Bình dân học vụ số đưa công nghệ đến gần hơn với mọi người dân
BTGDV- Kế thừa tinh thần cách mạng của phong trào "Bình dân học vụ’’ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động năm 1945 nhằm xóa mù chữ, nâng cao dân trí, phong trào 'Bình dân học vụ số' hôm nay mang trong mình sứ mệnh mới: phổ cập kỹ năng số, giúp người dân tiếp cận, sử dụng và làm chủ công nghệ, góp phần xây dựng xã hội số toàn diện và bao trùm.
Tại lễ phát động phong trào "Bình dân học vụ số", Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhấn mạnh: "Chúng ta không chỉ kế thừa di sản quý báu của lịch sử, mà còn phải biết ứng dụng nó vào thực tiễn hiện nay. Việc trang bị tri thức số sẽ giúp người dân tự tin hơn trong môi trường số, chủ động nắm bắt cơ hội và thích nghi với sự phát triển của công nghệ". Phong trào "Bình dân học vụ số" cũng nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Phong trào giúp người dân tiếp cận và tận dụng công nghệ trong cuộc sống, hình thành cộng đồng thích ứng với chuyển đổi số; tham gia xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số.
Trước những chuyển biến mang tính bước ngoặt của thời đại – khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trọng tâm là công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ, toàn diện và với tốc độ chưa từng có – thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên số hóa. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mang tính chủ quan, mà đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, cấp thiết đối với mọi quốc gia, địa phương và từng cá nhân. Một trong những nhiệm vụ có tính nền tảng, quyết định thành bại của tiến trình này chính là phổ cập tri thức số cho toàn dân – nhằm thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng, miền và các nhóm dân cư; phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; và bảo đảm nguyên tắc công bằng xã hội – không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển mình mạnh mẽ của đất nước vào thời đại số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Phong trào “Bình dân học vụ số.” (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Để quản lý và vận hành xã hội một cách hiệu quả trong bối cảnh số hóa toàn diện, điều cốt yếu là phải hình thành nên một thế hệ "công dân số" – những con người có đủ kiến thức, kỹ năng, nhận thức và thái độ để sống, học tập, làm việc và tương tác an toàn, hiệu quả trong môi trường số. Trước yêu cầu đó, một nhiệm vụ mang tính chiến lược đã được đặt ra: triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” – một phong trào học tập mới, kế thừa tinh thần cách mạng của phong trào "Bình dân học vụ" do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng năm 1945, nhưng mang trong mình sứ mệnh hiện đại: phổ cập kỹ năng số, xây dựng xã hội học tập, khuyến học – khuyến tài trong thời đại số. “Bình dân học vụ số” không chỉ đơn thuần là truyền thụ kiến thức công nghệ, mà sâu xa hơn là quá trình khai mở tư duy, nâng cao năng lực số, giúp người dân – từ cán bộ, công chức, viên chức đến học sinh, người lao động, người cao tuổi và các nhóm yếu thế – có thể tiếp cận, sử dụng và làm chủ các thiết bị, nền tảng, dịch vụ số. Mỗi cán bộ, công chức thành thạo nền tảng số, thực hành thành thạo dịch vụ công trực tuyến và ý thức bảo vệ an ninh mạng. Mỗi học sinh từ cấp trung học được trang bị kỹ năng số cơ bản để sáng tạo, tự học và tự bảo vệ mình trên không gian mạng. Mỗi người dân, kể cả lao động phổ thông và người lớn tuổi, đều có khả năng sử dụng thiết bị thông minh để tiếp cận thông tin, đăng ký dịch vụ y tế, thanh toán không dùng tiền mặt, khai thác tiện ích của các nền tảng số quốc gia như VneID. Hướng tới mục tiêu mỗi gia đình đều có ít nhất một thành viên thành thạo kỹ năng số – đây chính là bước đi căn cơ để tạo ra sự chuyển biến đồng bộ và bền vững trong cộng đồng.
Phong trào “Bình dân học vụ số” mang tính thời đại cho yêu cầu xây dựng xã hội số, chính quyền số và kinh tế số. Đây không chỉ là giải pháp công nghệ, mà còn là một cuộc vận động lớn về tư tưởng, văn hóa và giáo dục – nơi mà tri thức số trở thành nguồn lực phát triển, nơi mà người dân thực sự làm chủ không gian số, góp phần đưa tỉnh nhà bứt phá trong chuyển đổi số, rút ngắn khoảng cách phát triển và hội nhập bền vững với thời đại.
Trần Thảo