng, không bị tắc nghẽn và giúp cho công tác theo dõi số lượng khách hằng ngày của cơ quan quản lý thuận lợi hơn.
Để cung cấp thông tin kịp thời cho du khách, huyện Mèo Vạc triển khai lắp đặt hệ thống wifi công cộng gắn với Cẩm nang du lịch nhằm giới thiệu các điểm du lịch, hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ khác trên nền tảng số. Các địa điểm dịch vụ đều niêm yết giá phòng, giá thực đơn từng món ăn, số điện thoại liên hệ và đường dẫn Google Map để du khách thuận lợi tra cứu. Trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, năm 2022 huyện Mèo Vạc đã chủ động phối hợp với Viettel Hà Giang tổ chức khai trương chợ 4.0 thị trấn Mèo Vạc. Đây là mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt đầu tiên trong vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, đã giúp từng bước thay đổi thói quen của người dân trong sử dụng tiền mặt trong mua bán hàng hóa hằng ngày.
Từ hiệu quả bước đầu về thanh toán không dùng tiền mặt, trong năm 2023 huyện Mèo Vạc sẽ phối hợp với Viettel Hà Giang tiếp tục nhân rộng mô hình chợ 4.0 đến chợ phiên ở các xã vùng sâu, xa, nhằm mục đích chuyển đổi số đột phá hơn nữa trong cộng đồng dân cư.